Nghe nghệ nhân xứ trầm hương tiết lộ bí quyết kiếm tiền tỷ từ “củi khô”
Từ xa, Phú Hội 1 hiện lên với những con đường trải bê tông liên thôn, liên xã thẳng tắp, những ngôi nhà lụp xup khi xưa được thay thế bằng những căn nhà khang trang sạch sẽ. Sự đổi thay đổi đến “chóng mặt” của Phú Hội 1 có công không nhỏ của những người thợ trầm ở địa phương. Thế nhưng, dù cuộc sống nhiều thay đổi nhưng những người thợ sống dựa vào “ăn lộc rừng” vẫn luôn ghi nhớ câu ca: “Cây quế thiên thai mọc bên kẽ đá, trầm Vạn Giã hương tỏa sơn lâm” để nhắc nhở con trẻ.
Một thợ xỉa trầm đang tỉ mỉ làm việc bên sản phẩm.
Vừa đến đầu làng, đập vào mắt bạn là những thân gió bầu lớn bé đủ loại. Bên trong những cây dó bầu – sản vật ẩn chứa trầm hương. Trong làng, nhà nhà làm trầm, người người xỉa trầm, ở đây không hiếm người cả đời gắn bó với nghề đi tìm kỳ nam rồi chế tác trầm hương. Thường ngày, từ bữa nhậu giữa xóm làng đến bữa cơm gia đình hoặc lúc café sáng… họ đều nhắc đến trầm hương. Khi thì bàn luận làm trầm, lúc lại nhắc đến khâu chế tác hoặc góp ý, khen ngợi người nào đó trong nghề. Trầm hương luôn là đề tài thời sự nóng.
Người dân đang xỉa trầm từ cây dó bầu.
Theo các bậc cao niên trong làng, trầm hương và kỳ nam sở dĩ thành sản vật quý giá, đến mức có thể xem là: Thần mộc vì hương thơm của loại cây này thường đi kèm với sự xuất hiện của nữ thần Ponagar – một vị thần của người Champa. Ông Chín Điểm, người trong thôn, cho biết: “Theo nhiều truyện kể, nữ thần còn là thần Mẹ của cây trầm hương, người từng ẩn mình vào thân cây trầm và cũng hiện thân trở lại từ đó”.
Mục sở thị những “kho tàng” nho nhỏ trong thôn, các sản phẩm trầm hương đã hoàn thiện, không ít người mua và du khách tỏ ra ngạc nhiên vì sự muôn hình vạn trạng của sản phẩm. Một du khách đến từ Tp. Hồ Chí Minh vô cùng thắc mắc đặt ra câu hỏi: “Vì sao trong làng không bao giờ có 2 sản phẩm trầm hương giống nhau ? Giống như vân tay con người vậy. Trông không giống với bất cứ thứ gì, có chăng là mình liên tưởng đến hình ảnh nào mà thôi. Giá trị của tác phẩm cũng khác nhau rất nhiều!”. Quả thực, sức mạnh của tự nhiên với dòng thời gian vô tận, mưa nắng, phong sương kết hợp cùng bàn tay con người đã tạo nên những lõi trầm sở hữu hình dáng độc nhất vô nhị mang giá trị rất lớn. Có lẽ vì thế, đây cũng được gọi là: Quái mộc.
1 kho tàng trầm hương trong thôn.
Trầm hương và kỳ nam trong tự nhiên đã bị khai thác đến mức cạn kiệt. Cốt trầm là nước mắt, máu của rừng và người lao động, do đó, trong quá trình chế tác đòi hỏi phải rất cẩn thận và tỉ mỉ để tránh không phá đi hình thế trời ban của trầm. Có nhiều sản phẩm trầm hương lên tới 500 – 600 triệu đồng. Tuy vậy, nghề làm trầm được nhiều người đánh giá là dễ học, từ người lớn đến trẻ em đều có thể tham gia thực hiện. “Chỉ cần chăm chỉ học nghề là có thể làm được. 4 giai đoạn chế tác cây dó bầu gồm: Đẽo, phá xác, gạn, tỉa. 2 giai đoạn đầu cần có sức khỏe 1 chút, ngược lại, 2 giai đoạn sau lại cần phải cẩn thận, chăm chút, khéo léo đến từng đường nét nhỏ nhất mới thành được”, chị Nhung chủ một cơ sở chế biến trầm hương cho biết.
Ảnh 3: Các sản phẩm đã hoàn thiện.
Dũm trầm được xem không khác nghề thợ hoàn kim, bởi sự khéo léo của nó và giá trị của loại cây quý như vàng này. Trầm hương hoàn toàn được chế tác bằng tay từ nhiều thế kỷ qua, đến nay chưa có máy móc nào làm thay được, cũng vì hình dạng tự nhiên khác lạ, phức tạp. Cây dũm là công cụ chế tác phổ biến nhất, có chiều dài từ 10 - 15cm, tay cầm bằng gỗ, mũi sắt dài và cong hình bán nguyệt tiện cho việc thọc sâu, đi theo đường vân, loại bỏ phần gỗ tạp. Phần lõi càng hiện ra nhiều tinh chất thì giá trị càng lớn bởi đây là linh hồn của trầm hương. Do đó, chỉ những tay dũm điêu luyện, tỉ mỉ mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của lõi trầm, họ lại càng có đất dụng võ nơi đây. Đó thực sự là những nghệ sĩ gọt dũa vẻ đẹp thiên nhiên, núi rừng.
Đức Thọ - Nguyễn Cường