Đề xuất điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế
Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại tại tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP – Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" được tổ chức chiều ngày 5/10.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SAR-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng; tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp; hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian; nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu.
Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích, hiện nay đất nước ta mở cửa, dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan có nguy cơ xâm nhập là không thể tránh khỏi.
"Vì vậy Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ đã ban hành tại Nghị quyết 38 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành tại Việt Nam như sốt xuất hyết, tay chân miệng, virus Adeno"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng - dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học.
Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch; mua sắm, đấu thầu; huy động, vận động các nguồn lực trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính khẩn cấp, nhanh, hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghiệp dược, sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng, chống dịch.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhân viên y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh cần ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng; Đặc biệt tăng cường năng lực, khả năng cung cấp dịch vụ y tế, mở rộng phạm vi chi trả tại các trạm y tế xã để tham gia chống dịch tốt nhất.
"Chúng ta cũng cần có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, công nhận liệt sĩ đối với lực lượng này nếu hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tạo cơ chế chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 vì chúng ta qua các đợt dịch đặc biệt là đợt dịch thứ 4 chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của y tế tư nhân"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ Y tế cho biết, ngày 6/10 có 1.130 ca mắc Covid-19 mới, trong ngày có 515 bệnh nhân khỏi, không có ca nào tử vong. Số ca mắc mới Covid-19 từ đầu tháng 10 đến nay có dấu hiệu chững lại, ngày thấp nhất là 2/10 ghi nhận 490 ca mới, thấp nhất trong 4 tháng qua, ngày cao nhất là 5/10 với 1.194 ca mắc. Đến nay, tổng số người mắc Covid-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.595.359 ca, trong số hơn 844 nghìn người mắc Covid-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 76 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 60 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 11 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.484.659 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.640 ca nhiễm). |
ĐÀO VĂN THỂ