Ngộ độc rượu, nỗi trăn trở trong dịp Tết
Chúng tôi đã phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ hơn về tác hại của rượu và các phương pháp phòng chống ngộ độc rượu trong những ngày Tết Nguyên đán 2018 sắp tới.
Xin bác sĩ cho biết tình hình ngộ độc rượu hiện nay đang diễn ra như thế nào?
BS Nguyễn Trung Nguyên: Ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu vào viện. Trung bình mỗi ngày có từ 1 đến 2 bệnh nhân, có ngày từ 3 đến 4 bệnh nhân, tăng hơn hẳn so với thời gian trước, có thể nói là tăng một cách đột biến. Ngộ độ rượu có 2 loại, một là ngộ độc rượu ethanol tức là rượu thực phẩm (rượu nấu thông thường), đó là dạng ngộ độc phổ biến nhất, với số ca nhập viện nhiều nhất.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về phương pháp phòng chống rượu trong ngày Tết.
Còn dạng thứ hai ít hơn nhưng cực kì nguy hiểm và có xu hướng tăng so với những năm trở lại đây, đó là ngộ độc rượu methanol, tức là rượu pha từ cồn công nghiệp. Loại ngộ độc này rất nặng, tỉ lệ tử vong rất cao. Số trường hợp bị ảnh hưởng bởi rượu đến nay chưa thể thống kê hết vì có nhiều trường hợp nhầm lẫn với các bệnh khác. Về cơ bản nguồn rượu methanol trên thị trường hiện nay là từ sản xuất công nghiệp. Rượu methanol là loại rượu trắng không có nhãn mác, không ai dám đảm bảo về chất lượng và giá rất rẻ.
Theo bác sĩ, vì sao ngộ độ rượu nhất là rượu Methanol lại đang có xu hướng gia tăng như vậy?
BS Nguyễn Trung Nguyên: Nguyên nhân là do hiện nay, người Việt Nam uống quá nhiều rượu, uống ở mức kinh khủng! Lượng rượu tiêu thụ hàng năm đang tăng lên và tình trạng uống bia cũng rất nhiều; khắp nơi, chỗ nào cũng thấy tụ tập để uống rượu, bia. Những năm gần đây kinh tế phát triển, đối tượng uống rượu nhiều hơn, nhiều hơn ngày xưa...
Lời khuyên của bác sĩ để ngăn ngừa, tránh tình trạng ngộ độc rượu trong ngày Tết?
BS Nguyễn Trung Nguyên: Trong ngày Tết, hãy biết lựa sức mình, biết người biết ta, uống vừa đủ, tránh việc uống quá nhiều, bị chuốc say. Biết nói lời từ chối khéo léo khi cần thiết tránh việc bị chuốc say. Không nên uống bia rượu khi bụng còn đói, điều này rất dễ khiến bạn bị say và dễ bị đau dạ dày.
+ Để giải rượu chúng ta có thể dùng các thực phẩm từ thiên nhiên như: Nghiền nát khoảng nửa lon đậu xanh hạt hoặc đậu đen, sau đó hòa vào nước sôi để nguội rồi cho người ngộ độc rượu uống để nôn mọi chất trong dạ dày ra khỏi cơ thể.
Sau đó có thể cho người ngộ độc ăn cháo gạo nấu với 30g cam thảo là cách giải rượu bia hiệu quả.
+ Giải rượu bằng nước ép rau muống
Uống nước ép rau muống cũng chữa được ngộ độc rượu. Rửa sạch 500g rau muống tươi (loại rau sạch) giã nát, vắt lấy nước uống nhiều lần trong ngày sẽ giải được ngộ độc và khỏi say rượu.
+ Giải rượu bằng nước bưởi
Ăn bưởi hoặc uống nước bưởi ép cũng có tác dụng làm tỉnh rượu và giải ngộ độc rượu.
Bác sĩ có thể cho biết cách nào để sơ cứu bị ngộ độc rượu bia?
BS Nguyễn Trung Nguyên: Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn.
+ Nên uống nhiều nước tránh mất nước: Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh. Có thể cho uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.
+ Khi ngộ độc rượu không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, mật ong hoặc chích lể vì có hại, dễ bị nhiễm trùng.
+ Không để bệnh tắm ngay vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp.
Cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau:
+ Bệnh nhân nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu.
+ Lay gọi không tỉnh sau 2-3 giờ.
+ Vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu.
+ Co giật. Thở chậm, thở không đều, tím tái.
Vâng, xin cảm ơn bác sĩ./.
PV