Giảm quá tải bệnh viện – Giải pháp từ góc nhìn hệ thống
Tạo sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu dịch vụ y tế tuyến cuối
Theo PGS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, tình trạng quá tải bệnh viện được đánh giá là hậu quả của sự kết hợp của hai nhóm nguyên nhân chính. Đó là sự thiếu hụt năng lực cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối so với nhu cầu thực tế và sự gia tăng quá mức nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối.
Điều cần lưu ý là sự gia tăng nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối có thể là thực do những thay đổi về nhân khẩu học, về mô hình bệnh tật hay có thể là ảo do hành vi tìm kiếm, sử dụng dịch vụ y tế tuyến cuối không hợp lý (tìm kiếm dịch vụ khi chưa cần thiết hoặc hoàn toàn không cần thiết).
Đối với cung dịch vụ y tế tuyến cuối, điều cần lưu ý là sự thiếu hụt nguồn cung có thể xuất hiện ở cả cấp độ toàn quốc cũng như cấp độ vùng kinh tế xã hội. Điều này gợi ý rằng, để cải thiện cung dịch vụ y tế tuyến cuối, không nên chỉ chú trọng gia tăng tổng nguồn cung mà còn cần chú ý tới sự phân bổ các bệnh viện tuyến cuối trên không gian địa lý một cách hợp lý.
Đối với cầu dịch vụ y tế tuyến cuối, sự gia tăng cầu thực, vốn xuất phát trực tiếp từ sự gia tăng quy mô dân số, xu hướng già hóa dân số và sự gia tăng gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm…, không chỉ làm tăng tổng cầu dịch vụ y tế tuyến cuối mà còn làm tăng rất mạnh cầu dịch vụ y tế tuyến cuối của một số chuyên khoa cụ thể như ung bướu, tim mạch, chuyển hóa, phục hồi chức năng, lão khoa… Trong khi đó, sự gia tăng cầu ảo lại xuất hiện do sự kết hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân.
Như vậy, để đạt được sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu dịch vụ y tế tuyến cuối, PGS Phan Lê Thu Hằng cho rằng, cần các nỗ lực gia tăng nguồn cung theo kịp sự gia tăng cầu thực và hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối.
PGS Phan Lê Thu Hằng chỉ rõ, phân tích về nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho thấy, chỉ khoảng 20% người dân bị bệnh cần phải nhập viện (trong đó 15% chỉ cần điều trị ở mức độ cơ bản và chỉ 5% là bệnh nặng cần điều trị ở mức độ chuyên sâu), còn lại 80% người dân bị mắc bệnh nhẹ hoặc chưa có bệnh chỉ cần các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Tình trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối (vốn được thiết kế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của bệnh nhân nặng cần điều trị ở mức độ chuyên sâu, ứng với 5% trong phân tích nhu cầu chăm sóc sức khoẻ) xảy ra khi chuỗi này hoạt động thiếu hiệu quả.
Ngoài ra, diện bao phủ các bệnh viện tuyến cuối hiện nay còn hạn chế. Hầu hết các bệnh viện tuyến cuối đều nằm ở Hà Nội và TPHCM, vùng Tây Nguyên hiện chưa có một bệnh viện tuyến cuối của Trung ương trên địa bàn.
Bên cạnh đó, năng lực vận hành của các bệnh viện tuyến cuối có thể bị cản trở bởi sự ưu tiên các hoạt động mang lại nguồn thu lớn nhằm đảm bảo cân đối tài chính vốn có thể khiến sự vận hành chung của bệnh viện trở nên mất cân bằng…
Giảm quá tải bệnh viện – Giải pháp từ góc nhìn hệ thống |
Nỗ lực kép khắc phục quá tải bệnh viện
Để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, vị chuyên gia này cho rằng, cần phải đạt được sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu dịch vụ y tế tuyến cuối. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện nỗ lực kép, vừa gia tăng nguồn cung dịch vụ tuyến cuối để theo kịp sự gia tăng cầu thực, vừa hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối.
Để gia tăng nguồn cung dịch vụ y tế tuyến cuối một cách hợp lý, trước hết cần đánh giá chính xác thực trạng cũng như dự báo xu hướng gia tăng cầu dịch vụ y tế tuyến cuối (bao gồm tổng cầu và nhu cầu theo từng chuyên khoa).
Trên cơ sở đó, thực hiện các nỗ lực cải thiện nguồn cung dịch vụ y tế tuyến cuối bằng cách mở rộng danh sách các bệnh viện thực hiện chức năng tuyến cuối, tăng tỷ trọng các dịch vụ chuyên sâu tuyến cuối tại các bệnh viện tuyến tỉnh vốn hiện mới chỉ đảm nhận chức năng chăm sóc cơ bản, tăng quy mô giường bệnh của các bệnh viện thực hiện chức năng tuyến cuối.
Bên cạnh đó, nỗ lực cải thiện sự phân bổ các bệnh viện thực hiện chức năng tuyến cuối trên không gian địa lý (xây dựng bệnh viện mới, phát triển mô hình chuỗi…) cũng như tối ưu hóa sự vận hành của các bệnh viện này (ứng dụng CNTT, chuẩn hóa quy trình chuyên môn, giảm thời gian điều trị nội trú, tăng cường dịch vụ chăm sóc trong ngày…) cũng được xem là cần thiết để cải thiện nguồn cung.
Còn để hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối, cần có những nỗ lực mang tính hệ thống. Theo đó cần tăng cường các can thiệp dự phòng chủ động và nâng cao sức khỏe, tăng cường năng lực toàn diện của mạng lưới y tế cơ sở ban đầu, mở rộng quy mô và tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khoẻ cơ bản (cơ sở y tế tuyến tỉnh), thiết lập hệ thống phân tuyến kỹ thuật (với trọng tâm chuyển đổi hệ thống y tế gắn với 4 cấp quản lý hành chính sang hệ thống y tế với 3 cấp chăm sóc) và hệ thống chuyển tuyến hiệu quả, tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi…
Xét trên bình diện chuỗi chăm sóc sức khoẻ, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, cần thiết lập chuỗi chăm sóc sức khoẻ toàn diện, với sự cần bằng tối ưu giữa chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chăm sóc sức khoẻ cơ bản và chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu.
Theo cách nhìn nhận này, chúng ta cần định dạng lại chuỗi chăm sóc sức khoẻ (hệ thống phân tuyến chuyên môn) theo 3 cấp độ, xác định rõ chức năng và phạm vi dịch vụ cốt lõi của từng cấp độ chăm sóc, giảm không gian trùng lặp giữa các cấp độ chăm sóc để giảm thiểu nguy cơ cạnh tranh bệnh nhân.
Đồng thời, đảm bảo hệ thống cung ứng dịch vụ y tế (tổ chức theo 3 cấp độ chăm sóc) được nâng cấp và đổi mới nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ở từng cấp độ.
Sư liên kết giữa các cấp độ chăm sóc cũng cần được chuyển đổi từ chỉ đạo một chiều (tuyến trên chỉ đạo tuyến dưới) và cạnh tranh bệnh nhân lẫn nhau sang mối quan hệ cộng tác trong cùng một chuỗi chăm sóc sức khoẻ thống nhất.