Nga cấp phép cho Avifavir trong điều trị virus corona
(SK&MT) - Bộ Y tế Nga đã cấp phép loại thuốc nội địa đầu tiên, có tên gọi là Avifavir, để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới. Đây là loại thuốc chống virus SARS-CoV-2 đầu tiên được đăng ký điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở Nga. Avifavir cũng là loại thuốc kháng COVID-19 hứa hẹn nhất trên thế giới cho đến thời điểm này.
Nga bắt đầu sử dụng thuôc Avifavir điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19
Thuốc Avifavir được phát triển bởi Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - quỹ quản lý tài sản quốc gia Nga và Tập đoàn ChemRar - một nhóm đầu tư và nghiên cứu dược phẩm của Nga.
Giám đốc điều hành của RDIF Kirill Dmitriev cho biết Avifavir được phát triển và làm các thử nghiệm lâm sàng ở Nga trong thời gian ngắn chưa từng có. Điều này cho phép Avifavir trở thành loại thuốc được đăng ký kháng virus corona đầu tiên trên thế giới.
Giai đoạn cuối cùng của các thử nghiệm lâm sàng Avifavir liên quan đến 330 bệnh nhân - được Bộ Y tế Nga phê duyệt hồi đầu tháng này, đang diễn ra.
Trước đây, loại thuốc mới đã trải qua nhiều thử nghiệm lâm sàng tại Đại học Y khoa Quốc gia Moscow, Đại học quốc gia Lomonosov Moscow và các tổ chức y tế và học thuật khác.
Avifavir là thuốc kháng virus corona chủng mới trực tiếp đầu tiên của Nga đã được chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng.
Nga giới thiệu 8 loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 cho WHO.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Nga, bà Melita Vujnovich cho biết, Nga đã có đóng góp to lớn trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19. Cho đến nay, 8 loại vaccine tiềm năng được phát triển bởi các viện nghiên cứu khác nhau của Nga, đã được đăng ký với WHO. Văn phòng WHO tại Liên bang Nga sẵn sàng làm việc trực tiếp với các nhà khoa học.
Nga đã phân bổ 3,1 tỷ rúp (khoảng 43 triệu USD) từ ngân sách liên bang cho việc phát triển các hệ thống xét nghiệm và vaccine. Nga đang phát triển 47 loại vaccine khác nhau, trong đó có vaccine có triển vọng cao, đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến, vaccine có thể xuất hiện trong cuối tháng 7 và sẽ triển khai tiêm cho người dân vào tháng 8 và mất khoảng 6 - 9 tháng để kết thúc quá trình tiêm chủng toàn quốc.
Hiện có 124 vaccine tiềm năng đã được các cơ sở nghiên cứu thông báo cho WHO, đáp ứng các tiêu chí của Tổ chức này. Trong đó có 10 loại đang trong giai đoạn đánh giá lâm sàng và 114 loại ở giai đoạn tiền lâm sàng.
Linh Đức