Kỳ 1: "Núi Ri không còn là núi Ri"
Núi Ri xã An Hoà rộng hơn 20.000m2 gần như biến mất sau những vi phạm của người được giao đất sử dụng với mục đích rừng sản xuất (Ảnh: Khánh Nguyễn) |
Đất rừng sản xuất là loại đất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái; chỉ được phép chuyển mục đích sử dụng theo căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất và dựa vào quyết định mục đích sử dụng đất của Nhà nước.
Quy định là vậy, nhưng thực tế tại Núi Ri xã An Hòa (Tam Dương, Vĩnh Phúc) lại hoàn toàn khác xa, một cá nhân được nhà nước giao đất rừng sản xuất tại núi Ri đã không thực hiện đúng theo quy định Luật đất đai, mà tự ý san gạt, hạ cốt nền, bán đất thu lợi bất chính từ hoạt động khai thác đất… gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Quyết định xử phạt từ năm 2018 của UBND xã An Hoà đối với ông Phạm Ngọc Lâm khi có hành vi hạ cốt, san nền tạo mặt bằng trái phép trên đất rừng sản xuất... |
Cụ thể, năm 2018, UBND xã An Hòa (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã ban hành Quyết định số 102/QĐ-XPVPHC ngày 17 tháng 12 năm 2018 về xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân ông Phạm Ngọc Lâm, sinh năm 1986 có địa chỉ tại xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương đã có hành vi vi phạm hành chính: hạ cốt, san nền, tạo mặt bằng trái phép với mục đích làm vườn, trồng cây lâu năm tại khu vực Núi Ri, thôn Hương Đình, xã An Hòa thửa đất số 277, tờ bản đồ số 33, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CL 698474, mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, chủ sử dụng Phạm Ngọc Lâm. Với số tiền bị xử phạt là 5 triệu đồng.
Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải tạo, phục hồi trả lại mặt bằng như cũ, sử dụng đất đúng mục đích được giao. Thời gian khắc phục là 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định.
Mặc dù quyết định xử phạt của UBND xã An Hòa như vậy, tuy nhiên, việc khắc phục là gần như không thể, bởi diện tích đất bị san gạt, múc đi quá lớn, núi Ri giờ như một bãi đất hoang tàn, chỉ còn lại mấp mô những mỏm đất.
Không những vậy, ngày 16 tháng 11 năm 2018, tại vị trí núi Ri, Công an huyện Tam Dương bắt quả tang 1 máy xúc đang có hoạt động múc đất lên xe ô tô. Cơ quan công an đã lập biên bản và tạm giữ phương tiện vi phạm và triệu tập những người liên quan để xác minh xử lý. Qua đó, xử phạt ông Phạm Ngọc Nhã (Chú ruột ông Phạm Ngọc Lâm chủ đất) tự ý khai thác đất bán ra ngoài với giá từ 100.000 đồng – 200.000 đồng 1 xe ô tô với số tiền phạt 15.000.000 đồng theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Riêng đối với hành vi san gạt, hạ cốt đất, làm biến dạng địa hình đất, chuyển đổi mục đích trái phép mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép của chủ đất Phạm Ngọc Lâm vi phạm trong lĩnh vực đất đai không thuộc thẩm quyền xử lý của Công an huyện Tam Dương mà thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp.
Với thực trạng “nham nhở” Núi Ri thôn Hương Đình, xã An Hòa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã bị chủ đất Phạm Ngọc Lâm xây dựng từng bao quanh, quây kín núi Ri. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng mọc lên với diện tích hàng trăm mét vuông. Thường trực có máy múc cỡ lớn và các xe ô tô tải cỡ lớn đỗ bên trong. Cá biệt, mới đây 1 công trình được cho là trạm trộn bê tông đá Base đang được lắp đặt bên trong diện tích bị san gạt của núi Ri đã bị chính quyền UBND xã An Hòa phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Với các công trình vi phạm trên đất rừng sản xuất tại núi Ri, người dân nơi đây không khỏi xót xa về một hình ảnh gắn sâu trong tiềm thức mỗi người dân một núi Ri xanh bạt ngàn, tươi tốt, nay đã “biến dạng” trở thành một tài sản riêng của cá nhân để thực hiện san gạt, múc đất, “xẻ thịt” núi Ri bất chấp quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản. Về thôn Hương Đình, xã An Hoà huyện Tam Dương hỏi núi Ri, thì ai ai cũng xót xa trả lời “núi Ri không còn là núi Ri nữa”.
Kỳ 2: Những dấu hiệu buông lỏng quản lý đất đai và hệ quả "băm nát" núi Ri ở Vĩnh Phúc