Cần có những chính sách mạnh để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không
Cặp đôi du lịch - hàng không
Thảo luận tại phiên Toạ đàm “Tiềm năng phát triển hàng không” tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: du lịch Việt Nam đang đạt được những mốc tăng trưởng vượt ngoài dự tính. So với quy hoạch trước đây, đến năm 2020 Việt Nam mới đạt 10,5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng trên thực tế đến năm 2017, con số này đã là 13 triệu.
Về cơ sở hạ tầng thì sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã mang đến các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, tạo ra hạ tầng phục vụ không chỉ khách nội địa mà còn cả khách quốc tế, tăng sức hấp dẫn, đáp ứng tăng trưởng của lượng khách thời gian qua.
Với sự đầu tư này, lượng khách sắp tới đến Việt Nam sẽ càng mạnh mẽ, đòi hỏi sự huy động của mọi lực lượng phương tiện, trong đó đặc biệt là hàng không - hình thức giao thông đang chiếm ưu thế tuyệt đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
"Du lịch và hàng không là hai cánh của một tàu bay, sự phát triển của ngành này mang đến sự phát triển của ngành kia", ông Phương nhận xét.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM thì hàng không và du lịch khi kết hợp một cách nhịp nhàng sẽ tác tác động lớn đến nền kinh tế. Ông dẫn chứng, nếu bình quân mỗi khách hàng không nội địa chi phí 100 USD thì 10.000 khách đóng góp 1 triệu USD.Nhưng với khách quốc tế thì đóng góp cho nền kinh tế lớn hơn rất nhiều khi bình quân chi phí của họ gấp 5 lần là 500 USD/người.
Mối liên hệ giữa du lịch và hàng không có thể thấy rõ tại Quảng Ninh - một trong những địa phương đang chứng kiến sự tăng trưởng về du lịch cũng như hạ tầng hàng không ấn tượng nhất tại Việt Nam.
“Chúng tôi dự kiến 12 triệu khách đến Quảng Ninh, trong đó lượng khách nước ngoài là 5 triệu khách. Với nhiều dự án quy mô, hiện đại bậc nhất như quần thể FLC Hạ Long, sân bay quốc tế Vân Đồn đang chuẩn bị được đưa vào khai thác, kết hợp với các hãng bay, lữ hành… và đặc biệt là sự ra đời của hãng hàng không mới như Bamboo Airways, chúng tôi kỳ vọng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh sẽ gia tăng”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói.
Hội thảo thu hút hơn 500 đại diện tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước
Cung không đủ cầu
Một trong những thách thức mà hàng không đang phải đối mặt đến từ vấn đề hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng tại những khu vực trọng điểm.
Theo ông Đỗ Đức Tú, Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tắc nghẽn hạ tầng là do lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam tăng trưởng trên 16%, cao so với mức chung của thế giới, dẫn đến sự tắc nghẽn của các cảng hàng không.
Còn theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC thì hiện tượng này đến từ việc nhiều hãng hàng không chỉ tập trung khai thác các “đường bay vàng”, như chặng bay Hà Nội - TP.HCM, do lợi nhuận hấp dẫn. “Nhưng như vậy, hạ tầng hàng không Hà Nội hay TP.HCM không thể đáp ứng được, đặc biệt khi khách từ các tỉnh cũng phải dồn về hai thành phố này để bay", ông Quyết nói.
Hiện tượng quá tải về hạ tầng không chỉ diễn ra tại các khu vực đô thị trung tâm mà còn diễn ra tại nhiều cảng hàng không địa phương như Thanh Hoá, Quy Nhơn hay Quảng Bình...
“Cảng hàng không Đồng Hới có thiết kế 400 ngàn khách/năm, hiện đang đứng trước tình trạng quá tải khi năm 2017 đã đón 500 ngàn và không dưới 600 ngàn trong năm nay. Đến 2020 là gần 1 triệu khách... Số khách dự kiến sẽ còn tăng rất cao khi khu du lịch gần 2.000 ha với chuỗi sân golf liên hoàn quy mô của FLC đang chuẩn bị đi vào vận hành. Đầu tư nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới hiện là vấn đề cấp thiết”, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC phát biểu tại Hội thảo
Chào đón tư nhân
Để giải bài toàn về hạ tầng hàng không thì một trong những biện pháp đang được dư luận quan tâm là xã hội hoá đầu tư cảng hàng không.
"Phải có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không. Trước đây, ta nói hàng không là quốc gia, không có tư nhân, nhưng bây giờ tư nhân tham gia rất nhiều. Hiện nay trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân, và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế… Tôi cho rằng cần tham khảo chính sách như ở Ấn Độ, họ có chủ trương có những sân bay 100% tư nhân đầu tư", ông Nguyễn Thiện Tống nói.
Còn theo thông tin từ ông Đỗ Đức Tú thì vốn Nhà nước cho hạ tầng hiện đạt 50%, nhưng riêng trong lĩnh vực hàng không, cho đến giai đoạn 2020 thì mới đạt khoảng 30 - 35%.
“Chúng ta cần 65% đến 70% vốn đầu tư tư nhân để phát triển cảng hàng không. Hiện nay, Chính phủ, các bộ rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư phát triển cảng hàng không, ví dụ tại Vân Đồn, Phan Thiết, Cam Ranh. Sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào cảng hàng không chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ vì theo Nghị định 92/2016, nhà đầu tư tư nhân được phép đầu tư 100% vốn”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu FLC thì một vướng mắc mà tập đoàn này đang gặp phải là dù muốn đầu tư vào cảng hàng không nhưng cũng không dễ bởi đang có quy định doanh nghiệp tư nhân nếu kinh doanh hãng bay thì không được đầu tư cảng hàng không.
Trả lời thông tin này, ông Tú khẳng định, trước đây, các hãng hàng không chỉ được phép đầu tư tối đa 30% vốn của cảng hàng không, nhưng Nghị định 92/2016 đã bỏ quy định này. “Tập đoàn FLC hoàn toàn có thể đầu tư vào cảng hàng không”, ông Tú nhấn mạnh.
Chờ đợi cạnh tranh
Khi thị trường đã bị chiếm lĩnh bởi những đối thủ sừng sỏ, chỉ có sự khác biệt mới có thể tạo nên cơ hội. Với Bamboo Airways, theo ông Trịnh Văn Quyết, cơ hội đến từ sự chuẩn bị đã diễn ra trong 4 năm, và đặc biệt quyết liệt trong hai năm trở lại đây.
“Đặc biệt về cơ sở hạ tầng du lịch, đến năm 2019 - 2020, FLC dự kiến có khoảng 20 dự án quần thể nghỉ dưỡng - là điều mà không hãng hàng không nào có được. Những quần thể đang vận hành của chúng tôi đã mang lại hiệu quả cho rất nhiều hãng hàng không thì không có lý do gì lại không mang đến hiệu quả khi chúng tôi tự khai thác”, ông nói.
Một sự khác biệt quan trọng khác đến từ quyết định đầu tư lớn của Bamboo Airways.
“Một số hãng hàng không chết yểu vì chỉ bay từ 1-3 máy bay, còn Bamboo Airways thì bay luôn 20 chiếc trong 2018. Chúng tôi không làm từ nhỏ cho đến lớn. Khi bước vào lĩnh vực mới, chúng tôi chuẩn bị chu đáo và đã bay là bay mấy chục chiếc. Đến 2019 chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung thêm 20-30 máy bay nữa, để du khách cũng như người dân không bao giờ gặp tình trạng không có vé”, ông Quyết khẳng định.
Trong khi đó,ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hãng có sự phối hợp của đội ngũ những người có kinh nghiệm trên dưới 30 năm, các chuyên gia nước ngoài từng làm việc 20-30 năm tại các hãng hàng không lớn của thế giới.
“Với phi công, chúng tôi đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn, thù lao thuộc hàng cao nhất Việt Nam hiện nay. Những người trong đội ngũ quản lý, điều hành cũng có nhiều kinh nghiệm, được tuyển chọn kỹ càng. Về kỹ thuật, nhiều chuyên gia kỹ thuật không dễ chuyển việc, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị từ rất lâu, và có đầy đủ bộ máy”, ông Thắng cho biết.
PV