Điểm mới về vắc-xin phòng cúm mùa 2024-2025
Theo CDC Hoa Kỳ, vắc-xin phòng cúm cho mùa cúm 2024-2025 sẽ là vắc-xin hóa trị ba. |
Cúm là bệnh gì?
Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm (Influenza virus) gây ra. Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em trên thế giới bị nhiễm cúm. Trong số đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1 - 1,8 triệu người mắc cúm mùa.
Mặc dù cúm có thể tự khỏi, bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc những người suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai. Các biến chứng của cúm có thể bao gồm viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Có 4 chủng virus cúm chính: A, B, C và D. Trong đó, cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, trong khi cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người.
- Cúm A: Cúm A là dạng cúm mùa phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người. Virus cúm A được phân loại thành nhiều phân tuýp dựa trên sự kết hợp giữa các protein trên bề mặt virus: Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N). Khi gặp điều kiện thuận lợi, cúm A có thể bùng phát thành các đợt dịch lớn nhỏ. Các đại dịch cúm toàn cầu lịch sử, như cúm A (H5N1), cúm A (H3N2), và cúm A (H1N1), đều do các chủng của virus cúm A gây ra.
- Cúm B: Cúm B không được chia thành các phân tuýp, nhưng có hai dòng chính: B/Yamagata và B/Victoria. Cúm B chiếm khoảng 25% số ca nhiễm cúm mùa hàng năm và chỉ lây truyền từ người sang người. Mặc dù cúm B có khả năng lây lan mạnh và có thể gây thành dịch, nó ít có nguy cơ trở thành đại dịch nhưng vẫn có thể gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Cúm C: Cúm C ít gặp hơn và ít nguy hiểm hơn so với cúm A và B. Bệnh do cúm C gây ra thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình và không có khả năng bùng phát thành dịch ở người.
- Cúm D: Cúm D chủ yếu gây bệnh trên gia súc và chưa được xác định là gây bệnh ở người. Virus cúm D có thành phần cấu tạo và đặc điểm phân bào tương tự như cúm C.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau khoảng 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus. Nhiều người dễ nhầm lẫn cúm với cảm lạnh do các triệu chứng tương đồng. Ngoài các dấu hiệu như đau họng, sổ mũi và hắt hơi. Cúm còn có những biểu hiện đặc trưng như sốt cao trên 38°C, ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi toàn thân và đôi khi buồn nôn, tiêu chảy (đặc biệt ở trẻ em).
Thời gian ủ bệnh cúm thường kéo dài khoảng 2 ngày. Sau 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác thường giảm, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài thêm một hoặc hai tuần.
Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo trẻ em và người lớn nên chủ động phòng ngừa và ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Virus cúm lây truyền nhanh chóng từ người sang người qua hai con đường chính:
- Lây qua dịch tiết đường hô hấp: Khi người bệnh ho hoặc hắt xì, virus sẽ phát tán trong không khí trong phạm vi khoảng 2m, dễ dàng lây nhiễm cho những người xung quanh khi tiếp xúc gần.
- Lây qua bề mặt tiếp xúc: Virus cúm có thể bám lên các đồ vật như khăn, quần áo, bàn chải, ly uống nước,… Nếu người khỏe mạnh chạm phải và đưa tay lên mũi, miệng thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Bệnh cúm có thể bùng phát vào bất kỳ mùa nào trong năm, đặc biệt vào các tháng 3, 4, 10 và 11. Triệu chứng cúm như sổ mũi, đau nhức cơ thể cũng nặng nề hơn vào mùa lạnh do không khí chứa nhiều vi khuẩn hơn. Do đó, trong thời tiết lạnh, trẻ em và người lớn nên chủ động dự phòng bằng cách tiêm vắc xin, giữ ấm cơ thể và ngăn chặn mọi nguồn lây nhiễm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Các lựa chọn vắc-xin trong phòng cúm mới nhất
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các lựa chọn vắc-xin trong phòng cúm mới nhất bao gồm:
- Vắc-xin phòng cúm liều tiêu chuẩn: Được sản xuất bằng cách nuôi cấy virus trong trứng. Có một số nhãn hiệu khác nhau như afluria quadrivalent, fluarix quadrivalent, flulaval quadrivalent và fluzone quadrivalent. Loại vắc-xin này được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và thường được tiêm vào cánh tay.
- Vắc-xin phòng cúm dựa trên tế bào (flucelvax quadrivalent): Chứa virus được nuôi cấy trong tế bào và không sử dụng trứng. Sử dụng cho người từ 6 tháng tuổi trở lên.
- Vắc-xin ngừa cúm tái tổ hợp (flublok quadrivalent): Sử dụng công nghệ tái tổ hợp và không chứa virus, mà chứa kháng nguyên gấp ba lần so với các loại vắc-xin cúm bất hoạt liều tiêu chuẩn. Được sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên để tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.
- Vắc-xin ngừa cúm liều cao dựa trên trứng (fluzone high-dose quadrivalent): Được phê duyệt để sử dụng cho người từ 65 tuổi trở lên. Chứa kháng nguyên gấp bốn lần so với các loại vắc-xin cúm bất hoạt liều tiêu chuẩn, giúp tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
- Vắc-xin cúm bổ trợ dựa trên trứng (fluad quadrivalent): Được chế tạo bằng chất bổ trợ để tăng cường phản ứng miễn dịch. Chỉ được sử dụng cho người từ 65 tuổi trở lên.
- Vắc-xin xịt mũi ngừa cúm giảm độc lực (flumist quadrivalent): Sử dụng từ virus cúm sống giảm độc lực và được chấp thuận cho người từ 2 tuổi đến 49 tuổi. Tuy nhiên, không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch hoặc những người mắc một số bệnh lý nhất định.
Có loại vắc-xin cúm nào tốt nhất không?
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc ưu tiên sử dụng vắc-xin cúm phụ thuộc vào độ tuổi của người được tiêm phòng. Dựa trên các nghiên cứu hiện có, CDC khuyến nghị sử dụng những loại vắc-xin cúm cụ thể cho các nhóm tuổi khác nhau:
- Đối với nhóm tuổi dưới 65: CDC không ưu tiên bất kỳ loại vắc-xin cúm nào tốt nhất. Các lựa chọn bao gồm vắc-xin cúm bất hoạt (IIV), vắc-xin cúm tái tổ hợp (RIV) hoặc vắc-xin cúm sống giảm độc lực (LAIV).
- Đối với nhóm tuổi từ 65 trở lên: Có ba loại vắc-xin cúm được ưu tiên hơn vắc-xin cúm liều tiêu chuẩn không có bổ trợ. Đó là vắc-xin cúm tứ giá liều cao Fluzone, vắc-xin cúm tái tổ hợp hóa trị bốn Flublok và vắc-xin cúm bổ trợ hóa trị bốn Fluad.
Nếu không có loại vắc-xin nào trong số ba loại được khuyến nghị ưu tiên trên, những người từ 65 tuổi trở lên nên tiêm bất kỳ loại vắc-xin cúm nào khác phù hợp với lứa tuổi để thay thế.
Đối với liều tiêm và lịch tiêm phòng vắc-xin cúm ở trẻ em và người lớn, chi tiết như sau:
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn: Tiêm liều 0,5 ml.
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc-xin cúm thì tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
- Trẻ từ trên 9 tuổi và người lớn thì tiêm 1 mũi. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Vắc-xin cúm không có tác dụng ngay lập tức, phải mất khoảng hai tuần sau khi tiêm chủng các kháng thể mới phát triển trong cơ thể và cung cấp khả năng bảo vệ chống lại nhiễm virus cúm. Đó là lý do tại sao tốt nhất bạn nên tiêm phòng trước khi virus cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng.