Làm báo thời công nghệ: Thấu hiểu để giữ lửa nghề
Làm gì giữa xã hội “ngập” thông tin?
Hình ảnh người đàn ông nhâm nhi ly cà phê sáng, thưởng thức hương thơm quyện với mùi giấy của tờ báo vừa “ra lò” sáng sớm đã trở nên hiếm có, nếu không muốn nói là đang dần biến mất. Giữa một xã hội mới, khi mạng xã hội, internet làm chủ gần như mọi hoạt động, thông tin được tiếp nhận qua chiếc điện thoại, một thực tại là nhiều thế hệ người làm báo đã bị bỏ lại.
Một người làm báo đã gắn bó với nghề hơn 20 năm nay từng chia sẻ rằng: "Thế hệ chúng tôi nhiều người bị bỏ lại trong sự phát triển của công nghệ". Ở đó là một cuộc cạnh tranh tốc độ giữa các báo với nhau, nhiều khi chỉ tính bằng giây, không kể tuổi tác hay kinh nghiệm, báo lớn hay báo nhỏ, mà là ai về đích trước. Trong cuộc chạy đua đó, nhiều người viết mảng "đọc chậm" gần như ngừng lại nhiều. Họ thấy mình cũ kỹ và không hợp thời nữa.
Nói có vẻ hơi quá, nhưng hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông điệp, dù cùng sở hữu một lượng thông tin như nhau. Bởi thực tế mạng xã hội có lợi thế về tốc độ lan truyền và tính năng gần như một ấn phẩm báo chí đích thực, có khả năng tiếp cận bạn đọc rất nhanh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, trong đó có tính năng “phát trực tiếp” cùng sự ra đời của nhiều “nhà báo facebook”,...
Báo chí đối diện với sự cạnh tranh từ mạng xã hội đã không còn là điều xa lạ, đặc biệt là về hiệu ứng lan truyền thông tin. Công chúng sở hữu những phương tiện nghe nhìn hiện đại, nhiều tính năng, đòi hỏi báo chí phải tìm cách thích ứng với thời cuộc để không bị bỏ lại phía sau. Nếu không tìm ra giải pháp đối mặt với thách thức, báo chí (kể cả báo điện tử) sẽ chỉ là sự lựa chọn thứ yếu so với những mạng xã hội có số lượng người sử dụng khổng lồ và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ hoạt động liên tục, cập nhật thông tin 24/24 giờ.
Vì vậy mà trong vài năm trở lại đây, thuật ngữ “nhà báo đa di năng” trở nên được ưa chuộng, các cơ quan báo chí đã hướng phóng viên đến cách làm việc “2 trong 1, 3 trong 1, thậm chí là 4 trong 1”. Thay vì chỉ chụp ảnh, quay phim, viết tin bài, phóng viên kiêm luôn việc đọc, dựng thành phẩm hoặc ít nhất là dựng thô. Đó cũng là xu hướng chung trong cách tác nghiệp của phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí hiện nay.
Công nghệ cũng giúp nhà báo tác nghiệp nhanh chóng và tiện lợi hơn
Người làm báo của kỷ nguyên thông tin
Bắt kịp xu thế chỉ là những bước đệm ban đầu, người làm báo thế hệ mới cần thấu hiểu công nghệ, để thay vì chạy sau sẽ là vượt lên ở độ chính xác, tin cậy của thông tin, giải quyết được những vấn đề của mạng xã hội đưa ra.
Công nghệ đã “nói lời tạm biệt” với những nhà báo viết kiểu "làm văn làm thơ" - kiểu viết đã ngự trị khá lâu trong hành trình làm báo của nhiều thế hệ, để chào đón những người làm báo của kỷ nguyên thông tin. Từ cách giật title, đến tóm gọn sapo, chọn lọc ý ra sao để giữ được chân người đọc, cũng là điều cần rèn luyện mỗi ngày.
Thế nhưng, điều đó vô tình khiến nhiều phóng viên thời nay không còn dành nhiều thời gian để chăm chút cho từng câu chữ trong tác phẩm của mình. Công nghệ là cản trở, nhưng cũng là cơ hội, là công cụ để người làm báo tiếp cận với kết nối với kho tàng thông tin, dữ liệu khổng lồ.
Nhưng đừng chỉ “cắm cúi” tạo dựng tên tuổi của mình trong dòng chảy của báo chí 4.0 bằng những “tin hot triệu view”, mà quên đi việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp trên không gian mạng ấy. Chính vì thế, cái tâm và đạo đức của người làm báo, thái độ trân trọng sự thật, trách nhiệm với tin tức và sự dấn thân vẫn là yếu tố cần thiết, là những giá trị cơ bản, xuyên suốt của nghề báo.
Bởi vậy, việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực báo chí giữa một nền tảng hội tụ quá nhiều “bộ óc” với kiến thức phong phú, đa dạng như mạng xã hội, như internet cần được chú trọng. Đó là một thế hệ người làm báo nhạy bén, thức thời, trách nhiệm, cầu thị, và luôn giữ vững “tâm sáng - lòng trong”. Bởi, ở thời nào, trong bất cứ nền báo chí nào, đạo đức nghề nghiệp cũng là yêu cầu tất yếu, cốt lõi.
VĂN NAM