Hoàn Kiếm: Áp dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận phản ánh về trật tự xây dựng
Ngày 14/8, quận Hoàn Kiếm đã quán triệt, triển khai Quyết định số 1864/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 của UBND quận Hoàn Kiếm về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị và Quyết định số 1730/QĐ-UBND ngày 10/7/2019 của UBND quận Hoàn Kiếm về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong đó phường Hàng Buồn - địa bàn nằm trọn trong khu bảo tồn cấp một của phố cổ được chọn làm điểm để triển khai.
Quang cảnh hội nghị.
Tại cuộc triển khai, hầu hết ý kiến từ cơ sở tin tưởng, với hai quy chế này, chắc chắn việc quản lý trật tự xây dựng sẽ hiệu quả, kịp thời hơn. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Trong đó đề xuất, quận cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện quy chế dân chủ, giám sát xử lý nghiêm việc cấp phép xây dựng trong khu vực phường Hàng Buồm nói riêng và khu vực phố cổ Hà Nội nói chung.
Bên cạnh đó, tăng ứng dụng công nghệ, xây dựng kênh thông tin riêng để người dân có thể phản ánh kịp thời những băn khoăn vướng mắc về thực hiện quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Góp ý về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trật tự xây dựng, ông Vũ Thành Vĩnh (phường Hàng Buồm) chia sẻ, bản thân ông, trong những lần đi thể dục buổi tối đã phát hiện trường hợp vi phạm xây dựng, ông dùng điện thoại chụp ảnh lại và gửi ngay qua mạng xã hội cho thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm, ngay lập tức cán bộ thanh tra xuống kiểm tra, xử lý ngay. “Trong khi đó, nếu để sáng hôm sau, chờ đến giờ làm việc mới báo cơ quan chức năng, có thể chủ nhà đã hoàn thiện xong phần sai phạm” - ông Vĩnh chia sẻ.
Ông Vĩnh phân tích thêm, có nhiều kênh để lãnh đạo tiếp nhận thông tin như thông qua giao ban, họp hành, gửi đơn thư... Nhưng hiện nay ai cũng có điện thoại di động có chức năng quay video, chụp ảnh, mạng 3G... vậy tại sao không tận dụng chính chiếc điện thoại để ghi hình lại và gửi ngay cho cơ quan chức năng? Do vậy, ông Vĩnh đề xuất chính quyền nên tạo một phần mềm tiếp nhận thông tin để người dân có thể gửi ảnh, video đến cơ quan chức năng qua phần mềm mọi lúc, mọi nơi. Về phía chính quyền, sau khi tiếp nhận sẽ phản hồi lại người dân ngay để dân biết chắc chắn thông tin mình gửi đã đến lãnh đạo.
Ông Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Thị Yến (đại diện các cụm dân cư của phường Hàng Buồn) cũng nêu, hiện nay chưa có nhiều kênh để người dân phản ánh thông tin đến chính quyền, do vậy, đại biểu đề nghị có nhiều kênh tiếp nhận thông tin hơn nữa để người dân tiện phản ánh. Theo bà Nguyễn Thị Yến, phòng quản lý đô thị, Ban Quản lý phố Cổ nên cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến quy hoạch, xây dựng tại địa bàn quận một cách đa dạng, phong phú hơn nữa, đặc biệt lưu ý đến kỹ năng tuyên truyền của cán bộ để người dân dễ hiểu nhất, qua đó làm đúng chủ trương, chính sách pháp luật.
Ông Đặng Anh Đức (tổ dân số số 1, phường Hàng Buồn) bổ sung thêm: “Vì chưa hiểu hết chủ trương quy hoạch nên chúng tôi không biết các công trình xây dựng xung quanh đúng hay sai để giám sát...”.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm - Bà Trần Thị Nga nhấn mạnh, các ý kiến góp ý thiết thực của người dân trên địa bàn giúp cho chính quyền có thêm nhiều biện pháp quản lý trật tự xây dựng hiệu quả. “Với kiến nghị, yêu cầu có thêm nhiều hình thức phong phú trong tuyên truyền, cũng như áp dụng công nghệ thông tin để người dân thuận tiện trong việc phản ánh sai phạm đến chính quyền... chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ và từng bước áp dụng trong công tác quản lý trật tự xây dựng” - bà Nga cho biết.
Nhóm PV