Hiệu quả từ việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở ở An Giang
Ông Phạm Văn Lừng, xã Quốc Thái, huyện An Phú (tỉnh An Giang) cứ đều đặn hàng tuần đến Trạm Y tế xã Quốc Thái để thăm khám, kiểm tra sức khỏe, tư vấn, điều trị. “Thời gian trước, muốn đi khám, điều trị bệnh, tôi thường phải nhờ các con đưa lên bệnh viện tuyến huyện. Lên đó vừa xa, nhiều người khám phải bốc số chờ đợi, mất nhiều thời gian…Từ ngày trạm y tế xã được đầu tư, nâng cấp tôi không phải lên tuyến trên nữa; đội ngũ y, bác sĩ đây chu đáo, vui vẻ, tận tình phục vụ, nhất là bệnh nhân lớn tuổi, đi lại khó khăn như tôi”, ông Phạm Văn Lừng nói.
Người dân đến khám bệnh tại các trạm y tế xã ở An Giang. |
Để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh tại chỗ, Trạm Y tế xã Quốc Thái đã được đầu tư nâng cấp các phòng chức năng, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Hiện nay, trạm có 1 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học, 1 cao đẳng hộ sinh, 4 y sĩ đa khoa. Trung bình mỗi tháng, trạm có khoảng 500 lượt người đến khám và điều trị bệnh.
Cũng như Trạm y tế xã Quốc Thái, Trạm y tế xã Nhơn Hội có 7 biên chế gồm: 1 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học, 1 y sĩ sản nhi, 2 điều dưỡng và 2 y sĩ đa khoa. Mạng lưới y tế hoạt động theo một chuỗi, nối liền từ xã đến ấp. Các cộng tác viên ở địa bàn chịu trách nhiệm chuyển tải thông tin chương trình mục tiêu y tế quốc gia đến người dân dưới sự giám sát, hỗ trợ của ban lãnh đạo trạm. Các y, bác sĩ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý và điều trị một số bệnh mạn tính, như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… qua đó, chất lượng việc chẩn đoán và điều trị bệnh ngày được nâng cao, từng bước đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân.
Nhờ đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại nên việc khám, điều trị bệnh ở các trạm y tế xã ở An Giang đã được nâng cao. |
“Thời gian qua, nhờ việc đầu tư trang thiết bị y tế và đưa cán bộ đi đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn nên công tác chăm lo sức khỏe cho người dân, việc khám, trị bệnh cũng được nâng cao. Vừa giảm tải cho tuyến trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã còn góp phần giảm chi phí đi lại cho người dân mỗi khi đi khám bệnh. Bên cạnh việc khám và điều trị bệnh, chúng tôi còn chú trọng việc phòng chống dịch. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác dân số cũng được quan tâm...”, Bác sĩ Lương Mỹ Ngọc, Trưởng trạm y tế xã Nhơn Hội, huyện An Phú (tỉnh An Giang) chia sẻ.
An Phú là một huyện biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, mạng lưới y tế ở 14 xã, thị trấn trong huyện được đầu tư, trang bị nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Để nâng cao hiệu quả trong việc khám và điều trị bệnh cho người dân tại cơ sở, tất cả các trạm y tế xã trên địa bàn huyện đã vận dụng hiệu quả phương pháp khám chữa bệnh bằng y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền. Hiện nay, 100% trạm y tế trên địa bàn huyện có phòng khám và trị bệnh theo phương pháp y học cổ truyền.
Hiện nay, 100% trạm y tế trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang có phòng khám và trị bệnh theo phương pháp y học cổ truyền. |
“Hằng ngày, tôi không chỉ thăm khám, bốc thuốc, điều trị cho bệnh nhân theo y học cổ truyền, mà còn tư vấn cho người dân về cách ăn uống hợp vệ sinh, tập thể dục thường xuyên; tư vấn về phòng, chống dịch tại nhà… Phương pháp khám chữa bệnh bằng y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền đã giúp người dân nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị các bệnh lý mạn tính”, Lương y Nguyễn Văn Tuấn, Trung tâm Đông y - Châm cứu An Giang, đang công tác tại Phòng khám Đông y thuộc Trạm y tế xã Nhơn Hội nói.
Với việc chẩn đoán chính xác, xử lý nhanh để chuyển tuyến trên kịp thời, cứu sống bệnh nhân trong ca bệnh khó; tinh thần thái độ tận tình, cởi mở vì dân phục vụ; tiên phong gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh... được các trạm y tế xã trên địa bàn huyện An Phú nói riêng, tỉnh An Giang nói chung đã trở thành địa chỉ tin cậy để mỗi người dân an tâm đến thăm khám và điều trị bệnh.
Phương pháp khám chữa bệnh bằng y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền đã giúp người dân nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị các bệnh lý mạn tính. |
Ông Trần Văn To, xã Nhơn Hội, huyện An Phú vui vẻ cho biết: “Tôi thường xuyên tới đây khám, trị bệnh ở trạm y tế xã. Khi trưa được đầu tư, trạm rất khó khăn, phòng khám đơn sơ, thiếu thiết bị, thuốc men… Giờ đây trạm xá đã được đầu tư sửa chữa, có nhiều thiết bị hiện đại nên tiện lợi cho bà con vùng quê, vùng sâu vùng xa, nhất là những người cao tuổi. Đội ngũ y, bác sĩ ở đây cũng nhiệt tình khám, điều trị và tư vấn sức khỏe chu đáo với bà con tại địa phương. Bây giờ bà con an tâm điều trị ở đây nhiều hơn đi xuống tuyến huyện”.
Theo Bác sĩ, Chuyên khoa II Trần Văn Sang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Phú cho biết, thời gian qua hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở đã góp phần làm giảm tải 50% cho tuyến huyện; đồng thời giảm thời gian và chi phí cho người dân đi khám, và điều trị bệnh, nhất là các loại mãn tính có thể điều trị tại cơ sở. Hiện ngành y tế huyện An Phú đã và đang tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí thuộc bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đồng thời tăng cường các dịch vụ y tế dự phòng để tầm soát, nâng cao chất lượng dân số; góp phần quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
“Phát triển tốt tuyến y tế cơ sở, để vừa phục vụ quản lý tốt chương trình y tế quốc gia, vừa trong phòng chống dịch, cũng như công tác phục vụ. Đối với cơ sở vật chất, chúng tôi đã đề nghị và được UBND huyện và Sở Y tế duyệt xét cho cho xây dựng mới 2 trạm y tế và cải tạo, nâng cấp 4 trạm y tế khác… Đây là điều kiện cơ bản để phát triển y tế cơ sở, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Trong năm 2024, Ban Giám đốc cũng có hướng hoàn thiện bộ máy tổ chức của các trạm y tế để hoàn chỉnh hơn”, Bác sĩ, Chuyên khoa II Trần Văn Sang cho biết thêm.
Hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở đã góp phần làm giảm tải 50% cho tuyến huyện; đồng thời giảm thời gian và chi phí cho người dân đi khám, và điều trị bệnh, nhất là các loại mãn tính có thể điều trị tại cơ sở ở An Giang. |
Trao đổii với chúng tôi, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, hoạt động y tế cơ sở, hệ thống y tế, dân số tuyến huyện tiếp tục ổn định củng cố, nâng cao chất lượng. 100% trạm y tế xã có bác sĩ, y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh làm việc (trong đó tỷ lệ trạm y tế xã có biên chế bác sĩ gần 80%); 100% khóm, ấp có nhân viên y tế hoạt động; 100% trạm y tế cấp xã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, ngành y tế tỉnh rất quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Đảm bảo tốt các hoạt động khám, chữa bệnh, các bệnh viện duy trì tốt công tác chỉ đạo tuyến, tổ chức phục vụ tốt cấp cứu, khám, chữa bệnh. Tổng số lần khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế gần 4,2 triệu lần, trong đó số lần khám, chữa bệnh tại các cơ sở điều trị trong tỉnh hơn 3,6 triệu lần.
“Để có đủ điều kiện khám, chữa bệnh ban đầu và chăm sóc sức khỏe cho người dân, ngoài việc đầu tư và cơ sở vật chất, ngành Y tế An Giang đã và đang tiếp tục nâng cao đội ngũ y, bác sĩ cho tuyến cơ sở; hướng đến mạng lưới y tế cơ sở gắn với mô hình bác sĩ gia đình, để việc khám, chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn”, ông Trần Quang Hiền khẳng định.