Cứu người giữa biển nước lũ – những câu chuyện cảm động ở Yên Bái
Ký ức đêm kinh hoàng ngày 10/9/2024 vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của bác sĩ Bùi Thị Bích Hợi – Trạm trưởng Trạm y tế phường Đồng Tâm, TP Yên Bái và đến bây giờ nhớ lại, chị vẫn còn choáng váng.
Chị Hợi kể lại mà giọng vẫn còn run run: "Ca trực tối 9/9, trạm chúng tôi có 4 người. Khoảng 19h30 có một bệnh nhân nữ 76 tuổi, ở Tổ 12 vào trạm trong tình trạng tăng huyết áp. Sau khi thăm khám và xử lý, khoảng 15 phút sau thì huyết áp bệnh nhân ổn định. Chúng tôi đã cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi và động viên bà ở lại trạm để tiếp tục theo dõi.
Khoảng 20h, tôi nghe có tiếng gọi và hô hoán của người dân 'nước suối đang cao ngập đến mặt cầu rồi'. Sau đó, chúng tôi được một số bà con hỗ trợ giúp kê đồ đạc, máy móc, thiết bị điện tử lên cao. Nhưng đến 21h, thấy nước tràn về rất nhanh, tôi gọi điện đề nghị ứng cứu và khoảng 15 phút sau, đội cứu hộ của phường đã tới và khẩn trương chuyển bệnh nhân về nhà an toàn. Kíp trực chúng tôi đã khóa hết cửa các phòng, sơ tán sang tầng 2 của nhà dân. Nhìn qua cửa sổ, thấy toàn bộ mênh mông như một dòng sông, chỉ mờ mờ thấy mái nhà của trạm trong biển nước, chúng tôi chỉ biết khóc trong bất lực, xót xa".
Câu chuyện về các ca cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái trong những ngày đỉnh điểm của cơn bão số 3 vừa qua là một ví dụ về sự tận tâm, nỗ lực, quyết đoán, kinh nghiệm và chuyên môn vững vàng của đội ngũ nhân viên y tế, quyết tâm giành giật lại sự sống cho bệnh nhân trong điều kiện, hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt, nguy hiểm.
Đáng nhớ nhất là trường hợp bệnh nhân Đặng Thị Tư (sinh năm 1993, ở thôn Khe Qué, xã Viễn Sơn). Khoảng 8h30 ngày 10/9, đất đá bất ngờ đổ sập xuống nhà, chồng chị Tư đã tử vong tại chỗ. Chị Tư được lực lượng cứu hộ tìm thấy trong đống đổ nát và đưa đến trạm y tế xã sơ cứu. Sau tai nạn, chị Tư đã hồi tỉnh và được đưa lên xuồng của Ban Chỉ huy quân sự đến Trung tâm Y tế huyện Văn Yên tiếp tục cứu chữa.
Trên xuồng đến Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, chị Tư bị ngừng tim đột ngột. Nhân viên y tế cơ sở đi cùng xuồng đã cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau 5 phút bệnh nhân có tim trở lại. Bác sĩ trực cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Văn Yên tiếp nhận, khẩn trương sơ cứu người bệnh cho chụp CT Scanner với chẩn đoán bệnh nhân sốc, đa chấn thương. Sau khi chẩn đoán và xin ý kiến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Tư được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị, tính mạng đã được bảo đảm an toàn.
Trường hợp bệnh nhân nam sinh năm 1994, ở xã Lâm Giang đến Trạm Y tế xã thăm khám và được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, cần phải phẫu thuật cấp cứu. Ngay trong đêm, bệnh nhân đã được đội vận chuyển khiêng bằng cáng, phải đi bộ dọc đường sắt, vì tại thời điểm đó, lũ cô lập không có phương tiện. Xuống đến địa phận xã An Bình thì được Công an xã An Bình đón và đưa đến điểm xe cấp cứu đã được tiếp cận. Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đã quyết định phẫu thuật cấp cứu, hiện tại bệnh nhân đã ổn định.
TS.BS. Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: "Những ngày lũ đỉnh, chúng tôi vẫn chia nhau đi thuyền, leo bộ qua đồi vào bệnh viện để làm việc, trong đó tất cả anh chị em gia đình bị ảnh hưởng vẫn đi làm, đi trực, gác lại việc nhà với tinh thần tất cả vì người bệnh. Đêm nào cũng như đêm nào, bệnh viện luôn thức trắng. Giữa đêm bão lớn, các bác sĩ còn phải hướng dẫn đường đi qua điện thoại và lo cho cả ca cấp cứu trên đường đến viện".
Trong những ngày đỉnh điểm của đợt mưa lũ vừa qua, nhiều đơn vị y tế đã tiếp nhận và bố trí chỗ tạm trú, tránh sạt lở cho người dân, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh không chỉ đảm bảo an toàn cho người bệnh mà còn bố trí nơi ở cho các gia đình chạy lũ và cùng các nhà hảo tâm lo chu đáo cơm nước cho họ.
Hậu quả của cơn bão số 3 đã khiến cho trên 700 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành y tế tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề.
Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái có 185 (chiếm tới 40%) gia đình cán bộ, nhân viên y tế bị ngập nhà hoặc sạt lở đất hỏng nhà, trong đó có 2 nhà bị sập hoàn toàn, nhưng họ đã gác lại việc nhà để đảm bảo chế độ trực, sẵn sàng ứng phó thiên tai, tham gia vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân trong mưa lũ với những hình ảnh thân thương sẽ được người dân ghi nhớ mãi.
Tính đến ngày 17/9/2024, 100% các trạm y tế bị ngập trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành công tác dọn dẹp, vệ sinh, khử khuẩn. Tuy nhiên hệ thống mạng internet tại 4 trạm y tế của Thành phố Yên Bái bị hư hỏng, đang khẩn trương khắc phục. 26/35 cơ sở y tế đã khắc phục và tổ chức khám chữa bệnh. Hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh vẫn đảm bảo, không bị gián đoạn. |