Đảm bảo chất lượng nước là để bảo vệ sức khỏe của người dân
Với mục tiêu đảm bảo sức khoẻ người dân là trên hết, Bộ Y tế sẽ đứng về phía người dân, nói tiếng nói của người dân, do vậy Bộ Y tế đề nghị các cơ sở cung cấp nước sạch phải đáp ứng đầy đủ 109 chỉ tiêu của Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt, tiến tới đáp ứng được các tiêu chuẩn nước sạch đạt tầm quốc tế
Đây là phát biểu của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc “Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt” do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, ngày 26/3/2015, tại Hà Nội. Tham dự buổi làm việc ngoài đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế còn có đồng chí Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, ông Hugh Borrowman Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam, đại diện của các Bộ, Ban, Ngành, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các địa phương, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu đề dẫn cho buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, ngày 11/12/2014 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, trong đó chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nguồn nước cấp khu vực đô thị, các khu dân cư, khu tập thể, các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm và hệ thống cấp nước tập trung. Tại hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận, đề xuất, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa y tế, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường để tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước, những tồn tại, khó khăn vướng mắc, đề xuất các kiến nghị, nhu cầu, định hướng ưu tiên của Chính phủ và các nhà tài trợ trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng nước ăn uống và nước sinh hoạt.
Trao đổi với các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng chúng ta chưa có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ liên quan với nhau trong vấn đề cung cấp và quản lý nước sạch dẫn đến kiểm tra, thanh tra còn nhiều chồng chéo, trùng lặp. Tại nhiều đô thị, hệ thống đường ống nước sạch cũ nát, mặc dù được tu bổ qua nhiều thời kỳ nhưng vẫn không đảm bảo theo yêu cầu trong khi đó, nhiều nguồn nước sạch bị ô nhiễm nghiêm trọng, giá nước còn thấp, không đảm bảo chi phí cần thiết cho nhà cung cấp. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra của các ngành còn khác nhau dẫn đến các nhận định còn khác nhau về chất lượng của cùng một nguồn nước.
Về phía Bộ Y tế hiện nay có đủ lực lượng để giám sát chất lượng nước sạch, tuy nhiên, các đơn vị trong ngành chưa có kinh phí thường xuyên dành cho công tác này. Các địa phương tuy có xây dựng kinh phí riêng cho kiểm tra nước sạch nhưng không mấy nơi được quan tâm cấp đủ. Do vậy trên thực tế, việc kiểm soát chất lượng nước sạch hiện nay còn là một thách thức lớn với. “Cần phải xã hội hoá vấn đề kiểm tra chất lượng nước sạch. Chỉ đến khi nào việc xét nghiệm mẫu nước trong các gia đình trở thành thói quen, thông lệ, khi đó chúng ta mới có thể phần nào an tâm được. Nhưng nếu chúng ta cứ dựa vào người dân bỏ tiền ra xét nghiệm mẫu nước thì không được mà phải có kế hoạch hỗ trợ chi phí này cho họ” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, chỉ trì hội thảo
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng tình với quan điểm của Bộ Y tế vì sức khoẻ người dân là trên hết, do vậy cần phải đảm bảo được 109 chỉ tiêu chất lượng nước sạch hiện hành. Phát biểu kết luận Phó Thủ tướng chỉ đạo: Xử lý nước rất khó khăn, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Chúng ta cần làm theo lộ trình nâng cao chất lượng nước sạch từ các hộ gia đình đến các nhà máy cung cấp nước. Phó Thủ tướng đề nghị các ngành các cấp phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo chất lượng nước sạch. Nước sạch cũng là một trong những mặt hàng nhạy cảm. Tới đây phải đưa giá mặt hàng này về giá thị trường để dảm bảo cân đối thu-chi trong cung cấp nước. Song song với định hướng này cần phải tính toán để có thể trợ giá nước đáng kể cho các đối tượng chính sách, khó khăn, nghèo khó. Đặc biệt phải tăng cường truyền thông trong vấn đề sử dụng nước sạch, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm để mọi người đều có nước sạch dùng.
Toàn cảnh hội thảo
Nguồn: Bộ Y tế