Khánh Hòa: Phát triển nhiều kỹ thuật mới trong điều trị nhiều bệnh lý khó
Giữa tháng 1/2019, Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu thuộc BVĐK tỉnh phối hợp với bác sĩ Lê Phi Long - Phó Khoa ngoại Lồng ngực, BV Đại học Y Dược TP.HCM đã phẫu thuật thành công một số bệnh nhân ung thư phổi, tắc động mạch chủ bụng….
Bệnh nhân Lê D. (78 tuổi) trú xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), vào khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu với chẩn đoán u phổi trái. Qua khám và làm các xét nghiệm, chụp MSCT 128 lát cắt, siêu âm, sinh thiết… bệnh nhân được chẩn đoán xác định ung thư phổi trái giai đoạn 3. Ngày 3/3/2019, bệnh nhân đã được phẫu thuật mở ngực, cắt thùy trên phổi trái kèm nạo hạch có nội soi hỗ trợ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt. Hiện nay, bệnh nhân đang được khoa Ung bướu hội chẩn để có chỉ định điều trị phối hợp.
Các bác sĩ Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu thực hiện đồng thời 2 phẫu thuật trên bệnh nhân
Cũng trong đợt chuyển giao kỹ thuật này, Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu đã phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân Trần S. (60 tuổi) trú xã Ninh Sim, Ninh Hòa (Khánh Hòa). Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Ninh Hòa trong tình trạng bị đau nhức và tê nhiều ở 2 chi dưới. Thông qua chẩn đoán và các cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: tắc động mạch chủ bụng và đầu đoạn chậu 2 bên. Nguyên nhân do huyết khối, xơ vữa, vôi hóa và hẹp các nhánh mạch vành 15-24%. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ tiến hành thay đoạn động mạch chủ bụng – chậu bằng mạch máu nhân tạo. Sau mổ, mạch máu bệnh nhân lưu thông. Hiện nay, sức khỏe bệnh nhân đang hồi phục tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Ngoài 2 bệnh lý trên, Khoa đã tiến hành thực hiện thành công các ca bệnh lý khó như: phẫu thuật khối u trong lồng ngực (u phổi, u trung thất), phẫu thuật tim hở, tắc động mạch sâu tại nhiều vị trí của cơ thể… Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Như Quốc Hùng - Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu cho biết, bệnh lý mạch máu trong những năm gần đây tăng dần về số lượng cũng như mức độ phức tạp do tuổi thọ ngày càng tăng và chế độ dinh dưỡng thay đổi. Các bệnh mạch máu phức tạp xuất hiện đang là thách thức với các bác sĩ lâm sàng ngoại khoa cũng như can thiệp tim mạch. Với những bệnh nhân có bệnh mạch máu phức tạp, tuổi cao, nhiều vị trí tổn thương, việc áp dụng các phương pháp kinh điển như phẫu thuật đơn thuần hoặc can thiệp đơn thuần sẽ không mang lại hiệu quả tốt. Nguyên nhân, do phải phẫu thuật tại nhiều vị trí cùng một lúc trên bệnh nhân già yếu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bệnh nhân, có khi không thực hiện được.
Để giải quyết vấn đề trên, từ đầu năm khoa được tiếp nhận một số kỹ thuật từ tuyến trên, đặc biệt là áp dụng phẫu thuật Hybrid. Ưu điểm của phương pháp này có thể can thiệp nhiều phẫu thuật trong cùng một lúc trên các bệnh nhân có bệnh lý mạch máu phức tạp; có thể áp dụng điều trị cho nhiều vị trí tổn thương một lúc, triệt để. Phương pháp phẫu thuật Hybrid cho phép bộc lộ rõ thương tổn, giúp bác sĩ tiếp cận và xử trí được những mạch máu rất khó can thiệp như: động mạch đùi bị tắc hoàn toàn, huyết khối gây tắc trong lòng mạch. Bên cạnh đó, việc can thiệp nội mạch cho phép bác sĩ xử lý những thương tổn của mạch máu lớn và các vị trí khó, xa như động mạch chày trước, chày sau, miệng nối mạch máu cũ, nong mạch bằng bóng, đặt stentgraft… một cách nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.
Bác sĩ Lê Phi Long nhận định: “Việc các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực – Mạch máu, BVĐK tỉnh tiếp nhận được các kỹ thuật trên, giúp họ xử lý được các thương tổn phức tạp liên quan đến mạch máu, qua đó, điều trị thành công nhiều ca khó. Về phía bệnh nhân, được hưởng các kỹ thuật tuyến trên tại tỉnh, không phải tốn kém các chi phí đi xa; đồng thời, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương”. Bên cạnh việc tiếp nhận và triển khai thành công các kỹ thuật từ tuyến trên, những năm gần đây, BVĐK tỉnh Khánh Hòa trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại, qua đó, giúp bác sĩ của khoa thực hiện tốt nhiều kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật khó như nong mạch máu nhân tạo, cắt thùy phổi...
Xuân Cát