Chủ động ứng phó với nguy cơ giông lốc, lũ quét, sạt lở tại một số địa phương
Chủ động ứng phó với nguy cơ giông lốc lũ quét sạt lở tại một số địa phương |
Tại Hà Giang và Cao Bằng có mưa, mưa vừa đến mưa to với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm; nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện Bắc Mê, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh (Hà Giang); Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An (Cao Bằng). Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.
Tại các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2m. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng lớn.
Thiên tai, sạt lở gây nhiều thiệt hại tại Vĩnh Long
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, mưa dông trong các ngày qua đã làm thiệt hại 1.538,8 ha lúa Hè Thu trên địa bàn.
Cụ thể, diện tích bị ảnh hưởng từ 5-10% là gần 777,8 ha, 10-20% là 517 ha, 20-40% là 210 ha và 60% là 34 ha. Các diện tích bị thiệt hại chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Long Hồ với 1.504,8 ha, còn lại ở huyện Mang Thít. Ước thiệt hại khoảng 8,4 tỷ đồng.
Ngay sau khi mưa dông xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện phối hợp Ủy ban Nhân dân các xã bị ảnh hưởng khẩn trương hỗ trợ người dân thu hoạch lúa đến kỳ thu hoạch bị đổ ngã, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng thời, các địa phương khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại của những hộ dân bị ảnh hưởng để hỗ trợ theo quy định.
Ngoài ra, bờ sông Măng Thít khu vực gần cầu Gò Ân, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm sau 2 đợt (ngày 7/6 và ngày 23/6) đã làm sạt lở khoảng 75 m chiều dài, sâu vào đất liền khoảng 6-8 m. Sạt lở làm ảnh hưởng đến 6 hộ dân, ước tính thiệt hại khoảng 2,3 tỷ đồng.
Theo dự báo, khu vực sạt lở trên nằm ngay đoạn sông cong, lòng sông sâu, dưới tác động của sóng do dòng chảy làm mái bờ bị xói lở nghiêm trọng. Do đó, thời gian tới, khi gặp điều kiện bất lợi như mực nước sông xuống thấp, mưa lớn kéo dài sẽ làm khu vực nêu trên có thể tiếp tục xảy ra sạt lở.
Trước đó, ngày 17/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Măng Thít đoạn thuộc ấp Gò Ân, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm.
Khu vực sạt lở bờ sông Măng Thít (đoạn từ vàm rạch Gò Ân đến giáp Doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng Phước Hùng) có chiều dài 265 m, thuộc ấp Gò Ân, xã Tân An Luông. Vị trí sạt lở dài ở mức độ nguy hiểm.
Nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương triển khai biện pháp khẩn cấp để ứng phó, khắc phục.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long yêu cầu theo dõi chặt chẽ, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do sạt lở gây ra theo quy định; thông báo cho người dân trong khu vực biết tình hình sạt lở và thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở tại khu vực này để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Chính quyền địa phương vận động người dân không ở lại trong các ngôi nhà thuộc phạm vi sạt lở vì sẽ rất nguy hiểm (đặc biệt là vào ban đêm); cử lực lượng làm rào chắn không cho người dân vào khu vực sạt lở; cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm; thống kê, đánh giá thiệt hại và lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền hỗ trợ theo quy định.
Kiên Giang: Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Từ ngày 22 đến chiều 24/6, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió mạnh gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân.
Theo đó, trên địa bàn các huyện Tân Hiệp, An Biên, An Minh, thành phố Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm sập, hư hỏng 2 căn nhà, tốc mái 2 nhà dân, đánh chìm 1 ghe và 1 tàu cá đang neo đậu tại bờ; ước tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 445 triệu đồng.
Ông Đoàn Chí Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho hay, sau khi xảy ra thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức thăm hỏi, huy động các lực lượng tại chỗ giúp hộ dân bị thiệt hại dọn dẹp nhà hư hỏng, đổ sập, bố trí nơi ở tạm, tạm ứng ngân sách địa phương hỗ trợ ngay cho các hộ dân.
Đồng thời, đơn vị tổ chức xác minh, tiến hành các thủ tục trình Ủy ban Nhân dân tỉnh chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh để khắc phục hậu quả.Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, từ tháng 7 đến cuối năm nay, nhất là giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, trên Biển Đông, áp thấp nhiệt đới và bão cường độ mạnh sẽ xuất hiện, diễn biến phức tạp, khó lường; sẽ có các đợt mưa lớn, dông lốc trên diện rộng do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam mạnh khi áp thấp nhiệt đới và bão hoạt động trên Biển Đông. Điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến địa phương, gây thiệt hại tài sản người dân.
Để ứng phó với thiên tai, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động phòng, chống nhằm giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra. Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông và phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024 theo phương châm “4 tại chỗ,” đảm bảo tốt công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai của tỉnh.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho hay, đơn vị quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá trên địa bàn, phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi cấp bách trên địa bàn trọng điểm; kiểm tra, đánh giá bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai, kịp thời khắc phục hạn chế, sửa chữa hư hỏng để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh về công tác cứu hộ, cứu nạn trên đất liền và phòng thủ dân sự.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển và biên giới; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án, lực lượng, phương tiện cùng với các lực lượng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.
Các huyện, thành phố rà soát chi tiết kế hoạch ứng phó thiên tai, nhất là phương án sơ tán, di dời dân sát với tình hình thực tế địa phương khi có yêu cầu, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp huyện, xã hoạt động “4 tại chỗ.”
Các huyện, thành phố phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; rà soát và chọn địa điểm có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai để tổ chức triển khai diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão đã xây dựng./.