Dân bất an vì sống cạnh kho thuốc bảo vệ thực vật bệnh viện
Dù được cơ quan chức năng cất bốc, xử lý nhưng nhiều năm qua, người dân thôn Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn luôn nơm nớp lo sợ bị ảnh hưởng sức khỏe khi biết kho thuốc bảo vệ thực vật của Bệnh viện huyện Can Lộc cũ vẫn còn tồn dư.
Kho thuốc bảo vệ thực vật cạnh khu dân cư khiến người dân thôn Chiến Thắng bất an.
Một người dân sống cạnh kho thuốc cho biết, mỗi khi trời mưa lớn, nước mưa chảy lênh láng khiến một lượng thuốc diệt muỗi, mọt trong kho tràn ra ngấm vào đất. Do vị trí hầm chứa nằm ở trên cao nên cứ có mưa là thuốc bảo vệ thực vật theo nước chảy xuống thôn xóm. Trước đây, người dân trong xóm vẫn sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng vài năm gần đây thấy người trong làng bị ung thư liên tục nên các gia đình đã không còn dùng nước giếng để nấu ăn nữa.
Được biết, vào năm 1968, Bệnh viện huyện Can Lộc sơ tán về xã Vĩnh Lộc và đóng đô trên phần đất thôn Chiến Thắng. Khi về đây, bệnh viện này xây dựng một kho chứa thuốc diệt muỗi, mọt (666 và DDT).
Đến năm 1973, bệnh viện chuyển đi nơi khác nhưng không mang theo kho thuốc này. Một thời gian sau, người dân thập phương đã tìm đến mảnh đất này xây dựng nhà cửa, lập nghiệp. Bà Phan Thị Vượng (SN 1949) trú tại thôn Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc bức xúc nói: “Hơn 10 năm trước, những hộ dân cạnh kho thuốc này liên tục mắc các bệnh quái ác, khó chữa trị. Nhiều người già, trung niên lần lượt bỏ mạng vì các căn bệnh ung thư, trẻ em sinh ra mắc các chứng bệnh thần kinh”.
Cũng theo bà Vượng cho biết, đến thời điểm này dù toàn bộ thuốc đã được cơ quan chức năng cất bốc nhưng mỗi lần đi làm đồng ngang qua đây người dân vẫn còn ngửi thấy mùi thuốc. Đặc biệt, vào những ngày hè nam nắng, mùi thuốc bốc lên nồng nặc rất khó chịu.
Là người bán thuốc chữa bệnh cho người dân thôn Chiến Thắng hàng chục năm qua, ông Nguyễn Huy Trường (SN 1954) đã thống kê khá chi tiết những người mắc bệnh, những người chết do ảnh hưởng từ kho thuốc này: “Từ năm 1987 đến nay, trong thôn đã có trên 30 người dân mắc các chứng bệnh u lành và u ác, riêng các bệnh hô hấp, ngoài da thì không tính xuể. Đã có khoảng 10 người chết vì mắc bệnh ung thư phổi, dạ dày. Từ ngày kho thuốc được cơ quan chức năng cất bốc thì số người mắc bệnh hiểm nghèo mới suy giảm”.
Được biết, năm 2007 sau khi phản ánh của người dân, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã về lấy mẫu nước tại các giếng nước của người dân xung quanh khu vực kho thuốc kiểm tra thì tất cả đều bị nhiễm độc vượt quá mức quy định. Sau đó, Bộ TN&MT đã cho cất bốc toàn bộ kho thuốc này đi vào miền nam xử lý và giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Tĩnh khoanh vùng kho thuốc lại. Tiếp đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã cho di dời 13 hộ gia đình sống cạnh kho thuốc và cấp đất ở cùng 40 triệu đồng cho mỗi hộ đến nơi ở mới. Đồng thời cho xây dựng một nhà máy nước sạch cấp nước cho 143 hộ dân ở thôn Chiến Thắng.
“Mặc dù đã được cất bốc đưa đi xử lý nhưng đến nay lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn tồn dư trong đất. Việc xử lí chưa triệt để khiến người dân trong thôn chúng tôi luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng”, ông Phạm Đức Dũng, Trưởng thôn Chiến Thắng băn khoăn.
Ông Nguyễn Công Tiến (Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc) cho biết, vấn đề xử lý tồn dư của kho thuốc bảo vệ thực vật tại thôn Chiến Thắng do Sở Tài nguyên & Môi trường phụ trách. Phía tỉnh đã cấp gần 3 tỷ đồng giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường xử lý.
Năm 2014, Sở Tài nguyên & Môi trường đã hoàn thành giai đoạn 1 là xây dựng hầm bao vây phần phía trên của kho thuốc. Toàn bộ số đất và tàn dư trong hầm hóa chất đã được đem vào miền Nam tiêu hủy. Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm và cải tạo môi trường thì chúng tôi vẫn đang phải chờ giai đoạn 2 của dự án. Mong sao giai đoạn 2 sớm triển khai để gần 600 nhân khẩu đang sinh sống quanh khu vực không còn bị ảnh hưởng bởi tàn dư của hóa chất bảo vệ thực vật.
Duy Ngợi