Cần xử lý nghiêm hành vi ngang ngược xem thường quy định pháp luật của Tập đoàn Sao Mai tại tỉnh An Giang
- Bài 1: An Giang: Khu du lịch hoạt động “chui” trong dự án điện mặt trời, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường
- Bài 2: Bị phản ánh khu du lịch hoạt động “chui” trong dự án điện mặt trời, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch An Giang có thái độ khiếm nhã với phóng viên
Khu du lịch “chui” trong dự án điện mặt trời An Hảo.
Cố tình lấp liếm để trục lợi từ Khu du lịch “chui” trong Dự án điện mặt trời An Hảo
Phân tích về hồ sơ do phía Tập đoàn Sao Mai cung cấp cho phóng viên Sức khoẻ & Môi trường, Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho rằng: Cty CP DL An Giang thành lập đăng ký hoạt động kinh doanh là theo Luật Kinh doanh, Sở KH&ĐT cho phép về mặt tư cách, còn hoạt động ở lĩnh vực du lịch thì phải phù hợp với các quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Cụ thể, hoạt động du lịch là một lĩnh vực chuyên ngành do Sở VH-TT&DL quản lý về mặt chuyên môn. “Nơi đó phải được công nhận là khu, điểm du lịch thì anh mới được khai thác. Bởi nó phải đủ điều kiện, ví dụ như về vệ sinh môi trường, phạm vi không gian, khu vực an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và rất nhiều thứ khác… Thậm chí, người thực hiện công việc đó phải đảm bảo về chuyên môn nghiệp vụ. Chứ không phải cứ dựng lên cái bảng khu du lịch là nó trở thành khu du lịch, hiểu như thế là không đúng…”, Luật sư Phước nói.
Trên thực tế, Cty CP DL An Giang đã tổ chức quảng cáo rầm rộ, bán vé, thu tiền của du khách từ cuối năm trước, nhưng đến ngày 25/3/2022, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang khẳng định, Dự án điện mặt trời An Hảo vẫn chưa phải là khu, điểm du lịch. Trước đây phía Cty CP DL An Giang có gửi hồ sơ xin thành lập điểm du lịch nhưng sau khi xem xét thì phía Sở nhận thấy hồ sơ chưa hoàn chỉnh nên yêu cầu Công ty này gửi bổ sung hồ sơ. Cũng theo ông Hiệp: “Sau khi chúng tôi thẩm định thì có xin ý kiến của các sở ngành liên quan, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa xong”.
Ông Hiệp cho biết, Sở đã mời phía Công ty đến để khắc phục tình trạng này, đồng thời đã báo cáo với UBND tỉnh. Sở đã cùng địa phương và Công ty làm việc, nhằm khắc phục sự việc này bằng cách, nơi đó chưa phải là khu, điểm du lịch thì phía Công ty không được trưng bảng hiệu là khu du lịch và cũng không được bán vé thu tiền của du khách. “Tôi đã chỉ đạo lực lượng thanh tra Sở vào đó xem. Nếu như vẫn chưa khắc phục những nội dung ghi trong biên bản làm việc giữa Sở, địa phương và Công ty sẽ lập biên bản. Sau đó tiếp tục báo cáo đến UBND tỉnh. Đồng thời Sở cũng đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc, để UBND tỉnh có ý kiến chính thức về vấn đề này và nguyên tắc là phải làm đúng các quy định của pháp luật”.
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Khu du lịch điện mặt trời An Hảo mà Cty CP DL An Giang (thuộc Tập đoàn Sao Mai) gắn bảng quảng cáo để thu hút du khách và bán vé thu tiền. Đây không phải là “Khu – điểm du lịch” mà chỉ có thể xem là “Điểm dừng chân” để phục vụ du khách vào nghỉ chân, check in và đã là “Điểm dừng chân” thì không thể bán vé thu tiền.
Bất chấp quy định pháp luật trong khai thác dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp
Như đã thông tin, không chỉ xúc phạm phóng viên, than oán cơ chế, chính sách, ông Trần Minh Trí còn nhắn tin đến một phóng viên viết bài phản ánh doanh nghiệp này có hành vi ngang nhiên trong quá trình khai thác Di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp và cho rằng “Khu di tích lịch sử quốc gia Đồi Tức Dụp trước đây là một khu hoang phế, không được quan tâm”.
Tiếp nhận phản ánh từ phóng viên về vấn đề này, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bức xúc: Đồi Tức Dục là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia được Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang bảo tồn theo Luật Di sản Văn hóa, sao lại nói là “khu hoang phế”. Nếu Tổng Giám đốc Cty CP DL An Giang nói đó là khu “hoang phê” thì phải chứng minh. Ông Thư cũng khẳng định Cty CP DL An Giang tiếp nhận Đồi Tức Dục là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, chứ không phải là khu – điểm du lịch. Nên phải xác định đâu là di tích, đâu là khu – điểm du lịch. Khu di tích lịch sử thì chỉ có hai quan điểm: một là bảo tồn, không được làm gì; hai là khai thác – bảo tồn và phát triển, được phép đưa các hoạt động du lịch nhưng phải theo đúng Luật Di sản Văn hóa cho phép.
UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo, thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra và ngày 31/3/2022 Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang đã có báo cáo kết quả khảo sát Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp (xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cùng hoạt động khai thác dịch vụ du lịch trong Khu dự án điện mặt trời An Hảo.
Một số hạng mục công trình Cty CP DL An Giang tuỳ tiện xây dựng xâm hại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp.
Báo cáo của Đoàn thanh tra đã chỉ rõ nhiều sai phạm mà Cty CP DL An Giang (thành viên của Tập đoàn Sao Mai) trong quá trình đầu tư khai thác du lịch từ năm 2016 đến nay bất chấp các quy định của Luật Di sản Văn hóa. Hàng loạt hạng mục công trình đã được Cty CP DL An Giang triển khai xây dựng trong Khu di tích cấp quốc gia Đồi Tức Dụp, bất chấp sự các quy định của UBND tỉnh và của Bộ VH-TT&DL.
Điều đáng nói là trong quá việc mở rộng quy mô, giải phóng mặt bằng (2,6ha), Cty đã tuỳ ý xây dựng, cải tạo nhiều hạng mục công trình làm thay đổi hiện trạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp, thậm chí xâm hại hiện trạng tới Vùng 1 (vùng bảo tồn nghiêm ngặt) của di tích. Cụ thể, doanh nghiệp này đã xây dựng mới Nhà tưởng niệm (có phù điêu); xây mới hàng rào, vỉa hè và cổng chính; xây mới cổng chào kiên cố tự gắn logo “Tập đoàn Sao Mai” với “Khu di tích lịch sử Tức Dụp” không có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ VH-TT&DL và ý kiến của cơ quan chuyên môn theo Luật Di sản.
Bên cạnh đó, Cty CP DL An Giang cũng đã tuỳ tiện cải tạo nhiều hạng mục chính trong hệ thống hang của Di tích lịch sử Đồi Tức Dụp, nhằm mục đích khai thác du lịch, bất chấp sự cho phép của ch1nh quyền, cơ quan chức năng địa phương. Cụ thể như: thay cầu thang, lan can liên thông vào các hang tại nhiều vị trí (“Hội trường C6”, “Cơ quan Phụ nữ”, “Cơ quan Tỉnh ủy”,…); lót vạc nhiều điểm dừng chân trong các hang này bằng chất liệu sắt hộp mạ kẽm màu trắng, thay cho chất liệu gỗ trước đây; lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng ở lối đi vào trong hang; các tay vịn cầu thang, lan can bằng sắt sơn nhiều màu sắc xanh, đỏ, vàng,... chất liệu và màu sắc là không phù hợp với di tích. Đáng lưu ý, ở hang “Hội trường C6” doanh nghiệp này còn tuỳ tiện cải tạo mô hình cảnh cán bộ, chiến sĩ hội họp (tượng composite); cải tạo bàn thờ ảnh Bác Hồ, cờ Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam. Các tượng cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục bộ đội, đầu đội mũ tai bèo in tên “Khu du lịch Đồi Tức Dụp”,...
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tuỳ tiện xây dựng mới và cải tạo nhiều hạng mục phụ trợ nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp bất chấp sự cho phép của cơ quan chức năng như: Xây dựng mới 2 căn nhà gỗ bán đồ lưu niệm, xây văn phòng làm việc, phòng bán vé, các tiểu cảnh, trồng cây xanh, khu thú nuôi, trò chơi phục vụ du khách…
Phá hoại Di sản Văn hóa
Theo đánh giá của đoàn khảo sát liên ngành, các hạng mục tại các hang trong lòng Đồi Tức Dụp (nằm trong di tích) cải tạo hệ thống lối đi từ chân Đồi lên các hang chính và dẫn đến các hạng mục hang trong di tích đều chưa được thực hiện đúng quy trình, xin phép xây dựng, xin ý kiến thỏa thuận nội dung tu bổ, sửa chữa với cơ quan có thẩm quyền theo Luật Di sản Văn hóa. Khi thực hiện các hạng mục này đã có những sai lầm về mặt chuyên môn trong lĩnh vực tu bổ, xây dựng công trình liên quan đến di tích lịch sử được xếp hạng. Các sai lầm đó đã ảnh hưởng một phần đến ý nghĩa lịch sử của di tích.
Trong Văn bản báo cáo Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định, yêu cầu buộc Cty CP DL An Giang cam kết thời hạn khắc phục các sai phạm theo đề xuất của các ngành chuyên môn. Thực hiện thủ tục xin phép cải tạo, tu bổ di tích theo đúng quy trình, đúng quy định hiện hành.
Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp đã bị biến thành Khu du lịch bởi hàng loạt hoạt động tuỳ tiện, ngang nhiên, bất chấp quy trình thủ tục theo quy định pháp luật của Cty CP DL An Giang. TS Ngô Quang Láng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang, khẳng định: Cái sai đầu tiên tại Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp là biến di tích thành khu du lịch. Vì đây là khu di tích lịch sử cấp quốc gia nên chỉ được khai thác giá trị của di tích phục vụ cho phát triển du lịch, chứ không phải biến khu di tích thành khu du lịch. Theo Luật Di sản, di tích được phân ra làm 3 vùng: Vùng 1 tuyệt đối không được thay đổi. Việc cắt xẻ đá, đổ xi măng, tạo lối đi thông thoáng, đặt hình nhân lính gác, bắc cầu sắt,… là hoàn toàn không cho phép. Vùng 2, vùng 3 được phép xây dựng các hạng mục phục vụ cho Vùng 1 nhưng phải được sự cho phép của Bộ VH-TT&DL.
“Hiện nay Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp bị phá hàng loạt, đặc biệt là Vùng 1. Hành vi đó đã làm biến dạng giá trị tự nhiên của di tích lịch sử, phá huỷ giá trị ý nghĩa lịch sử. Hành vi đó còn là hành vi phá hoại Di sản”, TS Ngô Quang Láng, nói.
Cần có biện pháp để tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của doanh nghiệp
Những hành vi ngang nhiên vi phạm các quy định pháp luật của Cty CP DL An Giang báo chí phản ánh đã được UBND tỉnh An Giang tiếp nhận, chỉ đạo tổ chức Đoàn thanh tra, kiểm tra và đang trong quá trình xử lý. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thì: “Sau khi thanh tra, kiểm tra, báo chí cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức, nhận thức của doanh nghiệp trong bảo tồn di tích và phải có tư duy khai thác du lịch Di tích lịch lịch sử”.
Những hành vi sai phạm của Cty CP Du lịch An Giang (thành viên của Tập đoàn Sao Mai) đã rõ. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý kiên quyết. Đồng thời, các phóng viên bị xúc phạm trong quá trình tác nghiệp, các cơ quan báo chí liên quan cũng cần có động thái kiên quyết, phối hợp cơ quan chức năng để xử lý nghiêm hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục phóng viên, miệt thị nghề báo nhằm ngăn cản, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của phóng viên của ông Trần Minh Trí – Tổng Giám đốc Cty CP DL An Giang và bà Trần Thị Huyền Điểu – Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Sao Mai, theo đúng quy định tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 và Điều 155 (Bộ luật Hình sự).
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi ngang nhiên bất chấp quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác dịch vụ du lịch của doanh nghiệp này và hành vi ngang ngược xem thường pháp luật của một số cá nhân cán bộ đại diện doanh nghiệp này. Đây là đòi hỏi chính đáng và yêu cầu bức thiết nhằm bảo đảm chức năng và phát huy vai trò tuyên truyền, đấu tranh của báo chí, tránh tiền lệ xấu trong mối quan hệ công tác, để báo chí tiếp tục tích cực góp phần cùng chính quyền và cơ quan chức năng trong quản lý trật tự xã hội tại địa phương.
Sức khỏe & Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến sự vụ này đến bạn đọc.
VĨNH SƠN - LONG VIỆT
Đồi Tức Dụp là một ngọn đồi của núi Cô Tô (núi Cô Tô còn có tên gọi là Phụng Hoàng Sơn), nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ ở vùng giáp biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Nơi đây được các chiến sĩ cách mạng sử dụng để hội họp, làm việc, chiến đấu… Điển hình là trận chiến khốc liệt, kéo dài 128 ngày đêm vào năm 1968 - 1969. Trận chiến ấy, quân và dân ta đã tiêu diệt gần 2.700 tên giặc, phá hủy 11 xe thiết giáp, 9 khẩu pháo loại 105 li, bắn rơi 2 máy bay ném bom và 3 trực thăng… đập tan âm mưu càn quét, đánh chiếm của địch. Đây là một căn cứ nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã sống, chiến đấu trong suốt quá trình kháng chiến đến ngày thống nhất đất nước. Với ý nghĩa thiêng liêng đó, ngày 01/4/1985 Bộ VH-TT&DL đã chính thức công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. |