Công ty cổ phần CND BROS Việt Nam bị “tố” khai thác vận chuyển đất trái phép gây ô nhiễm môi tường
Sức khỏe và Môi trường điện tử nhận được phản ánh của người dân sinh sống trên địa bàn xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép gây ô nhiễm môi trường. Sự việc diễn ra đã nhiều ngày nhưng không hề có sự ngăn chặn, xử lý của các cơ quan chức năng.
Một người dân sinh sống trên địa bàn xóm Sòng, xã Liên Sơn cho biết: “Hoạt động khai thác đất tại mỏ đá vôi Đồng Ấm diễn ra công khai trong suốt thời gian dài, các xe tải lớn, nhỏ chở đất chạy suốt ngày. Từ ngã 3 Quán Trắng, đường Hồ Chí Minh vào đây có vài km mà bụi bẩn kinh khủng. Khi trời mưa, mặt đường bê tông lại được “tráng” thêm một lớp đất nhầy nhụa, khi trời nắng thì bụi bay mù mịt. Chúng tôi cảm thấy ngao ngán và sợ hãi khi phải tham gia giao thông cùng với những chiếc xe tải trọng lớn này”.
Toàn cảnh mỏ đá vôi Đồng Ấm xóm Sòng xã Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực người dân phản ánh là mỏ đá vôi Đồng Ấm được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép cho Công ty TNHH Xuân Mai khai thác làm vật liệu xây dựng (nay chuyển nhượng cho Công ty CP CND BROS Việt Nam). Có mặt tại đây, chúng tôi không khỏi giật mình khi hoạt động khai thác đất trái phép diễn ra rầm rộ, nằm sát đường. Quan sát bên trong mỏ đá, PV ghi nhận có 1 dây chuyền nghiền đá đang hoạt động hết công suất, đi vào sâu bên trong có 2 máy xúc công suất lớn đang múc đất lên xe. Bên cạnh có gần chục chiếc xe trọng tải lớn, nhỏ đang chờ đến lượt vào lấy đất: 29C-779.82, 29H-102.01, 29C- 505.79, 29H-196.63, 29C-023.18... Sau khi đất được chất đầy, các xe che chắn tạm bợ rồi chạy qua khu đông dân cư, đi qua ngã 3 Quán Trắng, rồi rẽ sang quốc lộ 6 chạy thẳng lên CCN Đông Phú Yên. Trong quá trình vận chuyển các xe đều cơi nới thành thùng và chở quá trọng tải cho phép, dẫn đến đất rơi vương vãi khắp ra đường, mỗi lần xe chạy kéo theo một làn bụi bay vào người tham giao thông .
Để làm rõ những thông tin mà người dân phản ánh, PV có buổi làm việc với lãnh đạo xã Liên Sơn và ông Bùi Văn Trung cán bộ địa chính xã, ông Trung cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã chưa có mỏ đất nào được cấp phép khai thác, việc Công ty cổ phần CND BROS Việt Nam được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng, mà lại khai thác đất mang đi tiêu thụ là hoàn toàn sai với quy định. Tuy nhiên nếu trong quá trình khai thác đá, có lẫn đất trên bề mặt thì doanh nghiệp chỉ được phép san lấp tại chỗ, không được vận chuyển ra ngoài”.
Mỗi lần xe tải chạy qua, bụi bay mù mịt ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi tham gia giao thông
Nguyên nhân dẫn đến việc khai thác và vận chuyển đất trái phép tại mỏ đá vôi Đồng Ấm là do nhu cầu san lấp tăng cao, mua ở mỏ đất được cấp phép thì giá đất đội lên rất cao nên doanh nghiệp thường tìm đến nhưng nơi khai thác “đất lậu”. Vì một khối đất có hóa đơn doanh nghiệp thu về dưới 20.000 đồng, nhưng đất lậu, không có hóa đơn doanh nghiệp thu khoảng 50.000 đồng. Như vậy, nếu sử dụng hàng vạn khối đất không rõ nguồn gốc để thi công dự án, thì doanh nghiệp sẽ thu lợi bất chính với một số tiền khổng lồ mà không phải nộp thuế cho nhà nước. Chính vì điều này, một số đơn vị, cá nhân đã bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình khai thác vận chuyển đất trái phép.
Bên cạnh đó chính quyền sở tại đang buông lỏng về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nên dẫn đến tình trạng “đất tặc” công khai lộng hành trong suốt thời gian dài. Điều này đã gây thất thu cho nguồn ngân sách nhà nước và hủy hoại môi trường.
Được biết tại mỏ đá vôi Đồng Ấm, hiện nay có một trạm trộn bê tông chưa các cấp chính quyền cấp phép, tuy nhiên trạm trộn đang hoạt động rầm rộ và cung cấp bê tông ra ngoài thị trường. Về vấn đề này ông Bùi Viết Thường - Phó Chủ tịch xã Liên Sơn cho biết: “Trạm trộn bê tông Sông Đà 7 của Công ty cổ phần CND BROS Việt Nam đầu tư, đã lắp đặt và đi vào sản xuất một thời gian nhưng chưa báo cáo lên xã”.
Các xe xếp hàng lần lượt vào lấy đất tại mỏ đá vôi Đồng Ấm, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình
Toàn bộ các xe đều trong tình trạng chở quá trọng tải dẫn đến đường giao thông nông thôn bị hư hại và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông
Như vậy việc vận chuyển đất đi tiêu thụ của Công ty cổ phần CND BROS Việt Nam khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, tài nguyên khoáng sản quốc gia bị đánh cắp, ô nhiễm không khí, làm biến dạng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hệ thống các công trình thủy lợi, cấp thoát nước, gây ra tình trạng sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người nông dân. Mặt khác vận chuyển đất trên xe quá khổ quá tải làm hư hỏng đường xá, cầu cống, vi phạm luật an toàn giao thông tiềm ẩn các vụ tai nạn thương tâm, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương.
Trước thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lương Sơn và các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình nhanh chóng vào cuộc làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan.
Ông Bùi Viết Thường, Phó chủ tịch UBND xã Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình trong buổi làm việc và cung cấp thông tin cho PV
Điều 227 của Bộ Luật Hình sự - Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nêu rõ: 1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Có tổ chức; d) Gây sự cố môi trường; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; e) Làm chết người. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. |
Nhóm PV