Lũ lụt gây chết người ở châu Âu
Lượng mưa kỷ lục trên khắp Tây Âu khiến nước sông dâng cao, gây ra các đợt lũ quét cuốn trôi nhà cửa, tàn phá nghiêm trọng đường phố. Nhiều người phải trèo lên mái nhà để chờ đợi cứu hộ.
Theo thống kê từ lực lượng cứu hộ Liên bang Bỉ, tới nay đã có 9 người thiệt mạng và 4 người mất tích. Hầu hết các thành phố phía Nam của Bỉ bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt lũ lịch sử này, thiệt hại về vật chất hiện vẫn chưa thể ước tính được.
Thành phố Verviers thuộc tỉnh Liège hiện đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ 9h tối đến 6h sáng. Tuy nhiên, chưa rõ liệu lệnh giới nghiêm ở Verviers chỉ được áp dụng trong tối 15/7 hay không. Truyền thông sở tại cho biết biện pháp này đã được thực hiện để ngăn chặn nạn cướp bóc diễn ra, vì nhiều cửa hàng đã bị đột nhập trong thời gian qua.
Tại Bỉ, vùng Wallonie bị sập sau khi nước sông Vesdre dâng cao, làm ngập thị trấn phía đông và buộc hơn 1.000 hộ gia đình phải sơ tán. Mưa cũng khiến giao thông công cộng bị gián đoạn nghiêm trọng. Chính quyền thành phố Liège với 200.000 người dân kêu gọi dân chúng sơ tán khỏi trung tâm thành phố vốn đang bị ngập nặng.
Trước diễn biến xấu của thời tiết và mực nước dâng cao kỷ lục tại các vùng phía Nam ỉ, Bộ Quốc phòng Bỉ đã triển khai nhiều nguồn lực kể từ tối 14/7 nhằm thực hiện công tác cứu hộ người dân đang mắc kẹt tại vùng nước lũ. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết xấu, các máy bay trực thăng cứu hộ của Bộ Quốc phòng vẫn không thể tiến hành sơ tán người dân ở các tỉnh Liège, Namur, Luxembourg và Limburg. Ngoài ra, nhiều doanh trại dã chiến đã được quân đội dựng lên để tiếp nhận người gặp nạn nghỉ đêm nếu cần thiết. Xe tăng được triển khai để dọn dẹp các con đường bị sạt lở. Trực thăng đưa những người mắc kẹt trên các mái nhà tới nơi an toàn.
Quân đội Bỉ được huy động đến 4/10 tỉnh của quốc gia này. Tình trạng ngập lụt cũng lan sang một số vùng tại Luxemburg và Hà Lan.
Để đối phó với tình trạng lũ lụt lớn đang hoành hành đất nước, Bỉ kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của Liên minh châu Âu (EU để đối phó với thiên tai đang hoành hành tại các tỉnh miền Đông đất nước. Cơ chế này cho phép kêu gọi các quốc gia khác hỗ trợ cụ thể về thiết bị, nhân sự... đồng thời có thể huy động "nhóm hỗ trợ bảo vệ dân sự châu Âu".
Đáp lại yêu cầu xin hỗ trợ của Bỉ, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin và Bộ trưởng An ninh Dân sự Pháp cho biết đã cử 40 nhân viên cứu hộ đến tỉnh Liège, cũng như một máy bay trực thăng với hai nhân viên cứu hộ. Italy và Áo cũng đã cung cấp viện trợ đáng kể. Tối 15/7, một đoàn xe gồm 23 chiếc, mỗi chiếc chở một thuyền cứu hộ và 103 lính cứu hỏa, đã rời Áo đến Liège. Italy huy động một máy bay vận tải C-130 được trang bị đầy đủ thiết bị, một máy bay trinh sát, 12 đội cứu hộ và một máy bay trực thăng để đến hỗ trợ Bỉ chống thiên tai.
Theo cơ chế đoàn kết châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) điều phối và tài trợ tới 75% chi phí vận chuyển viện trợ. Cao ủy EU về quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic nhấn mạnh EU luôn đoàn kết với Bỉ trong những thời điểm khó khăn và đưa ra những hỗ trợ cụ thể. Ông Lenarcic cũng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình đã mất người thân.
Ngoài ra, Chương trình quan sát Trái đất của châu Âu cung cấp bản đồ đánh giá các khu vực bị ảnh hưởng. Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp của EU cho biết thường xuyên liên hệ với các cơ quan chức năng của Bỉ để theo dõi chặt chẽ tình hình và phân luồng viện trợ.
Tại Đức, mưa, lũ lụt đã khiến ít nhất 42 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích khi nước lũ vẫn tiếp tục dâng, khiến nhiều ngôi nhà có nguy cơ bị sập. Hai bang Rhineland-Palatinate và North Rhine-Westphalia là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện khu vực huyện Ahrweiler của bang Rheinland-Pfalz đã ban bố tình trạng thảm hoạ.
Trong khi đó, chỉ riêng bang North Rhine-Westphalia, khoảng 135.000 hộ gia đình đang sống trong cảnh mất điện. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực sơ tán những người bị mắc kẹt trong các tòa nhà có nguy cơ bị sập. Cảnh sát cũng đã thiết lập đường dây nóng để người dân có thể báo cáo người thân mất tích, trong khi các cư dân được yêu cầu cung cấp video hoặc hình ảnh để phục vụ công tác tìm kiếm.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ đau buồn trước sự tàn phá khủng khiếp của thảm họa lũ lụt ở miền Tây nước này. Bà cũng gửi lời cảm ơn tới những tình nguyện viên và lực lượng ứng phó khẩn cấp đang có mặt tại các vùng lũ để tham gia công tác cứu hộ.
Đức Linh