Bệnh thoái hóa võng mạc – Những câu hỏi thường gặp
Võng mạc là một lớp mô được tìm thấy ở mặt sau của mắt. Khi ánh sáng đi vào trong mắt, sẽ đi qua giác mạc và thủy tinh thể sau đó hội tụ trên võng mạc.
Võng mạc chứa hàng triệu tế bào nhạy cảm với ánh sáng (tế bào hình que và tế bào hình nón) và các tế bào thần kinh khác để tiếp nhận và tổ chức thông tin hình ảnh thị giác.
Võng mạc sẽ gửi thông tin hình ảnh này đến não thông qua dây thần kinh thị giác, giúp bạn có thể nhìn thấy được.
Điểm vàng (hay còn gọi là hoàng điểm) là phần trung tâm của võng mạc giúp nhận biết độ sắc nét, màu sắc và độ rõ của hình ảnh.
Thoái hóa võng mạc chu biên do cận thị |
1. Bệnh thoái hóa võng mạc nguy hiểm như thế nào?
- Thoái hóa võng mạc có thể gây ra tình trạng rách, bong võng mạc. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn tới nguy cơ mù lòa.
- Trục nhãn cầu dài làm cho võng mạc bị kéo giãn ra, dần mất kết dính và bong, rách. Hiện tượng rách võng mạc có thể đi kèm xuất huyết nội nhãn. Lúc này, người bệnh sẽ thấy những chấm đen nhỏ hoặc đám đen dày đặc.
- Trường hợp võng mạc bị kéo giãn tới mức bong võng mạc thì tầm nhìn sẽ giảm đột ngột, thậm chí là bị mất vùng nhìn vĩnh viễn. Mặc dù vậy, không phải vết rách võng mạc nào cũng có biểu hiện rõ rệt nên người bệnh cần đi thăm khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về mắt.
- Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa võng mạc có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng hoặc thậm chí là dẫn đến mù lòa. Khoảng 5% trường hợp thoái hóa võng mạc dẫn đến mù lòa trên toàn thế giới nên đây là căn bệnh về mắt được Tổ chức Y tế Thế giới quan tâm hàng đầu.
- Trong nhiều trường hợp, những tổn thương võng mạc đã xảy ra không thể phục hồi được, nên việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng, giúp làm chậm diễn tiến bệnh và bảo tồn thị lực cho bệnh nhân.
2. Thoái hóa võng mạc có điều trị khỏi được không?
Thoái hóa võng mạc do cận thị đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Các phương pháp điều trị bệnh hiện nay chủ yếu nhằm mục đích làm chậm hoặc ngăn chặn bệnh tiến triển mà không điều trị khỏi hoàn toàn. Hiện nay, chưa có bất kì loại thuốc hay phương pháp phẫu thuật nào làm ngăn chặn sự dài ra của trục nhãn cầu hay sự mỏng dần đi của võng mạc do cận thị nặng.
Vì vậy, bảo vệ tế bào võng mạc ngay từ sớm đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ phòng ngừa thoái hóa võng mạc, ngăn ngừa nguy cơ suy giảm thị lực, mù lòa. Đối với trường hợp cận nặng có nguy cơ cao bong võng mạc, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định làm laser quang đông đáy mắt. Tia laser làm tăng sự kết dính của võng mạc với lớp mô bên dưới (hắc mạc) tạo ra một hàng rào “lá chắn” lấp đầy khu vực vết rách hoặc thoái hóa võng mạc do cận thị. Mục đích chính của phương pháp này là giảm thiểu sớm nguy cơ mất thị lực, mất vùng nhìn do bong võng mạc.
Trong một số trường hợp bệnh nhân làm phẫu thuật, chiếu laser quang đông võng mạc giúp tăng mức độ an toàn cho người bệnh sau mổ bởi tia laser có khả năng hạn chế, khu trú diện tích vùng bong võng mạc và bảo tồn thị lực trung tâm tốt nhất.
3. Giải pháp nào phòng bệnh thoái hóa võng mạc hiệu quả?
Người bệnh cần hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh thoái hóa võng mạc do cận thị cũng như việc điều trị còn nhiều hạn chế như tốn kém thời gian, tiền bạc trong khi thị lực không được hồi phục một cách tốt. Do đó, mỗi chúng ta cần có ý thức phòng bệnh ngay từ sớm.
- Cần rèn thói quen sinh hoạt khoa học: Không để mắt làm việc (đọc sách, xem máy tính,…) quá lâu, đeo kính chống ánh sáng xanh giúp bảo vệ mắt.
- Bảo vệ mắt trước môi trường: Dùng thuốc nhỏ mắt khi đi đường trở về, đeo kính râm tránh ánh nắng mặt trời và hạn chế mắt tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại.
- Vệ sinh mắt đúng cách: Rửa mắt với nước và khăn lau sạch, hạn chế dùng tay dụi mắt.
- Khám mắt định kỳ: Duy trì thói quen thăm khám mắt 3 – 6 tháng /lần. Khám mắt giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý về mắt để có giải pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả.
- Điều trị các bệnh mãn tính: bệnh nhân mắc tiểu đường và huyết áp cao cần kiểm soát tốt để bệnh không gây hệ lụy biến chứng lên đôi mắt.
4. Khi nào bệnh nhân bị thoái hóa võng mạc cần đến gặp bác sĩ?
Điều quan trọng là phải chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong thị lực và nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị. Hãy thăm khám ngay lập tức nếu bạn đột nhiên nhìn thấy ruồi bay, chớp sáng, màn đen che trước mắt hoặc suy giảm thị lực. Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh thoái hóa võng mạc có thể nguy hiểm.
5. Đông y có chữa được thoái hóa võng mạc không?
Mỗi nền y học có những thế mạnh khác nhau trong từng lĩnh vực. Trong chuyên khoa mắt, y học cổ truyền (YHCT) có nhiều phương thuốc, biện pháp điều trị giúp việc ngăn ngừa và phòng các bệnh về mắt an toàn, hiệu quả ngay từ khi mắt chưa có bệnh.
YHCT từ xưa đã có nhiều phương pháp điều trị như thuốc thang, châm cứu, chích lể, xoa bóp bấm huyệt… giúp điều trị các bệnh về mắt. Bệnh về mắt được y học cổ truyền xếp trong bệnh học Ngũ quan, các bệnh về Nhãn khoa.
Ngay từ thời xa xưa YHCT đã có tri thức về các bệnh lý của mắt. Ngày nay, để chăm sóc sức khỏe cho đôi mắt trẻ em và người lớn, chúng ta nên kết hợp kiến thức của YHCT và y học hiện đại. Khi có vấn đề về sức khỏe của đôi mắt, người bệnh nên đến thầy thuốc chuyên khoa thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.
6. Chi phí khám và điều trị thoái hóa võng mạc?
Hiện nay, mức chi phí khám thoái hóa võng mạc phụ thuộc vào chuyên môn của chuyên gia, thời gian và hình thức tư vấn mà khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, chi phí cho lộ trình điều trị còn tùy vào bệnh lý, mức độ nghiêm trọng, kế hoạch điều trị mà chuyên gia tư vấn cho khách hàng. Thông thường chi phí khám thoái hóa võng mạc tại các bệnh viện phụ thuộc vào mức độ bảo hiểm được hưởng.
Ngoài ra, chi phí khám tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như cơ sở khám mắt ở đâu, khám mắt cho bé hay cho người lớn… Bên cạnh đó, chi phí khám còn tùy thuộc vào chỉ định thêm chỉ định khác của bác sĩ.
Có những bệnh viện sẽ công khai chi phí khám của từng gói khám tại website hoặc fanpage. Bạn cũng có thể tìm hiểu chi phí thông qua việc gọi tới số hotline của bệnh viện hoặc người quen đã từng khám ở nơi bạn định khám mắt.
Chi phí khám mắt cơ bản là 150.000 - 200.000 đồng.