Hưng Yên: Hàng loạt cơ sở thu gom, tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường tại huyện Khoái Châu
Vừa qua, đường dây nóng của Sức khỏe và Môi trường điện tử, liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm, lấn chiếm đất hành lang bảo vệ sông và sử dụng trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn 2 xã Hồng Tiến và Đồng Tiến, thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Qua phản ánh, thì tình trạng trên đã diễn ra nhiều năm nay, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh. Nhưng chính quyền sở tại không xử lý triệt để. Dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhiều người dân. Đồng thời, sự việc có hướng phát triển phức tạp, vì số hộ vi phạm ngày một nhiều.
Hàng loạt cơ sở thu gom, tái chế phế liệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và hành lang bảo vệ sông Điện Biên.
Để phản ánh thông tin một cách khách quan, PV Sức khỏe và Môi trường điện tử đã tiến hành xác minh. Qua tìm hiểu, dọc bờ sông Điện Biên, thuộc xã Hồng Tiến và Đồng Tiến, có nhiều cơ sở thu gom, tái chế phế liệu (bao nilon - PV) để tạo hạt nhựa. Nguyên liệu sản xuất được chất thành đống 2 bên vệ đê sông Điện Biên, kéo dài hàng km. Xưởng sản xuất rộng hàng trăm m2 được dựng trực tiếp trên bờ sông và đất nông nghiệp. Hoạt động khói bụi, ô nhiễm diễn ra hàng ngày.
Phế liệu tập kết hàng.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Xuân Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết, tình trạng vi phạm đã kéo dài nhiều năm nay và qua nhiều đời lãnh đạo xã. Nguyên nhân được ông Dũng đưa ra là do cán bộ thiếu kiên quyết trong việc xử lý các sai phạm trên. Qua tìm hiểu của PV, ông Dũng là cán bộ Tư pháp của xã Hồng Tiến, do hiện tại UBND xã Hồng Tiến đang trong giai đoạn kiện toàn bộ máy lãnh đạo, nên ông Dũng được bầu làm Phó Chủ tịch: "Hiện tại những sai phạm trên là rõ ràng. Do bộ máy lãnh đạo chưa được kiện toàn, nên chúng tôi chưa thể tiến hành xử lý", ông Dũng cho biết.
Cũng trong buổi làm việc, ông Dũng cũng liệt kê ra hàng loạt các cơ sở vi phạm, chủ yếu là các hộ dân tự phát. Đồng thời, ông Dũng cũng chia sẻ thẳng thắn về vấn đề bất cập tại địa phương. Nhưng việc xử lý các vi phạm kéo dài này cần có lộ trình giải quyết. "Chúng tôi cũng muốn xử lý triệt để, nhưng cũng khó. Trước mắt sẽ kiên quyết tiến hành xử lý đối với những hộ mới vi phạm, sau Chỉ thị số 02/CT- UBND, ngày 16/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên. Còn đối với những hộ vi phạm trước đó, chúng tôi sẽ thống kê danh sách, báo cáo UBND huyện để có phương án xử lý hiệu quả nhất".
Để tìm hiểu thêm về phương án xử lý đối với những cơ sở vi phạm, PV liên hệ với Phòng TNMT huyện Khoái Châu. Trao đổi với PV, ông Lê Khánh Duy - Phó phòng TNMT huyện Khoái Châu cho biết, các hộ vi phạm chủ yếu là các hộ gia đình cá nhân, nằm xen kẽ trong làng, kinh doanh phế liệu, phế thải.
Năm 2015, qua tiếp xúc cử tri, UBND huyện Khoái Châu mới tiếp nhận được phản ánh của người dân về tình trạng trên. Sau đó, UBND huyện tiến hành thực hiện chỉ đạo, xử lý phải giải tỏa các cơ sở vi phạm trước tháng 6/2016. Đến tháng 7/2016, cơ sở địa phương báo cáo đã cơ bản giải tỏa xong. Nhưng đến thời điểm hiện tại, thì các cơ sở này lại manh nha hoạt động lại.
Theo ông Duy, thì các cơ sở vi phạm đã tự ý lấn chiếm hành lang bảo vệ sông để dựng xưởng sản xuất và tập kết phế liệu. Còn việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chủ yếu xảy ra tại xã Hồng Tiến. Theo ông Duy nhận định, thì những sai phạm này xảy ra rất "kinh khủng".
Tháng 1/2018, Phòng TNMT đã tham mưu cho UBND huyện Khoái Châu, thành lập tổ công tác, chỉ đạo và xử lý vi phạm. Trong thời gian vừa qua đã tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế 10 hộ vi phạm.
Theo số liệu ông Duy cung cấp, thì hiện tại có 31 cơ sở vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, xây dựng trai phép trên đất nông nghiệp, hoạt động gây ô nhiễm môi trường. "Các cơ sở này đều không có cam kết bảo vệ môi trường", ông Duy cho biết.
Nhận định về việc các sai phạm diễn ra trong nhiều năm, có khuynh hướng phát triển xấu, ông Duy chia sẻ là do cán bộ cơ sở đã "biết" nhưng không "xử lý", hoặc là xử lý theo kiểu "cho có".
Cũng theo ông Duy, thì trên địa bàn 2 xã Hồng Tiến và Đồng Tiến sẽ không có quy hoạch làng nghề.
Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Hà Điệp