Hương Sơn (Hà Tĩnh): Đơn vị thi công Dự án nâng cấp Quốc lộ 8A gây ô nhiễm môi trường
Phố núi chìm trong bụi
Theo phản ánh của người dân ở xã Kim Sơn 1 và xã Sơn Tây cho biết, kể từ khi đơn vị thi công thực hiện dự án nâng cấp đường Quốc Lộ 8A, người dân nơi đây phải chịu ảnh hưởng bởi bụi bặm, tiếng ồn và dư chấn rung lắc.
Để tìm hiểu sự việc phóng viên đã có mặt tại công trình và bước đầu ghi nhận đơn vị thi công không thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường và bảo đảm giao thông, khiến bụi bay mù mịt, đất đá, vật liệu xây dựng bố trí ngổn ngang, không có cảnh báo nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Để công trình được đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ, thời gian này nhà thầu đang gấp rút thi công để tiến hành rải thảm nhựa. Các biện pháp như dùng máy chà mặt đường để đẩy vật liệu dư thừa, tạp chất, sau đó dùng máy thổi công suất lớn để thổi bụi mặt đường… càng gây ảnh hưởng đến môi trường dân sinh. “Mấy năm nay, gia đình chúng tôi ngập chìm trong bụi, ở trong nhà vẫn phải đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng để chống bụi, vật dụng trong nhà bụi bặm, bẩn thỉu, nhà cửa lúc nào cũng phủ bạt kín mít. Chúng tôi mong mỏi công trình hoàn thành để cuộc sống của chúng tôi được trở lại bình thường như trước”, một người dân bức xúc.
Nhà của các hộ dân luôn ở trong trạng thái phủ kín bạt
Bụi phủ kín bàn ghế
Ngoài ô nhiễm môi trường, đơn vị thi công còn để lộ nhiều vấn đề làm mất an toàn cho người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông. Một số vị trí, cống đã liền đường nhưng nắp cống không được đậy, rất dễ gây tại nạn cho người đi bộ. Một số vị trí, miệng cống đang thi công dở, hệ thống cốt thép lộ thiên, dựng đứng nhưng không có rào chắn hoặc cảnh báo nguy hiểm.
Hàng hóa của các Hộ kinh doanh biến từ mới sang cũ chỉ vì bụi
Ông Lê Đức Sơn, thôn Kim Thành, xã Sơn Tây, cho biết: “Đai thép của nắp cống đáng lẽ đậy xong thì phải đập xuống, đằng này cứ để vậy khiến nhiều cháu bị vấp ngã, riêng con tôi đã bị ngã hai lần rồi”.
Người dân cũng phản ánh về hiện tượng rung lắc do hoạt động của máy lu và máy đầm. Chị T, ở xã Sơn Tây, lo lắng: “Tôi bị bệnh tiền đình, rất hay đau đầu, mỗi lần máy lu và máy đầm hoạt động là tôi đau đầu kinh khủng, thường phải uống thuốc giảm đau hoặc phải đi đâu đó cho đến khi có việc cần mới dám về nhà”.
Trẻ em hồn nhiên chơi đùa bên miệng cống
Theo Luật sư Phạm Quỳnh Trang - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vintex, Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh, thì tại Điểm c Khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2015/TT-BGTVT, chủ đầu tư Dự án phải Tổ chức giám sát, đôn đốc nhà thầu thực thi các biện pháp quản lý, thu gom, xử lý chất thải (đặc biệt là chất thải nguy hại), các biện pháp giảm bụi, ồn, rung và các biện pháp ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn giao thông trong thi công xây dựng; định kỳ hàng tuần đánh giá sự tuân thủ môi trường của nhà thầu và lập, lưu trữ biên bản đánh giá. Cũng theo thông tư này, chủ đầu tư Dự án có trách nhiệm xử lý vi phạm của nhà thầu thi công xây dựng về công tác bảo vệ môi trường trong gói thầu theo các điều khoản của hợp đồng đã ký kết.
Quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 32/2015/TT-BGTVT quy định về bảo vệ môi trường trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 20/2017/TT-BGTVT thì: Nhà thầu thi công xây dựng phải hực hiện các biện pháp giảm bụi, ồn, rung, các biện pháp thoát nước, chống ngập cục bộ; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn giao thông trong suốt quá trình thi công.
Cũng theo Khoản 3 Điều 164 luật Bảo vệ Môi trường 2014 về Nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường quy định: Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt haijdo hành vi của mình gây ra. Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chủ đầu tư Dự án có quyền đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường khi phát hiện nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình, hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng (Theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-BXD ngày 06 tháng 02 năm 2018 của Bộ Xây dựng).
Tòa soạn Sức Khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Trung Kiên