Chi trả dịch vụ môi trường rừng - Bài 1: Thay đổi nhận thức, đời sống của đồng bào dân tộc
Sau gần 10 năm thực hiện, hoạt động cung ứng và chi trả dịch vụ môi trường rừng (Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính Phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011) đã chứng minh được sự phù hợp với xu thế mới ở Việt Nam và xu thế chung của thế giới trong việc bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào việc quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong lâm nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Cùng với đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho hàng triệu người trên địa bàn rừng núi, thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội.
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ được chọn đầu tư trọng điểm, thu hút lượng lớn khách du lịch hàng năm. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN
Từ “bản nghiện”...
Ông Vàng A Chỉnh, năm nay 45 tuổi, Trưởng bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), nhớ lại: Khoảng 20 năm trước đây, hầu hết đàn ông và một số phụ nữ trong bản đều nghiện thuốc phiện hoặc nhẹ nhất là thuốc lào. Khắp cả bản đàn ông thường uống rượu đến say khướt, nằm bẹp, không còn sức lực và ý chí để đi rừng, làm nương, phần lớn các gia đình đều thuộc diện nghèo đói, con cái không được học hành.
Dù không biết chữ, nhưng ông Vàng A Chỉnh có suy nghĩ khác với mọi người trong bản. Ông chăm chỉ làm ruộng, trồng rừng, mày mò tìm hiểu những cái mới để cải thiện đời sống gia đình. Chính nhờ những đức tính đó, chàng thanh niên Vàng A Chỉnh ngày nào đã đi sang những bản làng khác để học hỏi cách làm ăn, tham gia các tổ chức xã hội để được tiếp cận với những kiến thức tiến bộ. Vàng A Chỉnh nhận thấy người dân bản mình lạc hậu quá, nghèo quá, cả ngày chỉ quanh quẩn trong rượu chè, nghiện hút. Ông quyết tâm cứu bản mình.
Từ khoảng những năm 2000, ông Chỉnh cùng một số thanh niên tiến bộ trong bản bắt đầu cuộc vận động người dân cai nghiện; đó là cả một quá trình dài đằng đẵng với hàng trăm buổi họp bản, hàng nghìn cuộc “tâm tình” với từng hộ dân. Những người nghiện dần nhận thức ra rằng mình là gánh nặng của gia đình, của cộng đồng. Họ cũng hiểu rằng không bỏ bàn đèn thuốc phiện thì cái đói không bao giờ bước ra khỏi cửa, nó bám chặt vào vợ, vào con họ. Họ cam kết cai nghiện.
Cùng với sự ủng hộ của những người phụ nữ trong bản và các thanh niên thế hệ mới được học hành khá bài bản trong thôn, 14 năm sau, năm 2014, bản Sin Suối Hồ đã chính thức không còn ai nghiện hút.
Mặc dù vậy, cái nghèo, cái đói vẫn bủa vây, ông Chỉnh loay hoay tìm cách hướng dẫn bà con thoát nghèo nhưng nhiều năm liền vẫn không làm được.
... Đến “bản du lịch”
Chính trong lúc cả bản đang nỗ lực thay đổi cuộc sống nhưng mãi vẫn không tìm thấy “đường ra” ấy, năm 2012, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được tỉnh Lai Châu đưa vào thực hiện. Người Mông ở bản Sin Suối Hồ được trả những đồng tiền đầu tiên nhờ việc phối hợp, bảo vệ rừng với các lực lượng chức năng. Ông Vàng A Chỉnh kể: Dân bản cũng hiểu rằng có rừng thì mới giữ được nguồn nước, có nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu nên đều ký cam kết tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm, mỗi gia đình trong bản nhận được trung bình 10 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này đối với người dân trong bản là khá lớn, đủ để có vốn làm du lịch cộng đồng hoặc chăn nuôi, sản xuất, cải thiện kinh tế.
Để người dân không “cầm tiền chưa ấm tay đã quy ra rượu”, anh Chỉnh cùng những người có uy tín trong bản đã phải tổ chức nhiều cuộc họp, vận động bà con trong bản cất giữ tiền để sau đó góp lại, cùng nhau sửa lại đường đi, dựng cổng chào, chỉnh trang khuôn viên mỗi nhà cho thật sạch, lên rừng tìm hoa lan về trồng quanh nhà làm đẹp… Qua từng năm, mỗi nhà sửa sang một chút, dần dần bản Sin Suối Hồ “thay da đổi thịt” nhưng vẫn giữ nguyên vẹn những nếp nhà truyền thống của người Mông. Người dân trong bản thực hiện “5 không”: không hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không đàn đúm rượu chè, không cờ bạc, không xả rác bừa bãi.
Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, bản Sin Suối Hồ có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành; cùng với những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường với lối kiến trúc mang nét đặc trưng của người Mông, lối sống lành mạnh, sạch đẹp của người dân trong bản… khách du lịch gần xa đã dần dần biết đến và lựa chọn nơi đây như là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế nhờ du lịch, ông Chỉnh đã vận động người dân trong bản sử dụng tiền có được từ dịch vụ chi trả môi trường rừng để “lấy ngắn nuôi dài”, nhà có điều kiện thì đầu tư làm dịch vụ homestay đón khách du lịch về ăn, nghỉ; nhà không có điều kiện thì nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau để cung cấp thực phẩm tươi ngon tại chỗ; dùng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để mua vải vóc, làm thổ cẩm… Một đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” được lập ra, chuyên biểu diễn các tiết mục văn hoá đặc sắc của người Mông vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Du khách có thêm nguồn động lực để gắn bó với Sin Suối Hồ. Cứ thế tiếng lành đồn xa…
Bản Sin Suối Hồ có 123 hộ dân, 658 nhân khẩu, 100% là người Mông. Từ chỗ là một bản nghèo với nhiều đàn ông, thanh niên trai tráng sa vào nghiện ngập, sau 15 năm bản đã nổi tiếng là "xanh, sạch, đẹp" bậc nhất ở tỉnh Lai Châu và vùng Tây Bắc, là điểm đến du lịch cộng đồng yêu thích của du khách trong và ngoài nước với gần 100 nghìn lượt khách trung bình mỗi năm.
Lai Châu có 20 dân tộc anh em, đa dạng màu sắc văn hóa và truyền thống dân tộc phù hợp cho du lịch cộng đồng. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN
Ông Vàng A Chỉnh cho biết, thời điểm khách du lịch đến bản đông nhất là từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhờ mở cửa đón du khách và phát triển giống địa lan địa phương, mỗi hộ dân ở đây đều có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/năm. Có hộ vừa làm homestay vừa trồng địa lan, thu về 200 - 300 triệu đồng/năm. Bản thân gia đình ông Chỉnh cũng có mức thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Cuối năm 2019, ông Chỉnh cùng một số hộ khác đã khai trương một khu “resort” ở triền núi với những dãy nhà nghỉ dạng bungalow (nhà lá) bài bản, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Chỉnh trở thành niềm tự hào của các bản làng vùng cao người Mông tại Lai Châu, tiếng nói của ông rất có trọng lượng đối với bà con, là tấm gương dám nói dám làm và nói được, làm được.
Còn bản thân ông Vàng A Chỉnh thì khiêm tốn không thừa nhận vai trò tiên phong của mình. Ông nói: Mình làm được ít thôi mà. Cái công đầu làm cho bản mình tốt hơn, giàu hơn ấy là nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ.
Bài cuối: Sức mạnh từ sự đoàn kết tham gia giữ rừng