Cháy và phá rừng Amazon tăng kỷ lục
Các tổ chức môi trường tại Brazil lên tiếng cảnh báo số vụ hỏa hoạn tại Amazon có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, đặc biệt là vào tháng 8 và tháng 9, đỉnh điểm của mùa khô tại quốc gia Nam Mỹ này. Để ngăn chặn nguy cơ, Chính phủ Brazil ngày 29/6 đã công bố một sắc lệnh cấm sử dụng lửa cho mục đích nông nghiệp trong vòng 120 ngày trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, quân đội cũng được yêu cầu tiếp tục triển khai nhiệm vụ chống phá rừng và cháy rừng ở khu vực rừng rậm lớn nhất hành tinh này. Đây là lần thứ 3 trong 2 năm qua, quân đội Brazil tham gia các hoạt động chống cháy rừng và khai thác gỗ trái phép ở Amazon.
Khói bốc lên từ đám cháy rừng Amazon ở bang Amapa, Brazil.
Áp lực đặt ra đối với Chính phủ Brazil là rất lớn vì nước này chiếm tới 60% diện tích rừng rậm Amazon và phần lớn các vụ cháy rừng xảy ra do người dân đốt rừng lấy đất làm nương và chăn nuôi gia súc. Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) mới đây lên tiếng cảnh báo về mối liên hệ giữa tình trạng cháy rừng và nạn phá rừng Amazon tại Brazil với biến đổi khí hậu. Tổ chức phi chính phủ này nhấn mạnh việc đốt rừng và các thảm thực vật bản địa khác là nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu ở quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này.
Báo cáo mới đây từ Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon (IPAM) và Quỹ Khí hậu Woodwell cho thấy diện tích rừng rộng 5.000 km2 ở Amazon, tương đương với 500.000 sân bóng đá và gấp 4 lần diện tích thành phố Sao Paulo, có nguy cơ bị thiêu rụi trong mùa khô năm nay.
Trước đó, trong tháng 4/2021, diện tích rừng Amazon tại nước này bị tàn phá đã lên tới 580,55 km2, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức kỷ lục theo tháng được ghi nhận.
Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và số vụ cháy rừng tại Brazil đã tăng vọt kể từ khi ông Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019. Các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng vấn nạn phá rừng gia tăng là do chính phủ của ông Bolsonaro phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, cũng như cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường.
Dự án Giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP) mới đây công bố báo cáo cho thấy năm 2020, rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon đã mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh, tăng 17% so với năm trước.
Theo MAAP, hơn 65% số vụ phá rừng của toàn bộ khu vực Amazon trong năm 2020 được ghi nhận ở Brazil. Quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này đã mất tổng cộng 1,5 triệu ha rừng trong năm qua, tăng hơn 13% so với năm trước đó.
Theo Dự án Giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP) trong năm 2020, rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon đã mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh, tăng 17% so với năm trước đó.
MAAP đã tiến hành phân tích các dữ liệu và hình ảnh vệ tinh có độ phân giải 30 mét ghi nhận tại các vùng lãnh thổ của tất cả quốc gia nằm trong châu thổ Amazon gồm Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Guyana và Surinam. Các quốc gia có số lượng rừng nguyên sinh Amazon bị mất nhiều nhất trong năm 2020 theo thứ tự là Brazil, Bolivia, Peru, Colombia, Venezuela và Ecuador.
Trong khi đó, diện tích rừng bị tàn phá tại Bolivia trong năm 2020 lên tới con số kỷ lục 240.000 ha với nguyên nhân chủ yếu do các đám cháy xảy ra ở phía Đông Nam nước này đã tàn phá các khu rừng tại các hệ sinh thái Chiquitano và Chaco.
Còn theo kết quả nghiên cứu do Mạng lưới thông tin môi trường - xã hội tham chiếu địa lý vùng Amazon (RAISG), khoảng 8% diện tích rừng Amazon đã bị tàn phá từ năm 2000-2018, lớn hơn cả diện tích lãnh thổ của Tây Ban Nha.
Được ví như “lá phổi xanh” của Trái Đất và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới nhưng đang bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng thời gian gần đây.
Theo bản đồ đầu tiên của RAISG cập nhật về Amazon, từ năm 2012 đến nay, khoảng 513.000 km2 rừng này đã bị tàn phá. Trước đó vào năm 2003, RAISG cũng ghi nhận diện tích bị tàn phá ở mức cao kỷ lục là 49.240 km2 và giảm xuống 17.674 km2 vào năm 2010.
RAISG cảnh báo rừng Amazon đang bị tàn phá nghiêm trọng so với cách đây 8 năm, đồng thời chỉ ra sự gia tăng nhanh chóng của nạn phá rừng kể từ năm 2012. Theo đó, diện tích rừng bị tàn phá hằng năm tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2015-2018. Trong đó, tính riêng năm 2018 là 31.269 km2, mức tàn phá nghiêm trọng nhất kể từ năm 2003.
Linh Đức