Hơn 90% dân số toàn cầu bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí
Sản xuất công nghiệp tăng mạnh dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
Nghiên cứu của WHO cung cấp dữ liệu chất lượng không khí từ hơn 6.000 thành phố và thị trấn ở 117 quốc gia. Tổ chức y tế của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, phát hiện này rất đáng báo động và nêu bật tầm quan trọng của việc nhanh chóng hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong báo cáo cách đây 4 năm, WHO phát hiện ra hơn 90% dân số toàn cầu bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, kể từ đó tới báo cáo mới nhất, WHO đã siết chặt các giới hạn về vấn đề này.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: “Những lo ngại về năng lượng hiện nay nêu bật tầm quan trọng của việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng sạch hơn, lành mạnh hơn. Giá nhiên liệu hóa thạch cao, an ninh năng lượng và sự cấp bách của việc giải quyết các thách thức sức khỏe kép là ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, nêu bật nhu cầu cấp bách phải tiến nhanh hơn tới một thế giới ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch".
Báo cáo cung cấp dữ liệu về nồng độ của các hạt vật chất nguy hiểm có đường kính từ 2,5 đến 10 micromet (PM10) và các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5). PM2.5 bao gồm các chất độc như sunfat và carbon đen, gây nguy cơ sức khỏe lớn nhất vì có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ tim mạch. Lần đầu tiên, báo cáo công bố ngày 4.4 của WHO cũng cung cấp kết quả các phép đo trên mặt đất về nồng độ trung bình hàng năm của nitơ điôxít (NO2) - chất gây ô nhiễm đô thị phổ biến có liên quan đến các bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn.
Báo cáo của WHO chỉ ra, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm dạng hạt tồi tệ hơn nhiều ở các nước nghèo hơn nhưng hầu hết các thành phố trên thế giới đều phải đối phó với nitơ điôxít. Trong khi không khí ở 17% thành phố thuộc các quốc gia có thu nhập cao có ngưỡng PM2.5 hoặc PM10 dưới mức tiêu chuẩn của WHO về chất lượng không khí thì chưa đến 1% thành phố ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đạt ngưỡng khuyến nghị. Trong số khoảng 4.000 thành phố ở 74 quốc gia đã thu thập dữ liệu NO2, các phép đo cho thấy 23% người dân hít thở khí có nồng độ trung bình hàng năm đáp ứng các mức trong hướng dẫn cập nhật gần đây của WHO.
HOÀNG HẢI