Câu chuyện tình cảm động của cặp vợ chồng già nên duyên từ bãi rác
Chẳng phải ngẫu nhiên người ta gọi cuộc hôn nhân của ông bà là câu chuyện tình thế kỉ. Ông Thành quê ở Nghệ An còn bà Thủy quê ở Thái Bình, cả hai đều mô côi bố mẹ, mưu sinh từ bé, nơi đầu tiên họ gặp nhau là ở bãi rác Hà Nội.
Ông xăm lên cánh tay ngày 26/09/1969, đó là ngày đầu tiên ông bà gặp nhau. Hôn nhân không cưới xin, không trầu câu, chỉ có lời ngỏ của ông: “Bà về ở với tôi cho vui, đỡ phải tranh giành rác của nhau”. Ông bà sống với nhau đến nay là 49 năm, cuộc sống phiêu bạt khắp các hang cùng ngõ hẽm ở thủ đô, cho đến năm 2012, cặp vợ chồng già đã có một bến đỗ là bãi giữa sông Hồng.
Chẳng thể dựng lều giữa vùng đất cát, ông bà lấy gỗ, kết bè làm thành chiếc lều nổi, bên trên lợp tạm vài tấm tôn, xung quanh kết đủ các thứ ni lông, bao tải để tránh mưa, tránh gió. Ông Thành kể, trước khi được người ta cho 24 chiếc thùng phuy (đầu năm 2015- PV), gắn phía dưới chiếc bè, túp lều của ông rất “mỏng manh”, trôi nổi, chỉ cần một cơn gió nhẹ đã vội rung rinh.
Có lẽ thứ đáng giá nhất trong căn nhà nổi giữa sông Hồng của cặp vợ chồng già là những tấm ảnh cưới mà nhiếp ảnh gia tặng ông bà. Trong không gian gần 3 mét vuông, có một bàn thờ nhỏ trên cao, một chiếc khay uống nước bé xinh và hai chiếc điếu cày song song. Ông một cái, bà một cái, không ai giành ai.
Có lẽ thứ đáng giá nhất trong căn nhà nổi giữa sông Hồng của cặp vợ chồng già là những tấm ảnh cưới mà nhiếp ảnh gia tặng ông bà…
Từ ngày bà yếu, đôi mắt bị mờ, mọi việc đều trên vai ông gánh vác. Bà kể, ban ngày ông đi nhặt rác rồi bán lại cho các đại lý được mấy đồng ông lại mua gạo. Đêm nào ông cũng về muộn vì phải xếp hàng để được phát cơm từ thiện, người ta cho gì thì ăn nấy.
Có chết cũng phải bám lấy nhau
Trên chiếc thuyền thi thoảng lại dập dềnh, nghiêng ngả bởi sóng vỗ, bà Thủy cũng nhớ lại những ngày đông. Thuở ấy, chưa chăn, chưa chiếu, đêm ông bà vẫn phải chui vào bao tải để tránh rét.
Có lần bà ốm, một chiếc bao tải chẳng đủ ấm, ông nhường nốt chiếc bao của mình cho bà rồi ngồi co ro xó cửa, chắn nốt những lỗ thủng nơi tấm ni lông để gió khỏi lùa vào.
Túp lều đơn sơ dựng trên sông là ngôi nhà, là chốn đi về của ông bà.
Nhấp ngụm trà nóng, ông giãi bày: “Giờ lao công mỗi người đều có cái bao bên cạnh để đồ phế liệu, tôi phải đi ban đêm may ra mới nhặt nhạnh được vài thứ, kiếm lấy đôi ba chục nghìn mua gạo.
Còn bà ấy thì phải nghỉ thôi, già yếu, xương khớp hỏng hết cả rồi, ở nhà cơm nước, trông nom được con gà, con qué đã là tốt phúc”.
Nói về cặp “tình già” đừng mong những mẩu chuyện lãng mạn, ngôn tình kiểu như: suốt hơn 4 thập kỷ qua họ chưa từng một lẫn cãi vã, cho đến cuối đời, ông bà già vẫn dành những điều ngọt ngào cho nhau… Họ là những người đã phải lang thang, phiêu dạt suốt cả đời người nên cục mịch và chất phác lắm. Lời họ nói ra lục khục như sỏi đá nhưng lại hết mực chân thành.
Còn một điều nữa, cũng phải đắn đo mãi tôi mới dám hỏi, đó là chuyện con cái của ông bà. Nhiều người nghĩ, cặp vợ chồng “nhặt” được nhau ở bãi rác này không dám sinh con vì sợ thân mình còn lo chưa nổi nhưng không phải.
Ông Thành ngồi thẫn thờ kể cho tôi nghe về cuộc sống mưu sinh, có vất vả nhưng tình thương thì luôn đong đầy.
Suốt bao nhiêu năm tuổi trẻ, ông bà cũng mong muốn có một mụn con nhưng "Khổ thay, con cái chẳng phải cục chì, muốn là nặn được".
Nói đến đây, ông Thành bất giác thở dài: “Số phận bà ấy đúng là thiệt thòi cả đời, đã 'vớ' phải ông chồng rách nát lại chẳng có mụn con.
Giá mà tôi có khấm khá thì bà ấy còn được nương nhờ lúc già yếu. Nhưng bà ấy rất thông cảm, chưa bao giờ than vãn nửa lời, tôi quý cái tâm đức của bà ấy là ở chỗ đó”.
“Nghĩ đi phải nghĩ lại, tôi khổ nhưng đầy người còn khổ hơn tôi. Người ta có nhà, có chồng con nhưng cuối đời vẫn phải sống một mình. Còn chúng tôi đây, sống với nhau đến tuổi này rồi thì có chết cũng phải bám lấy nhau, chẳng lo phải cô quạnh”, bà Thủy đáp lại.
Rời túp lều nổi hơn 5m2 và bãi giữa, nhiều người phải vấn vướng với tiếng rít thuốc lào giòn giã của ông Thành, tiếng cười khà khà rất hào sảng của bà Thủy và câu chuyện tình đặc biệt của cặp vợ chồng “nhặt” được nhau ở bãi rác.
Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, dù không nhà cửa, không con cái nhưng họ vẫn có được một thứ mà nhiều người mơ ước, đó là tấm chân tình và lời hẹn “có chết cũng phải bám lấy nhau”.
PV