Cấp cứu, điều trị người bệnh trong bão
Tính đến sáng ngày 8/9, toàn ngành Y tế đã thực hiện khám, chữa bệnh cho tổng số 10.745 bệnh nhân đang được điều trị nội trú; tiếp đón và khám chữa bệnh nội trú 841 bệnh nhân trong những ngày bão; khám cấp cứu, tai nạn 929 trường hợp.
Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện E cho biết, trong ngày cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, Bệnh viện E đã tiếp nhận tổng cộng 36 ca cấp cứu, trong đó, có 16 ca cấp cứu ngoại khoa thì có 10 ca cấp cứu do người bệnh gặp tai nạn liên quan đến bão số 3.
TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cũng cho biết, hệ thống Cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E có phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu từ các nơi chuyển đến. Tổ cấp cứu ngoại viện luôn túc trực sẵn sàng lên đường chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong 2 ngày 6 và 7/9, Bệnh viện đã khám và điều trị ngoại trú cho 4.611 lượt người bệnh; tiếp nhận 269 bệnh nhân mới, bao gồm cả nội khoa và ngoại khoa. Trong đó đêm 6/9, Bệnh viện tiếp nhận 4 ca tai nạn do cây đổ.
Ngày 7/9, Trung tâm Cấp cứu A9 mổ cấp cứu 6 ca, không có ca nào liên quan đến tai nạn do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Các trường hợp cấp cứu trong 24h qua đều được Bệnh viện tiếp nhận và xử lý như bình thường, cơ sở vật chất đảm bảo, vật tư trang thiết bị, thuốc men đầy đủ, không bị mất điện.
Cấp cứu, điều trị người bệnh trong bão |
Đến sáng 8/9, mọi công tác chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai đã hoạt động trở lại bình thường.
Cùng ngày, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, báo cáo nhanh, thống kê ban đầu một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau do hậu quả của bão số 3.
Cụ thể, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tính đến tối 7/9, đã tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng được điều trị tích cực. Các bệnh nhân đa phần đều chấn thương do mảnh kính...
Thông tin sơ bộ từ Sở Y tế Hải Phòng qua đường dây nóng, một số cơ sở y tế có thiệt hại như bay mái, bay biển hiệu, biển chỉ dẫn... một số trạm y tế bị đổ tường bao. Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh vẫn bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị. Các thiết bị được di chuyển đề phòng ngập lụt sao bão.
Sở Y tế tỉnh Thái Bình cũng cho biết, có một số tổn thất nhỏ như bay mái tôn, biển hiệu, đổ cây… ở một số cơ sở y tế. Tuy nhiên, các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị.
Để tiếp tục nhanh chóng khắc phục và hạn chế thấp nhất thiệt hại, cũng như sớm triển khai các hoạt động bình thường của các bệnh viện, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Sở y tế các địa phương chịu ảnh hưởng do bão, các bệnh viện trực thuộc Bộ đặc biệt lưu ý trường hợp bệnh nhân cấp cứu chấn thương nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, cần tổ chức hội chẩn chuyên môn hoặc chuyển bệnh viện khác kịp thời.
Các bệnh viện tiếp tục chủ động, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác cấp cứu, khám chữa bệnh; nếu có khó khăn đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền và Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ có hỗ trợ, chi viện kịp thời.