Khủng hoảng khí hậu tùy thuộc vào hai nước Mỹ - Trung Quốc
Cuối tháng 10 này tại Glasgow, Scotland sẽ diễn ra Hội nghị Khí hậu Quốc tế COP26 với nhiều mục tiêu tham vọng bảo vệ bầu khí hậu trái đất. Ngay từ lúc này đã xuất hiện những lo ngại trong dư luận quốc tế rằng quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng cao độ như hiện nay có thể gây cản trở cho những cuộc thương lượng tại thượng đỉnh khí hậu tới đây.
Tất cả mọi người đều nhận thấy, một sự đồng thuận giữa Bắc Kinh và Washington tại Glasgow sẽ tạo một cú hích thực sự để đạt được một thỏa thuận lịch sử. Theo nhiều chuyên gia, quan hệ căng thẳng Mỹ -Trung không phải là trở ngại không vượt qua được trong lĩnh vực chống hâm nóng bầu khí hậu. Trong cuộc cạnh tranh dai dẳng này, cả hai đều muốn chứng tỏ mình là cường quốc có trách nhiệm với thế giới, và đôi khi lại đua nhau hành động. Có điều theo nhà nghiên cứu Mary Nichols, thuộc Columbia University (Mỹ) thì nếu như không có thỏa thuận rõ ràng giữa Mỹ và Trung Quốc thì có nguy cơ các nước khác cũng sẽ lưỡng lự hành động hơn.
Về phía Mỹ, ngay khi bước chân vào Nhà Trắng hồi tháng Giêng năm nay, tổng thống Joe Biden đã xác định 2 ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại là ngăn chặn đà bành trướng sức mạnh của Trung Quốc và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Để làm được 2 mục tiêu này, chính quyền Biden chủ trương vừa « cạnh tranh chiến lược » vừa sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực với Trung Quốc. Ông John Kerry, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về đàm phán khí hậu đã hai lần đến Trung Quốc trong nỗ lực thuyết phục chính quyền Bắc Kinh từ bỏ các trung tâm nhiệt điện chạy than. Dù tỏ sẵn sàng hợp tác, nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị cảnh báo « không thể đặt hợp tác Trung-Mỹ về khí hậu lên trên bầu không khí chung của các mối quan hệ Mỹ-Trung ».
Nước nào cũng muốn chứng tỏ mình là tác nhân thúc đẩy tiến bộ. Đặc biệt là trong bối cảnh hình ảnh trên trường quốc tế ngày càng xấu đi vì những tham vọng thống trị thế giới thì tỏ ra tích cực bảo vệ môi trường chung toàn cầu sẽ giúp Trung Quốc lấy lại uy tín quốc tế.
Trên diễn đàn Đại hội đồng LHQ tháng trước, tổng thống Joe Biden, người đã đưa nước Mỹ trở lại với Thỏa thuận Khí hậu Paris, thông báo sẽ tăng gấp đôi khoản tiền viện trợ quốc tế cho các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, tức là Mỹ sẽ phải chi 11 tỷ USD mỗi năm cho mục tiêu chung bảo vệ bầu khí hậu. Như vậy cả hai cường quốc ít nhiều đều có thiện chí hành động trong lĩnh vực bảo vệ bầu khí hậu chung. Giới quan sát hy vọng, hội nghị COP26, dưới sự bảo trợ của LHQ là một diễn đàn đa phương để hai nước thể hiện cam kết hợp tác, gánh vác trách nhiệm bảo vệ bầu khí quyển trên tư cách là những cường quốc đồng thời cũng là hai nước phát thải lượng khí gây ô nhiễm bầu khí quyển lớn hàng đầu thế giới. Chỉ khi đó, các cuộc thương lượng khác xung quanh vấn để bảo vệ bầu khí hậu trái đất mới trở nên dễ dàng hơn.
Linh Đức