Đà Bắc: Dân “kêu trời” vì bãi rác gây ô nhiễm
Việc chôn lấp rác được thực hiện 6 tháng 1 lần
Người dân “than trời” vì ô nhiễm
Bãi rác này có diện tích khoảng 1ha, là nơi tập kết rác thải của cả thị trấn Đà Bắc và một phần của một vài xã xung quanh. Cứ một tuần 3 lần, các xe rác lại thi nhau tập kết rác về bãi rác này vào các thứ 3, 5, 7. Và cứ đến 6 tháng, rác lại được chôn lấp một lần.
Theo phản ánh của nhiều người dân, không khí và cả môi trường xung quanh bãi rác đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng vô cùng lớn tới cuộc sống của họ.
Ông Lường Văn Thơ, Trưởng thôn Tân Sơn cho biết: “ Những ngày trời nắng, không khí ngột ngạt, hôi thối, rất khó thở, nhiều gia đình phải mua bạt về căng quanh nhà để chắn gió”.
Một số người dân khác lại cho hay, trước đây, chính quyền địa phương xử lý rác bằng cách đốt rác trực tiếp, nhưng vì khói bụi gây ô nhiễm nên người dân kiến nghị rất nhiều, sau đó địa phương chuyển sang chôn lấp trực tiếp xuống lòng đất.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, người dân đã phản ánh lên các cấp chính quyền địa phương rất nhiều lần nhưng không thấy phản hồi. Và bãi rác này, vẫn tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh của hơn 300 con người thôn Tân Sơn.
PV SK&MT điện tử đã đi khảo sát thực tế tại bãi rác Toàn Sơn ngay trong buổi chôn lấp rác. Trong một khu đất rộng khoảng 1ha, được bao quanh bởi bờ tường kiên cố, bãi rác đã được máy xúc chôn lấp rác gần hết.
Khi được hỏi liệu việc chôn lấp rác có ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm phía dưới lòng đất hay không, ông Đinh Trọng Huề, Đội trưởng Đội Vệ sinh môi trường đang có mặt tại bãi rác, nghiệm thu công việc của máy xúc làm nhiệm vụ chôn lấp rác thải khẳng định chắc nịch: “Phía dưới lòng đất ở bãi rác này hoàn toàn không có nguồn nước ngầm”.
Ông Đinh Trọng Huề đang chỉ cho PV thấy toàn bộ diện tích bãi rác
Phòng TNMT “phán” không nghiêm trọng như phản ánh
Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết, bà cũng là người dân có nhà ở thôn Tân Sơn, nhưng vì nhà của gia đình bà ở phía ngoài đường nên cũng không chịu ảnh hưởng nhiều như người dân sống quanh bãi rác.
Theo bà Hiệu, bãi rác này đã có cách đây 10 năm, trước kia thuộc sự quản lý của xã Toàn Sơn, nhưng sau vì xã Toàn Sơn không quản lý được nên chính quyền địa phương giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đà Bắc xử lý. Bà Hiệu cũng công nhận, vào những ngày trái gió trở trời, ở khu vực quanh bãi rác ruồi, muỗi rất nhiều, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân. "Chính quyền địa phương cũng đã đề xuất xây dựng lò đốt rác, nhưng vì điều kiện kinh tế, tài chính có hạn nên đến nay đề án này vẫn còn là ý tưởng”, bà Hiệu nói.
Bà Đinh Thị Vân Dung, Phó phòng TNMT huyện Đà Bắc cho hay: “Tôi thường xuyên đi kiểm tra khu vực bãi rác này, và dường như vấn đề không quá lớn như người dân phản ánh”.
Theo bà Dung, bãi rác này có diện tích rộng khoảng 1ha và được chôn lấp 6 tháng một lần. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm thì không quá nghiêm trọng như những gì người dân đã phản ánh. Bà Dung cũng cho hay, sắp tới chính quyền địa phương sẽ có kế hoạch xây lò đốt rác cho người dân, hoặc chở rác về xã Yên Mông để xử lý. Tuy nhiên, tất cả còn là kế hoạch.
Hiện nay, theo bà Dung, không thể tìm được vị trí nào thực sự phù hợp hơn vị trí của bãi rác Toàn Sơn này, bởi bãi rác đã được đi vào hoạt động cách đây gần 10 năm nay, chính vì vậy, việc di dời bãi rác chỉ là chuyện trên giấy tờ.
Chính sự chậm trể trong việc tìm phương án xử lý rác thải đang khiến hàng trăm người dân địa phường ngày ngày sống với ô nhiễm. Phải chăng sự chậm trể này đang bắt nguồn từ việc cho rằng, ô nhiễm chưa đến mức quá nghiêm trọng?
Sức khỏe và Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin!
Nguyệt Cầm