Ghé thăm trại rắn lớn nhất cả nước
Cán bộ Trại rắn Đồng Tâm (cơ sở 2 tại Phú Quốc) lấy nọc rắn. |
Độc đáo Trại rắn Đồng Tâm
Với diện tích 12 ha, Trại rắn Đồng Tâm nằm tại ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cách thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang khoảng 9 km về hướng Tây. Trại rắn được thành lập theo sáng kiến của Bác sĩ Trần Văn Dược (Tư Dược) - một người có kiến thức về rắn và say mê công việc nguy hiểm này. Mục đích nuôi rắn của ông Tư Dược là nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài rắn quí hiếm có trong sách đỏ đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Chỉ nghe nói đến một con rắn thì nhiều người đã muốn nổi da gà, huống chi ở đây lại có hẳn một trại rắn. Với hàng chục loại và hàng nghìn con, trong đó có nhiều loại được xếp vào sách đỏ như hổ mây, cạp nong, cạp nia… vậy mà dưới bàn tay chăm sóc, huấn luyện của cán bộ, nhân viên trung tâm thì chúng đã trở nên e dè, hiền hòa như… một cô gái mới lớn. Và chính sự “nổi da gà” đó đã cuốn hút ngày càng nhiều người đến để được “mục sở thị”. Trại rắn đã và đang trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo.
Vào những dịp lễ, Tết lượng khách đến Trại rắn Đồng Tâm rất đông. Họ đến từ khắp mọi nơi trong cả nước… đặc biệt là có rất nhiều đoàn khách là người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau cũng về đây tham quan, tìm hiểu.
Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm chăm sóc rắn. |
“Để bảo đảm an toàn cho du khách, chúng tôi luôn xem khâu huấn luyện rắn là một vấn đề sống còn của đơn vị. Để huấn luyện được một con rắn, đòi hỏi người dạy phải có tay nghề cao. Ngoài những bài “làm quen với rắn” thì những nhân viên huấn luyện còn phải hiểu được tâm lý và tính cách của mỗi loài rắn, nếu không mỗi lần chúng mà hờn dỗi thì chắc chắn có chuyện xảy ra. Những loài rắn hung dữ và nguy hiểm như là hổ mang, hổ chúa, mái gầm… nhưng qua huấn luyện của bàn tay của các nhân viên thì chúng đã trở nên rất… dễ gần. Du khách về đây tham quan sẽ thoải mái ngắm nhìn họ hàng nhà rắn… làm duyên”, Thiếu tá QNCN Trần Thị Thơm, vừa hướng dẫn cho khách tham quan, vừa cho chúng tôi biết.
Du khách tham quan Trại rắn Đồng Tâm. |
Chị Trần Thị Bé Thi, làm nghề hướng dẫn viên du lịch từ Huế nói với chúng tôi: “Tuy đã hướng dẫn khách về đây rất nhiều lần, nhưng năm nào tôi cũng về đây vài lần, càng đi tôi càng thích. Ở đây thái độ phục vụ của nhân viên rất nhiệt tình, mến khách, giá cả rất phải chăng. Khách của tôi chủ yếu là khách nước ngoài, họ rất khó tính nhưng khi đến đây thì họ rất hài lòng. Khi về nước, họ lại giới thiệu cho bạn bè, người thân đến tham quan, tìm hiểu. Đó cũng là một lợi thế cho khu du lịch này”.
Bên cạnh các loài rắn đang sinh sống, điểm độc đáo ở Trại rắn Đồng Tâm này còn có “Bảo tàng các loài rắn” - nơi lưu giữ hàng trăm mẫu rắn của nhiều loài sinh sống ở khu vực châu Á. Vào thăm bảo tàng, nhiều người sẽ có cảm giác như lọt vào thế giới của loài bò sát mà người xưa xem nó là một trong những loài biểu trưng của sức mạnh “nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”. Bảo tàng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam”.
Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm hướng dẫn cho khách tham quan khu bảo tồn rắn. |
Chuyện cứu người ở Trại rắn
Cùng với sự ra đời của Trại rắn, Khoa điều trị rắn cắn cũng được thành lập tại đây. Thời gian qua. Mỗi năm, Khoa tiếp nhận từ hơn 1.000 ca rắn cắn trong đó rắn độc chiếm 70%, hầu hết là rắn lục đuôi đỏ, một số trường hợp rắn hổ mang đất, rắn chàm quạp cho quân và dân trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các trường hợp từ khu vực miền Đông Nam bộ. Có nhiều bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch.
Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm điều trị cho bệnh nhân bị rắn cắn. |
Theo chia sẻ của Trung tá, BSCKI Lê Văn Tâm, Phó Chủ nhiệm Khoa điều trị rắn cắn, thì rắn tấn công người ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở các khu đô thị mới có những nền nhà chưa cất, cỏ dại mọc nhiều, khi đi tập thể dục; thậm chí khi phơi đồ, làm cỏ, hái rau, trồng trọt, bắt cá, chặt củi…, người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường bị các loại như: Rắn hổ đất, chàm quạp, rắn lục, cạp nong, cạp nia… tấn công, gây toan máu, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Riêng, với rắn lục đầu vồ đuôi đỏ - là loại có độc tính cao, tốc độ nhiễm nọc độc vào cơ thể rất nhanh. Nọc độc tập trung tấn công vào máu gây nhiễm trùng, phù nề hoại tử, nhiều trường hợp phải cắt bỏ chi thể nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Nghe qua câu chuyện bị rắn cắn của chị Trịnh Kim Liên, sinh năm 1983, ngụ tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) nhiều người phải hết sức cảnh giác. 12 giờ đêm ngày 1/10/2023, chị Liên vừa bước vào nhà vệ sinh thì thấy nhói đau ở bàn chân phải. Tưởng bị vật gì đâm, nhưng khi nhìn xuống thì thấy một con rắn lục đuôi đỏ to bằng ngón chân cái đang nằm khoanh tròn gần bồn cầu. Chân sưng to rất nhanh, đau nhức, máu chảy nhiều, lập tức chị Liên được người nhà chở đến đến Khoa điều trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm cấp cứu. Qua gần một tuần điều trị, sức khỏe chị dần ổn định và xuất viện sau đó ít ngày.
Một bệnh nhân bị răn cắn được Trại rắn Đồng Tâm cấp cứu, điều trị. |
Còn anh Phạm Thành Việt, 35 tuổi, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre) kể: “Rạng sáng ngày 30/9/2023, khi tôi đi làm ngoài ruộng thì bị rắn lục đầu vồ đuôi đỏ tấn công. Bị một vết thương nhỏ ở ngón chân nhưng máu chảy nhiều, ít phút sau mắt tôi mờ đi, lưỡi cứng, tim đập dồn dập, ngực nặng khó thở. Khi tỉnh dậy thì đã thấy mình đang nằm tại Khoa điều trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm. May mà đến đây kịp, nếu không chuyện chẳng lành đã xảy ra với tôi”.
Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm cho biết: “Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã điều trị cho hơn 100 bệnh nhân bị rắn độc tấn công đến từ các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh.... Tất cả các trường hợp điều trị đều thành công, không ảnh hưởng đến tính mạng”.
Trung tá Lê Văn Tâm, Phó chủ nhiệm Khoa điều trị rắn cắn cho biết thêm: “Thời tiết ẩm ướt, nước ngập nhiều nên loài rắn độc thường tìm nơi khô ráo để trú ngụ, vì vậy con người cũng thường xuyên phải đối mặt với chúng. Hiện nay, chúng tôi luôn túc trực 24/24 giờ. Khi bệnh nhân đến cấp cứu, chúng tôi phải xác định được loại rắn nào cắn để điều trị cho phù hợp. Ở đây chúng tôi chủ yếu điều trị bằng kháng huyết thanh theo từng loại rắn cắn. Nếu không điều trị chuẩn xác, nạn nhân dù không chết thì cũng bị nhiễm trùng, hoặc hoại tử, dẫn đến phải cắt bộ phận cơ thể. Nhờ đó mà tất cả những ca bị rắn độc cắn đưa đến khoa đều được cứu chữa kịp thời, không có sự cố đáng tiếc xảy ra”.
Thời gian qua, rất nhiều bệnh nhân khi bị rắn cắn vẫn còn sử dụng các phương pháp như chích, lể, đắp thuốc, lấy nọc. Do vậy chỉ một, hai ngày sau vết cắn sưng nề, hoại tử, bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện thì lúc này việc điều trị kéo dài, tốn kém và phức tạp.
Mặt khác, một số bà con vẫn còn có thói quen khi bị rắn cắn là chạy đến các “thầy lang” để rạch vết cắn, hút nọc, hoặc đắp lá thuốc. Phương pháp này thường gây rối loạn đông máu, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng huyết dẫn tới tử vong.
Theo khuyến cáo của Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, khi bị rắn cắn, tuyệt đối bệnh nhân không được lấy nọc, đắp thuốc, chích, lể, nặn máu, ga rô, buộc dây. Ngoài ra, trong quá trình lao động bà con nên sử dụng bảo hộ lao động như găng tay, ủng, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, khi đi ngủ phải quan sát gầm giường, ga, gối, nệm. Phải rửa ngay vết thương bằng nước sạch, không nên chữa trị bằng những loại lá cây dại vì rất có thể dẫn tới nhiễm trùng. Bà con cần tuân thủ an toàn lao động khi làm việc tại những nơi có nhiều cây cối, chủ động phát quang bụi rậm quanh nhà để rắn không có nơi trú ngụ. Đặc biệt, dù chưa xác định rắn có độc hay không độc, cũng cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời…
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học chuyên ngành dược liệu
Từ tháng 6/2019, Trại rắn Đồng Tâm đã chuyển sang cơ chế thực hiện hoạch toán trong điều kiện kinh tế thị trường ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt, việc lãnh đạo, chỉ đạo mở rộng thị trường nội địa tiêu thụ thuốc còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, chuyên ngành sâu về dược, kiểm nghiệm cho nhu cầu phát triển vẫn còn thiếu nhiều... Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tại đây đã đủ năng lực triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sâu về chuyên ngành dược liệu.
Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm chăm sóc rắn. |
Thượng tá Nguyễn Hồng Phúc, Chính trị viên Trại rắn Đồng Tâm chia sẻ: “Công tác nghiên cứu khoa học được đơn vị chú trọng, đẩy mạnh nghiên cứu. Trong giai đoạn 2019 - 2024, đơn vị đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức đạt được nhiều thành tích đáng tự hào với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nuôi trồng, bảo tồn các loại cây con làm dược liệu phục vụ sản xuất thuốc cổ truyền, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho bộ đội và nhân dân các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Độc đáo Trại rắn Đồng Tâm. |
Thực hiện nhiều đề tài cấp bộ, nhiều công trình dự án cấp Nhà nước và nhiều dự án khoa học khác, từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã thực hiện 1 dự án cấp Bộ Quốc phòng, 3 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ và có 1 sáng kiến, cải tiến cấp cơ sở là: Dự án cấp Bộ Quốc phòng “Tăng cường năng lực Phòng thí nghiệm nghiên cứu bào chế nam dược” đã nghiệm thu vào cuối năm 2023; đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu bào chế, đánh giá tác dụng chống viêm, giảm đau của kem Cobratofor từ nọc rắn hổ mang”…
Các loài rắn được bảo tồn, lưu giữ tại Trại rắn Đồng Tâm. |
Hằng năm, trung tâm còn duy trì nhiệm vụ “Bảo tồn, lưu giữ duy trì nguồn gen rắn hổ mang đất và rắn hổ mang chúa; hoàn thiện quy trình bảo tồn, quy trình bào chế thuốc từ nọc rắn, bảo đảm duy trì phát triển số lượng cá thể nguồn gen rắn hổ mang đất và hổ mang chúa. Duy trì được nguồn nguyên liệu quý giá nọc rắn hổ mang chúa, nọc rắn hổ mang đất dùng cho sản xuất kháng huyết thanh và sản xuất kem bôi da Cobratoxan. Làm nền tảng nghiên cứu bào chế các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tại trung tâm.
Các sản phẩm từ nhiệm vụ bảo tồn được trung tâm kết hợp với Viện Vaccin Nha Trang sản xuất kháng huyết thanh điều trị, cấp cứu rắn độc cắn cũng như việc cung cấp nọc rắn cho các đơn vị làm nghiên cứu như Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga tại Hà Nội; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh…
Chăm sóc, bảo tồn các loại rắn tại Trại rắn Đồng Tâm. |
Mặt khác, từ nguyên liệu nọc rắn, trung tâm đã nghiên cứu bào chế sản phẩm kem bôi da Cobratoxan có hiệu quả cao trong điều trị các trường hợp đau nhức cơ, xương, khớp, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm Cobratoxan từ năm 2010 đến nay. Tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu trăn rắn được đăng ký lưu hành trên thị trường như: Kem nghệ - mỡ trăn, mỡ trăn; cao trăn - rắn; niên nang bột rắn lục; mật ong; các loại rượu…
Trong giai đoạn 2019 - 2024, Trại rắn Đồng Tâm vinh dự 3 lần được Bộ tư lệnh Quân khu 9 tặng danh hiệu Cờ thi đua đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Quyết thắng (2019, 2022, 2023); được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen năm 2021, 2022; tặng danh hiệu Cờ Thi đua xuất sắc năm 2023, vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.