Hội thảo phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng tại Việt Nam
Tham dự hội thảo có PGS.TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, ông Phillip Hazelton tổ chức Công đoàn Úc (APHEDA) tại Việt Nam, đoàn đại diện Liên đoàn lao động và Bộ Y tế Lào cùng đông đảo các nhà khoa học, cơ quan quản lý đến từ Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, Trung tâm thông tin tổ chức phi Chính phủ, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam,Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Viện nghiên cứu ung thư (Bệnh viện K)…
PGS.TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lương Mai Anh cho biết, các vấn đề liên quan đến sức khỏe do tiếp xúc với amiăng được dư luận rất quan tâm trong thời gian gần đây. Amiăng trắng đã được tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế khẳng định là tác nhân gây ung thư ở người. Hiện nay, ở Việt Nam số trường hợp ung thư phổi có xu hướng gia tăng mặc dù chưa có thông tin cụ thể về số lượng các trường hợp ung thư phổi có tiền sử tiếp xúc với amiăng. Ung thư trung biểu mô là loại ung thư có nguyên nhân chủ yếu 80-90% do amiăng cũng đã được hệ thống ghi nhận ung thư ở Việt Nam báo cáo ngày càng tăng trong 30 năm qua (từ 1987- 2017). Giai đoạn từ 1987 - 1990, trung bình chỉ có 1- 2 trường hợp được ghi nhận/năm, giai đoạn 2015 - 2017 trung bình trên 10 trường hợp được ghi nhận/năm. Tổng số trường hợp ghi nhận được chẩn đoán ung thư trung biểu mô đến tháng 12/2017 là 193 trường hợp.
Đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến amiăng không chỉ là những người lao động ở nhà máy sản xuất tấm lợp, phá dỡ tàu biển cũ mà còn bao gồm những người lao động phá dỡ, thu gom, xử lý vật liệu thải bỏ có chứa amiăng, người dân trong cộng đồng sử dụng vật liệu có chứa amiăng.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã có Công văn báo cáo Chính phủ về tác hại của amiăng và khuyến nghị xây dựng lộ trình để dừng sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp nhằm tiến tới loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng. Với sự hỗ trợ của WHO và các tổ chức quốc tế cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin rộng rãi về các biện pháp dự phòng cho cộng đồng, người lao động, xây dựng hướng dẫn an toàn vệ sinh lao động cho người tiếp xúc với amiăng, tăng cường kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất tấm lợp, các nội dung phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng đang được lồng ghép trong Đề án bảo vệ nâng cao sức khỏe người lao động giai đoạn 2020 - 2030.
Với quan điểm dự phòng cấp I (dự phòng nguy cơ) các bệnh liên quan đến amiăng, PSS.TS. Lương Mai Anh cho rằng việc không nhập sợi amiăng là hành động thiết thực nhất nhằm ngừng gia tăng nguy cơ các bệnh liên quan đến amiăng tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Song Hà (Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc FAO) đã giới thiệu tổng quát về Hội nghị Rotterdam và lộ trình đưa amiăng trắng vào phụ lục III của Công ước tại các COP từ 2004 – 2017. Vấn đề này sẽ tiếp tục được đưa ra tại COP 9 năm 2019 (7-10/5/2019) với 161 nước đã đăng ký tham dự.
Bà Lê Phương Thùy, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) báo cáo quan điểm của VN về amiăng đối với Hội nghị Công ước Rotterdam tại COP 9
Liên quan đến chủ đề này, phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Phương Thùy (Cục Hóa chất, Bộ Công Thương) cho biết, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện phần hóa chất công nghiệp thuộc Công ước Rotterdam, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất Chính phủ đưa amiăng vào phụ lục III của Công ước. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ Công Thương tham dự COP 9 về thực hiện 3 Công ước Rotterdam, Basel, Stockholm từ 29/4-10/5/2019 tại Thụy Sĩ và đồng ý đưa amiăng vào Phụ lục III Công ước Rotterdam tại kỳ họp này.
Bà Lê Phương Thùy cũng cho biết, theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, amiăng trắng thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và danh mục hóa chất phải khai báo. Nghị định cũng quy định về điều kiện kho chứa, huấn luyện an toàn hóa chất, xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, thực hiện phân loại, ghi nhãn và lập phiếu án toàn hóa chất. Để đẩy mạnh công tác quản lý amiăng trắng, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 3588/BCT-HC ngày 8/5/2018 hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW và các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp từ amiăng trắng thực hiện các quy định nêu trên.
Đối với giải pháp xây dựng lộ trình giảm lượng nhập khẩu amiăng sử dụng trong sản xuất tấm lợp mỗi năm, các doanh nghiệp kinh doanh amiăng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Sở Công Thương cấp. Ngày 5/6/2018, Bộ Công Thương đã có Công văn 4430/BCT-HC góp ý lần 1 Dự thảo Quyết định của Thủ tướng CP phê duyệt Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023” của Bộ Xây dựng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe những kinh nghiệm cấm sử dụng amiăng trắng tại Hàn Quốc và Nhật bản do TS. Bùi Danh Tùng (Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng) trình bày. TS. Bùi Danh Tùng cho biết, Hàn Quốc sử dụng amiăng từ những năm 1930. Trong đó, tấm lợp amiăng phát triển mạnh mẽ nhất từ những năm 1950, năm 1960 amiăng được sử dụng nhiều trong công nghiệp, năm 1970 được sử dụng nhiều trong lĩnh vực vật liệu ma sát với tổng sản lượng amiăng sử dụng từ 2 - 2,4 triệu tấn. Nhưng Hàn Quốc đã công nhận amiăng gây ung thư phổi, ung thư trung biểu mô và các bệnh về phổi ngay cả với hàm lượng nhỏ. Nên từ năm 2009, Hàn Quốc đã cấm sản xuất và sử dụng sản phẩm amiăng ngoại trừ một số sản phẩm chưa phát triển được vật liệu thay thế và đến năm 2015 thì cấm sử dụng amiăng trong mọi lĩnh vực.
Hai Luật chính liên quan đến amiăng tại Hàn Quốc là Luật cứu trợ tổn thương amiăng (2010) và Luật quản lý an toàn amiăng (2011). Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến amiăng còn được đề cập trong các Luật sức khỏe và an toàn công nghiệp áp dụng đối với việc tháo dỡ, loại bỏ vật liệu có chứa amiăng, Luật Sức khỏe và An toàn trường học, Luật An toàn đồ dùng sinh hoạt điện, Luật Hóa mỹ phẩm. Hàn Quốc đã xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ hóa để quản lý các công trình đang sử dụng các vật liệu có chứa amiăng trên toàn bộ lãnh thổ. Mỗi năm Chính phủ Hàn Quốc chi khoảng 70 tỷ Won cho việc tháo dỡ thay thế máy nhà amiăng. Từ 2011 đến 2018, tấm lợp amiăng của 160.000 tòa nhà đã được gỡ bỏ. Hiện Hàn Quốc đã lên kế hoạch gỡ bỏ tất cả các tấm lợp amiăng tại những tòa nhà còn lại vào năm 2030.
Tương tự như vậy, amiăng cũng được sử dụng ở Nhật Bản từ những năm 1930. Đến năm 2005, Nhật Bản nhập khẩu 9.879.865 tấn sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và cơ khí. Nhưng Nhật Bản đã xác định và công nhận 5 bệnh liên quan đến amiăng gồm ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, dày màng phổi, bụi phổi amiăng. Vì thế Nhật Bản đã cấm sử dụng amiăng xanh và nâu từ 1995 và cấm sử dụng đối với amiăng trắng trong vật liệu xây dựng và vật liệu ma sát năm 2004. Đến năm 2012 Nhật Bản cấm sử dụng amiăng trắng trong tất cả các ngành công nghiệp.
Như vậy, về tác hại đến sức khỏe con người của amiăng, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều dựa trên những nghiên cứu của thế giới và các cơ sở nghiên cứu thuộc quốc gia, đều khẳng định tất cả các loại amiăng, bao gồm cả amiăng trắng đều là tác nhân gây ung thư (ung thư trung biểu mô, ung thư phổi).
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Kidong Park nhấn mạnh rằng, loại trừ sử dụng amiăng, không sử dụng tấm lợp amiăng không phải là công việc cuối cùng của việc phòng chống bệnh tật liên quan đến amiăng. Các nước cần lập “Hồ sơ sử dụng amiăng quốc gia” để tiếp tục quản lý, tháo gỡ, xử lý các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng một cách an toàn tại các tòa nhà, thiết bị có chứa những chất này. Bên cạnh đó cần xây dựng hệ thống chẩn đoán, đền bù cho những người bị nhiễm bệnh liên quan đến amiăng, có lộ trình giảm sử dụng và bảo vệ người lao động lâu dài.
Rất vui mừng vì Chính phủ Việt Nam đồng ý đưa amiăng trắng vào phục lục III Công ước Rotterdam tại COP 9 Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng bày tỏ niềm vui mừng trước thông tin Chính phủ Việt Nam đồng ý đưa amiăng trắng vào phụ lục III Công ước Rotterdam tại COP 9. Đồng thời cho rằng, Bộ Xây dựng cần khẩn chương hoàn thiện Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”, vì theo kế hoạch, đề án này đang bị chậm 6 tháng.
PSG.TS. Bùi Thị An cho rằng, amiăng trắng độc hại với con người, trong đó có người Việt Nam. Là cơ quan chủ quản Nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế nên tận dụng kết quả nghiên cứu của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có tiếng nói chính thức về tác động của amiăng tới sức khỏe người lao động, người dân và sớm hoàn thành dự thảo Đề án “Phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng”. |
Đền bù, hỗ trợ cho người mắc bệnh liên quan đến amiăng tại Hàn Quốc, Nhật Bản Tại Hàn Quốc, các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến amiăng đều được coi là tai nạn lao động, chi phí khám và điều trị cho các bệnh nhân này đều được bảo hiểm chi trả toàn bộ. Mỗi năm Hàn Quốc chi khoảng 8 tỷ USD (hơn 9.000 tỷ Won) cho việc đền bù các bệnh nhân mắc bệnh amiăng. Đến tháng 12/2017, đã có 2.801 trường hợp được bồi thường, bao gồm 914 ca ung thư trung biểu mô ác tính, 409 ca bệnh ung thư phổi, 1.474 ca bệnh bụi phổi amiăng và 4 ca dày màng phổi lan tỏa. Tại Nhật Bản, chỉ cần có chứng nhận là ung thư biểu mô sẽ được trợ cấp vì Nhật Bản công nhận ung thư trung biểu mô (UT TBM) là do amiăng. Bảo hiểm lao động chi trả toàn bộ cho việc khám, điều trị bệnh liên quan đến amiăng (chi phi cho 1 ca mổ UT TBM vào khoảng 1 triệu Yên - tương đương 10.000 USD). Đối với bệnh nhân từng làm trực tiếp trong môi trường có amiăng, không có khả năng lao động, được bảo hiểm 80% mức lương hiện tại. Nếu bị bệnh do phơi nhiễm gián tiếp thì được hỗ trợ 100% chi phí điều trị và 90.000 Yên/tháng – khoảng 900 USD. Nếu lao động trực tiếp mà qua đời vì amiăng thì gia quyến sẽ được nhận lương của người đã chết do amiăng. Trường hợp người mắc bệnh liên quan đến amiăng qua đời trong độ tuổi lao động thì người nhà nạn nhân được hưởng phần trợ cấp hàng tháng tương đương với mức lương của người qua đời nhận được khi còn lao động. Đã có trường hợp chủ tòa nhà phải đền cho người nhà các nạn nhân bị tử vong do amiăng tổng số tiền lên tới 600.000 USD do công trình sử dụng amiăng. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí cho việc điều tra, khảo sát và 1 phần để thay thế cao nhất là 3 triệu Yên cho việc thay thế khi có amiăng phun. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu có amiăng đã lập quỹ hỗ trợ nạn nhân. Kể từ trường hợp UT TBM đầu tiên được công nhận là bệnh nghề nghiệp vào năm 1987, đến năm 2004 đã có 500 ca UT TBM được bồi thường. Năm 2005 Nhật Bản tiếp tục ghi nhận được 500 ca và năm 2006 ghi nhận 1000 ca UT TBM. (Nguồn: PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế - “Ảnh hưởng của amiăng trắn đối với sức khỏe, kết quả đợt học tập kinh nghiệm do WHO tổ chức” ) |
Hội nghị Công đoàn Châu Á 2019 – Hiện thực hóa thế giới không amiăng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phillip Hazellton, điều phối viên chiến dịch loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng (APHEDA tại Việt Nam) cho biết, Hội nghị Công đoàn châu Á trong ngày 2 - 3/4/2019 gồm 12 nước tham gia (Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Campuchia, Lào, Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Nepan và Australia) diễn ra tại Kathamandu (Nepal) nhằm cập nhật về amiăng trên phạm vi toàn cầu. Với chủ đề “Hiện thực hóa thế giới không amiăng”, Hội nghị đã bày tỏ sự khen ngợi và hoan nghênh phong trào công đoàn và Chính phủ Nepal đã thành công trong việc triển khai lệnh cấm tất cả các dạng của amiăng vào năm 2015; tán thành thông cáo từ cuộc họp Jakarta 2018 và thống nhất các nội dung: cùng lên án những cái chết vô nghĩa do việc liên tục sử dụng amiăng trắng trong khi có những lựa chọn thay thế an toàn hơn; ngành công nghiệp amiăng tiếp tục lên án và sử dụng luận điệu nhằm xuyên tạc bằng chứng về tác động chết người lên sức khỏe con người, thậm chí bóp méo thông tin và vị trí của WHO hay ILO . Hội nghị yêu cầu không trì hoãn cải cách hệ thống bầu cử tại Công ước Rotterdam, cải cách Điều 22 để cho phép 75% phiếu bầu là đủ để đưa một hóa chất vào danh sách; đưa amiăng trắng vào danh mục hóa chất nguy hiểm tại COP 9 năm 2019; cải thiện việc chẩn đoán và bồi thường cho công nhân và hơn 200.000 nạn nhân của các bệnh liên quan đến amiăng hàng năm. Đồng thời cam kết tổ chức các chiến dịch và hành động quốc gia để thúc đẩy loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng theo khuyến cáo của WHO và ILO; yêu cầu tất cả các quốc gia ngừng sử dụng vật liệu có chứa amiăng trắng và amiăng trắng; kêu gọi Chính phủ các nước trong khu vực thúc đẩy các công việc bền vững trên nguyên tắc sức khỏe, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi sản xuất sang những vật liệu an toàn hơn. |
Thành Trung