Hưng Yên: Dự án gần 200 tỷ đồng thi công “ẩu” gây ô nhiễm môi trường
Bùn thải được tập kết dọc chiều dài khu vực thi công bốc lên mùi hôi thối, khó chịu.
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện chuyên đề: “Thực trạng môi trường xây dựng – Góc nhìn từ dự án công”, qua phân tích, nghiên cứu, đánh giá và khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, để minh chứng cụ thể cho chuyên đề, tòa soạn Sức khỏe & môi trường, nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Chỉ Đạo, huyện Vân Lâm, tỉnh Hưng Yên về việc: Nhà thầu thi công dự án sử dụng vật liệu san lấp không đúng quy định, thi công “ẩu” không đảm bảo chất lượng, gây bụi bẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho người dân mỗi khi di chuyển qua khu vực dự án…
Qua tìm hiểu, được biết dự án là công trình giao thông cấp II, có chiều dài tuyến hơn 8,8km, chiều rộng mặt đường 11m, tổng vốn đầu tư 195 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 1080 ngày, do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông - Xây dựng tỉnh Hưng Yên làm chủ đầu tư và liên doanh hai nhà thầu là Công ty TNHH Kim Hưng, Công ty TNHH Minh Hoàng thi công.
Mỗi lần các phương tiện đi qua bui bay mù mịt ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Tiếp nhận thông tin phản ánh trên, ngày 21/4/2022, phóng viên (PV) có mặt tại công trường để khảo sát thực địa cho thấy, những phản ánh trên của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Theo ghi nhận tại công trường, khu vực đang thi công cách UBND xã Chỉ Đạo không xa, khoảng hơn 100m, tuyến đường thi công rất hẹp, nhưng có nhiều phương tiện giao thông qua lại. Tuy nhiên trong quá trình thi công nhà thầu để ngổn ngang vật liệu thi công như: đá hộc, cọc tre, ống cống, bùn được múc lên từ kênh mương cũng tập kết ngay dưới lòng đường khiến người dân và chủ phương tiện giao thông qua đây phải “ngao ngán lắc đầu”.
Một người dân xã Chỉ Đạo bức xúc: “Từ khi tỉnh Hưng Yên có chủ trương nâng cấp, cải tạo tuyến đường này, nhân dân chúng tôi rất phấn khởi vì đây là tuyến đường lưu thông quan trọng. Nhưng trong quá trình thi công, đơn vị thi công không đảm vệ sinh môi trường, khiến mỗi lần đi qua đây cảm giác như bị tra tấn bởi mùi hôi thối của bùn và bụi bẩn. Công trường không có công nhân quét dọn vệ sinh, không có xe tưới nước dập bụi, mỗi lần xe tải đi qua cuốn theo khói bụi gây ô nhiễ..”
Bùn phơi khô ít ngày được công nhân tận dụng đưa vào san lấp liệu có đảm bảo chất lượng.
Cũng theo một người dân “Kiểu thi công ẩu này chứng tỏ đơn vị thi công đã xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người dân. Đường họ đào lên để múc bùn, đất, chở đi tạo thành một hố sâu, nhưng họ không cắm cọc tiêu và căng dây để cảnh báo. Ban ngày, người đi đường có thể quan sát để tránh nhưng vào buổi tối, không có rào chắn hay có đèn chiếu sáng nên rất nguy hiểm”.
Qua quan sát, cũng tại khu vực thi công nhưng ở vị trí phía dưới, PV ghi nhận có 2 chiếc xe tải biển số 89C 198.94, 89C 224.69 gắn logo Công ty Kim Hưng đang vận chuyển bùn, đất đã được phơi trước đó xuống khu vực trước nhà hàng lẩu và nướng để san lấp mặt bằng. Liên quan đến việc này, PV đã hỏi một cán bộ đang thi công tại công trường, anh cho biết: “Bùn, đất chúng tôi múc lên sẽ tập kết và phơi khô vài ngày, sau đó chúng tôi vận chuyển xuống các vị trí cần san lấp để bồi đắp thi công”. PV hỏi thêm : “Nếu tôi có nhu cầu mua một ít bùn, các anh có bán không?” Vị cán bộ thi công liền trả lời ngay rằng: “Các anh mua thì các anh tự chuẩn bị phương tiện, tôi lấy giá 200.000đ – 250.000đ/1 xe, chở lúc nào cũng được”…
Máy múc vừa múc bùn lại quay sang múc vữa vẫn còn dính nguyên bùn trên gầu.
Tại điểm thi công trước cửa công ty bán vật liệu xây dựng, một máy xúc nhãn hiệu Kobelco đang tiến hành múc bùn thải lên ô tô và với gầu rất bẩn dính bùn đất đó lại dùng múc vữa để phục vụ công nhân xây kè đá. Ghi nhận sự việc tại thời điểm thi công kè đá, PV nhận thấy công nhân thi công không đảm bảo kỹ thuật, không lót bê tông chân khay và không xếp đá đến đâu miết vữa đến đó để tạo sự kết dính qua các thành mạch. Thay vào đó, công nhân đặt đá trực tiếp xuống bề mặt đất, sau đó xếp hàng loạt các tảng đá đủ rộng mới đổ vữa lên phía bề mặt của đá. Tại thời điểm đó không có bất kỳ một cán bộ kỹ thuật, cán bộ giám sát nào có mặt tại hiện trường…
Khu vực thi công tạo một hố sâu nhưng đơn vị thi công không căng dây và cảnh báo cho người qua lại.
Để đưa tin khách quan, chiều ngày 27/4, PV có buổi làm việc với ông Vũ Thế Huy – Phó Giám đốc dự án. Ông Huy cho biết: “Trong quá trình thi công để xảy ra bụi bẩn, ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi vì tuyến đường này rất hẹp có chiều rộng 5m, người dân qua lại cũng nhiều. Nhà thầu họ phải tận dụng lề đường để tập kết bùn, đất. Tuy nhiên chúng tôi cũng có bố trí biển cảnh báo, có lẽ trong quá trình thi công các vị trí công nhân họ xê dịch chỗ này, chỗ khác”. Khi PV đề cập đến việc lượng bùn múc lên từ mương tập kết bên lề đường sẽ được xử lý như nào? Ông Hà Hải Nam – Trưởng phòng quản lý dự án cho biết: “Trong phương án thi công cho phép tận dụng đất dư thừa có chọn để đắp taluy, bùn, đất múc lên từ mương sẽ phơi cho ráo nước rồi chuyển vào các điểm đổ đã quy định.
Được biết, để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Hưng Yên đã đầu tư, triển khai thực hiện dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp tuyến đường 385 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại an toàn, thuận lợi cho người dân và kết nối các tuyến đường trong khu vực. Đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thu hút đầu tư vào địa bàn Văn Lâm nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung.Tuy nhiên, việc người dân sống gần dự án đang hàng ngày phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất ATGT do nhà thầu thi công mang lại, đó là điều các cơ quan chức năng cần xem xét.
Ông Vũ Thế Huy – PGĐ Ban quản lý dự án, ông Hà Hải Nam- Trưởng phòng dự án trao đổi với phóng viên chiều ngày 27/04/2022.
Quá trình thi công, xây dựng, nhà thầu để xảy ra những tồn tại, bất cập, dư luận đặt câu hỏi: Vai trò của đơn vị tư vấn giám sát ở đâu khi để xảy ra những sự việc như trên mà không có sự ngăn chặn, nhắc nhở ?
Để dự án được triển khai đúng quy định của pháp luật, vốn đầu tư công được sử dụng hiệu quả, minh bạch, đặc biệt để đảm bảo sức khỏe và môi trường sống cho người dân, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên cần sớm vào cuộc kiểm tra quá trình triển khai thực hiện dự án trên và nếu có sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới.
Nhóm PV