Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong lĩnh vực y tế: Góc nhìn từ việc Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn xử lý chất thải nguy hại không đảm bảo yêu cầu
Áp lực xử lý chất thải y tế nguy hại
Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường sống có xu hướng gia tăng trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng cải thiện, nhu cầu khám và điều trị bệnh ngày càng cao hơn. Điều này dẫn đến các chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế bao gồm chất thải từ khám, chữa bệnh, sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ngày càng gia tăng.
Việt Nam có khoảng 1.531 bệnh viện, trong đó hơn 86% là bệnh viện công và gần 14% là bệnh viên tư, chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. 1.318 bệnh viện công được quản lý theo hệ thống phân cấp, được phân loại theo tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện hoặc tuyến xã. Theo Cục Quản lý môi trường y tế, năm 2018, Việt Nam có trên 13.547 cơ sở y tế y tế bao gồm các bệnh viện từ tuyến trung ương (TW) đến tuyến tỉnh, huyện và các bệnh viện tư nhân, các cơ sở y tế dự phòng. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, các bệnh viện và cơ sở y tế này làm phát sinh khoảng 600 tấn CTRYT/ngày, mức độ gia tăng khoảng 7,6%/năm và năm 2020 là khoảng 800 tấn/ngày. Theo Bộ Y tế, chất thải rắn y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại; trong đó chất thải y tế thông thường chiếm khoảng 80-90%, 10-20% là chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.
Tuy nhiên, do sự phát triển KT-XH, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn nói chung và đặc biệt chất thải nguy hại. Trong đó, quản lý, xử lý chất thải nguy hại tại các cơ sở y tế là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua bởi việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.
Với mục đích đưa ra những đánh giá tổng thể và toàn diện về bối cảnh phát triển KT-XH trong nước và quốc tế, thực trạng công tác quản lý chất thải nguy hại và những tồn tại, khó khăn và thách thức ở Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể theo hướng thống nhất, nhằm mục tiêu quản lý chất thải nguy hại tốt hơn, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã tổ chức thực hiện Chuyên đề: Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong lĩnh vực y tế - Thực trạng và giải pháp. Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đặt mục tiêu hệ thống các bài viết thuộc Chuyên đề không chỉ là tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ công tác nghiên cứu và phổ biến thông tin cho cộng đồng, mà còn là một trong những công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách quản lý chất thải nguy hại.
Trong quá trình thực hiện Chuyên đề nêu trên, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã nhận được nhiều thông tin về vấn đề xử lý chất thải nguy hại tại các cơ sở y tế. Một trong số đó là tại Bệnh viện Đa khoa ACA có địa chỉ tại phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tại bệnh viện này, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt được tập kết bừa bãi, lẫn lộn. Đốt rác thải nguy hại ngay bên trong khuôn viên bệnh viện là những gì đang diễn ra thường xuyên ở Bệnh viện Đa khoa ACA gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân và bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đây vô cùng bức xúc.
Người dân bức xúc – Lãnh đạo “vòng vo”
Cụ thể, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường nhận được phản ánh của người dân về việc Bệnh viện Đa khoa ACA chưa tuân thủ đúng những quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh cũng như người dân.
Theo đó, bệnh viện này tồn tại nhiều yếu kém trong công tác xử lý rác, chất thải nguy hại không đảm bảo như: có hành vi vứt rác thải các loại tràn lan, lẫn lộn với nhau trong khuôn viên bệnh viện, đốt rác thải nguy hại, cụ thể là bơm kim tiêm, các lọ thủy tinh trực tiếp ở ngoài trời mà không được xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bệnh viện Đa khoa ACA có địa chỉ tại phường Phú Sơn (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Trao đổi với bệnh nhân tại viện cho biết: “Gần đây tôi có đến khám bệnh, sau đó có nội trú một thời gian tại Bệnh viện Đa khoa ACA thì thấy công tác bảo vệ môi trường không được đảm bảo. Nhiều loại rác thải sinh hoạt, rác thải y tế có khả năng lây bệnh để nơi không đúng quy định. Đặc biệt, thi thoảng bệnh viện đốt rác thải không biết là những loại gì chỉ thấy làn khói bốc lên đen ngòm cùng với mùi khét lẹt, rất khó chịu, khó thở. Không những thế quanh khu vực nhà vệ sinh thì bẩn thỉu không được cọ rửa thường xuyên, bốc mùi hôi, tanh”.
Rác thải y tế nguy hại được Bệnh viện ACA bỏ bừa bãi trong khuôn viên chính bệnh viện này.
Người dân sinh sống gần Bệnh viện Đa khoa ACA cũng cho biết: “Tình trạng bệnh viện này để rác thải bừa bãi, tràn lan, gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra từ lâu, người dân chúng tôi có phản ánh nhưng vẫn đâu vào đấy…”.
Nhằm tìm hiểu thông tin, đồng thời làm minh chứng cho Chuyên đề, phóng viên của Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã có nhiều ngày ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn và nhận thấy những phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác.
Qua quan sát thực tế, phóng viên nhận thấy, mặc dù có khu để rác, nhà để rác ngay cạnh đấy nhưng rác thải vẫn bị để bừa bãi, tràn lan, lộ thiên. Rác thải lẫn lộn đủ các loại từ bơm kim tiêm, lọ thủy tinh, băng gạc, cho đến rác thải sinh hoạt, lá cây…bủa vây xung quanh, không có sự phân loại rác thải theo đúng quy định.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn là có hiện tượng đốt ống bơm kim tiêm, lọ thủy tinh tạo thành mảng đốm đen khịt nghịt lớn. Những ống bơm kim tiêm đốt chưa cháy hết, những lọ thủy tinh không cháy còn sót lại nằm chỏng chơ trên mặt đất…
Đốt rác thải y tế nguy hại ngay bên trong khuôn viên bệnh viện.
Trên bề mặt đất đen nghịt ấy lại tiếp tục xuất hiện lại hàng chục túi bơm kim tiêm, bông gạc các loại lẫn lộn không được thu gom cẩn thận, chỉ được đùm vào túi nilong sơ sài bị vứt chỏng chơ, nằm chờ để đốt ở lượt tiếp theo vô cùng ô nhiễm môi trường và nguy hiểm, có nguy cơ gây lây nhiễm dịch bệnh.
Rác thải được vứt trong khuôn viên bệnh viện.
Cận cảnh rác thải y tế, trong đó có rác thải nguy hại thu gom, xử lý không đảm bảo vệ sinh môi trường tại Bệnh viện ACA.
Trước những phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế của phóng viên, chúng tôi đã có buổi làm việc Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn. Tại buổi làm việc ông Dương, thuộc phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết, hiện tại bệnh viện có ký hợp đồng xử lý rác thải y tế với Công ty cổ phần Đầu tư và Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường ETC của tỉnh Nam Định.
“Tùy vào lượng rác thải có thể 1 tuần, 2 tuần hoặc có thời điểm 3 tuần họ mới vào. Ví dụ thời điểm dịch bệnh hồi tháng 2 thì 3 tuần họ mới và. Lượng rác thải ít, họ vào họ cũng ngại”, vị này cho hay.
Sổ giao nhận rác thải để trống khối lượng các loại rác.
Đặc biệt tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Cần- Giám đốc bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn thừa nhận có xảy ra tình trạng tập kết rác thải không đúng nơi quy định, bỏ lẫn lộn các loại rác thải. “Không thể nào làm đúng hết được, bệnh viện có phân loại rác thải, nhưng các cháu lười, bỏ lung tung, vứt vương vãi, bệnh viện sẽ chấn chỉnh lại” vị này thông tin.
Liên quan đến việc đốt rác thải nguy hại, thì ông Cần phân trần rằng “đốt do có nhiều lá cây, nhiều rác thải sinh hoạt, bìa cát tông, giấy tờ các loại, bọn anh đốt mọi người cứ nhầm tưởng”.
Nhưng khi phóng viên cung cấp hình ảnh, video đống tro tàn đốt rác có lọ thủy tinh thì ông này vòng vo, đỗ lỗi cho nhân viên là “các cháu đang còn luộm thuộm”.
Khi yêu cầu được tiếp cận sổ giao nhận rác thải, quan sát phóng viên nhận thấy nội dung bên trong vô cùng sơ sài và chung chung, không ghi chú cụ thể các loại rác cũng như số lượng rác thải.
Không phải chuyện nhỏ
Điều 13 của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT đã quy định rất rõ về việc xử lý chất thải y tế nguy hạị. Theo đó, chất thải y tế nguy hại phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Do đó, việc Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn còn tồn tại hoạt động xử lý chất thải nguy hại không đảm bảo các quy định về xử lý chất thải y tế nguy hại là chuyện không hề nhỏ.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn là bệnh viện tư nhân, đi vào hoạt động từ cuối năm 2014, tổng số cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện hiện nay khoảng gần 200 người.
Đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện Đa khoa ACA bị phản ánh vi phạm quy định quản lý chất thải y tế. Trước đó vào năm 2018 bệnh viện này cũng bị người dân và báo chí lên tiếng về chuyện này, nhưng không hiểu sao sau một thời gian dài bệnh viện vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để tồn tại này, để gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân kéo dài.
Trước thực trạng trên, để môi trường khám chữa bệnh được bảo đảm, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm từ rác thải y tế, rác thải nguy hại, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của người dân, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế và các ngành chức năng sớm vào cuộc thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm về môi trường tại Bệnh viện Đa khoa ACA.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
QUỐC TRƯỜNG
Mức phạt hành chính hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại và thực hiện Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được quy định tại Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng các quy định theo nội dung hợp đồng xử lý chất thải nguy hại;
b) Không lắp đặt các bảng hướng dẫn dạng sơ đồ về quy trình vận hành an toàn các hệ thống, phương tiện, thiết bị xử lý chất thải nguy hại theo quy định;
c) Không lưu giữ chất thải nguy hại trước và sau khi xử lý trong thiết bị chuyên dụng phù hợp với loại hình chất thải nguy hại; thiết bị chuyên dụng phục vụ lưu giữ chất thải nguy hại, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại hoặc thiết bị xử lý chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; không thu gom triệt để chất thải nguy hại và để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm hoặc làm phát tán ra môi trường xung quanh;
d) Không lập Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại trong môi trường thí nghiệm gửi cơ quan có thẩm quyền; không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền đối với Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại trong môi trường thí nghiệm theo quy định;
e) Không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm của cơ quan cấp phép.