Cư dân Hateco Hoàng Mai (Hà Nội) bức xúc: Giá nước tăng đột biến từ trên 50% đến 600%
Vừa qua tòa soạn Sức khỏe và Môi trường điện tử đã có bài phản ánh liên quan đến vấn đề kết cấu chịu lực của tòa A, thuộc chung cư Hateco Hoàng Mai (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội), bị xâm hại. Sự việc vẫn chưa được lắng xuống, thì Tòa soạn tiếp tục nhận được đơn phản ánh của cư dân về việc giá tiền nước tăng đột biến. Mức tăng khiến nhiều người giật mình.
Đơn đề nghị của cư dân Hateco Hoàng Mai.
Theo đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan Báo chí của ông Nguyễn Văn Nam, sinh sống tại chung cư Hateco Hoàng Mai trình bày: Trong tháng 8/2018 toàn thể cư dân nhận được thông báo, tiền nước sinh hoạt của các hộ tăng đột biến, từ 50% đến trên 300%, cá biệt có hộ tăng đến 600% so với những tháng dùng trước đó.
Trước sự việc bất thường trên, cư dân đã yêu cầu BQL tổ chức họp cư dân với sự tham gia của BQT tòa nhà Hateco Hoàng Mai.
Sau buổi họp, đại diện BQL tòa nhà, thông báo lý do khối lượng nước sinh hoạt tăng đột biến là đồng hồ nước bị bẩn, nên đo sai. Nhiều cư dân không đồng tình với cách giải thích này, phía chủ đầu tư chần chừ, không có phương án phù hợp để xử lý. Thậm chí còn ấn định ngày cắt nước, nếu cư dân không theo cách xử lý của chủ đầu tư.
Phía cư dân yêu cầu có một đơn vị có đầy đủ chức năng thẩm định, chuyên môn kỹ thuật vào kiểm tra lại đồng hồ nước. Còn phía chủ đầu tư lại đưa ra phương án, sẽ cho nhân viên của mình đến để đo và vệ sinh lại đồng hồ nước.
Do lo ngại việc cắt nước, làm cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều cư dân đã phải chấp nhận phương án của chủ đầu tư đưa ra. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cư dân Hateco Hoàng Mai cho rằng, việc làm của chủ đầu tư là không hợp lý, thậm chí vẫn xuất hiện sai số sau khi người của chủ đầu tư đi vệ sinh đồng hồ nước.
Sau sự cố xảy ra từ tháng 8/2018 đến nay, theo thông tin PV được biết, mới đây một nhóm cư dân tiếp tục có những phản ánh đến BQL tòa nhà. Để yêu cầu chủ đầu tư có những biện pháp xử lý về vấn đề đồng hồ nước được công khai minh bạch hơn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Bình – Cư dân sinh sống tại tòa B, chung cư Hateco Hoàng Mai cho biết, đồng hồ nước chưa được phía chủ đầu tư bàn giao cho cư dân. Chính vì vậy, nhiều cư dân không đồng ý với cách khắc phục sự cố từ phía chủ đầu tư đưa ra: “Họ đi đo nước, dùng bình nước 20 lít, sau đó 1 người vặn nước vào bình, 1 người nhìn đồng hồ. Bình nước đầy thì họ báo số. Đây là phương pháp đo thủ công, không đúng, không đảm bảo tính kỹ thuật. Đúng ra là phải lắp 01 đồng hồ nước có số đo chuẩn song song với đồng hồ đang có số đo sai. Sau đó tiến hành xả nước đo mới là hợp lý”, ông Bình cho biết.
Củ lọc nước “sạch” của gia đình ông Bình đầy cặn bẩn bám, mặc dù mới được thay.
Cũng theo ý kiến của công Bình, thì việc chủ đầu tư là tài sản riêng của công dân và hết hạn bảo hành cũng không hoàn toàn hợp lý. Vì đến thời điểm hiện tại, trong danh sách bàn giao cho cư dân, chưa được chủ đầu tư bàn giao đồng hồ nước: “Vấn đề đồng hồ nước vẫn có sự liên kết giữa cư dân và chủ đầu tư. Hàng tháng các anh (chỉ chủ đầu tư - PV) vẫn quản lý và đi thu tiền nước của cư dân chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu có một đơn vị độc lập vào kiểm tra, làm việc rõ ràng 3 bên, cư dân chúng tôi không có ý kiến gì. Đằng này phía chủ đầu tư ho cho nhân viên đi tháo kẹp chì ra để vệ sinh đồng hồ. Vậy kẹp chì đã bị tháo ra, thì phía đơn vị bảo hành họ sẽ không chịu trách nhiệm nữa.”, ông Bình phân tích thêm.
Phía chủ đầu tư đưa ra cách giải quyết là cấn trừ dần vào số tiền cư dân Hateco đã nộp. Nhưng căn cứ vào đâu vẫn chưa được rõ ràng: “Chủ đầu tư giải quyết bằng cách cấn trừ vào tiền nước mà cư dân đã nộp. Cư dân chúng tôi làm sao để biết được đồng hồ đã chạy đúng hay chưa. Hiện tại, theo cách làm của chủ đầu tư thì mọi thông số chỉ mang tính phiên phiến, có giá trị tham khảo là chính, vì chưa có cơ quan chức năng đủ điều kiện để tiến hành kiểm tra, thẩm định. Thậm chí chúng tôi phải dựa vào số đo của những tháng trước tháng 8/2018 để làm căn cứ so sánh. Và nếu như vậy, thì ai có thể đảm bảo, số đo của đồng hồ trước tháng 8/2018 là chính xác. Với số tiền mà cư dân đã nộp lớn như vậy, đáng lý ra phải trả lại cho cư dân, làm sao các ông có quyền trừ tiền dần của người dân. Theo tôi đây là một cách làm không hợp lý”, ông Bình có ý kiến.
Ngoài việc đồng hồ nước đo sai, thì ông Bình cũng phản ánh tình trạng nước sinh hoạt không được đảm bảo. Để chứng minh phản ánh của mình, ông Bình đã dẫn PV quan sát thực tế máy lọc nước của gia đình. Mặc dù được gọi là nước sạch, nhưng quả lọc của hệ thống lọc nước mới được thay hơn 1 tháng nay đã đổi màu đen xì. Nhiều cặn bẩn đã két lại.
Hiện tại theo như ý kiến của đại diện chủ đầu tư, còn 1 ngày nữa là đến hạn cắt nước. Hàng chục hộ dân đang tỏ ra lo lắng, bức xúc. Nếu cắt nước, thì cuộc sống của cư dân sẽ bị đảo lộn, ảnh hưởng rất lớn.
Ngoài vấn đề về việc xâm hại kết cấu chịu lực tại tòa A, đồng hồ nước đo sai thực tế, thì tại đầy còn nhiều vấn đề bất cập còn lớn hơn. Nếu cư dân Hateco Hoàng Mai, không phát hiện và đấu tranh thì sẽ bị thiệt hại rất lớn đến kinh tế. Sự việc sẽ được Tòa soạn phản ánh vào những bài kế tiếp.
Sức khỏe và Môi trường điện tử tiếp tục thông tin./.
PV