Đã cấp hộ chiếu vaccine cho 1,3 triệu người
Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, đã có khoảng 1,3 triệu người dân có “hộ chiếu vaccine". Người dân có thể tra “hộ chiếu vaccine" trên ứng dụng PC-Covid, hoặc Sổ sức khỏe điện tử.
Ứng dụng PC-Covid và thông tin cập nhật cấp hộ chiếu vaccine tích hợp trên ứng dụng.
Việc cấp "hộ chiếu vaccine" ở Việt Nam được triển khai trên toàn quốc từ ngày 15/4/2022. Đến nay, sau gần 1 tuần triển khai, cả nước có khoảng 1,3 triệu người đã có hộ chiếu này trên ứng dụng PC-Covid, hoặc Sổ sức khỏe điện tử.
Thời hạn của "hộ chiếu vaccine" điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp. Đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới và người dân vẫn sử dụng hộ chiếu này bình thường.
"Hộ chiếu vaccine" thực chất là ký xác nhận chứng nhận tiêm điện tử. Chứng nhận này được cấp theo tiêu chuẩn châu Âu để khi người dân nhập cảnh, hoặc di chuyển mà cần cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thì đây được coi như giấy thông hành, giúp người dân dễ dàng khi nhập cảnh các quốc gia khác.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế (Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, khó khăn nhất trong việc cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân hiện nay đó là việc "làm sạch" dữ liệu. Hiện nay, thông tin của khoảng 41 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 của người dân không có, hoặc sai định dạng căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sai họ tên, ngày sinh và các thông tin khác với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
"Những người dân sai thông tin sẽ không cấp được "hộ chiếu vaccine". Hệ thống chỉ cấp "hộ chiếu vaccine" cho những người dân được xác thực thông tin đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.
Đối với những người dân chưa được cấp "hộ chiếu vaccine" do thiếu hoặc sai thông tin, đại diện Cục Công nghệ thông tin lưu ý, người dân cần phản ánh trên Cổng Thông tin tiêm chủng Covid-19 (tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn), hoặc liên hệ trực tiếp cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, chỉnh sửa. Ngay từ bây giờ, người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng của mình trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, hoặc PC-Covid.
Ngoài ra, người dân có thể gọi điện đến tổng đài của Bộ Y tế theo số 19009095 để phản ánh hoặc tư vấn các vấn đề liên quan đến "hộ chiếu vaccine".
Để kịp thời phục vụ việc đi lại, giao thương quốc tế của người dân thông qua "hộ chiếu vaccine", Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và y tế các bộ, ngành rà soát, xác thực, bổ sung thông tin sai lệch, còn thiếu của người dân tiêm chủng trên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19, hoàn thành trước ngày 30/4/2022.
Đối với các địa phương, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng Covid-19 trên Cổng Thông tin tiêm chủng Covid-19 và duy trì xử lý phản ánh của người dân; thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hai nội dung trên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hoàn thành trước ngày 30/4/2022.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng sẽ chịu trách nhiệm nếu thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót, không được cập nhật kịp thời, ảnh hưởng đến việc cấp "hộ chiếu vaccine", phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế của người dân.
Tính đến ngày 20/4, cả nước đã tiêm hơn 210,1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Trong đó, số vaccine Covid-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên 192.523.174 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.259.049 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới tuổi là 88.820 liều (mũi 1).
Trước khi triển khai tiêm vaccine cho trẻ, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu bắt buộc 100% các cơ sở tiêm chủng triển khai tiêm, nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác và thực hiện ký số chứng nhận trên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19, hoàn thành ngay trong ngày khi tiêm cho trẻ. Việc này nhằm tạo thuận tiện cho việc ký chứng nhận "hộ chiếu vaccine" điện tử cho trẻ.
SƠN HÀ