Nguồn nhân lực trong doanh nghiệp: Đòn bẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Quản lý nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Việt Nam hiện nay đang là vấn đề “nóng” đặt ra cho chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nhà đầu tư các nước, cơ quan quản lý… Các KCN, CCN của Việt Nam đang để lộ điểm yếu về quản lý nguồn nhân lực, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường khi có vấn đề phát sinh. Việc quản lý nguồn nhân lực có ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, tinh thần và năng suất lao động nên đây là một chuỗi các hoạt động liên tiếp, ảnh hưởng qua lại với nhau. Xoay quanh câu chuyện về quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các KCN, CCN, hôm nay (6/7), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI tổ chức Tọa đàm “Quản lý nguồn nhân lực trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng và giải pháp”.
Quang cảnh Tọa đàm.
Buổi tọa đàm trao đổi xoay quanh 3 nội dung chính gồm: Các giải pháp liên quan nâng cao chất lượng nguồn lao động trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT); Các vấn đề liên quan đời sống vật chất văn hóa tinh thần của người lao động; Vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động làm sao duy trì sản xuất mà không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Vấn đề liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp để có sự thích ứng tạo nên nguồn nhân lực đầu vào có chất lượng tốt. Được biết, năm 2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thành lập Tổ công tác gắn kết doanh nghiệp. Thành viên là lãnh đạo các cục vụ và đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoạt động tích cực đến nay, liên quan vấn đề rà soát thể chế cơ chế chính sách, tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
TS Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Hiện nay, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa hài lòng là vấn đề chúng tôi trăn trở. Trong định hướng phát triển sắp tới của giáo dục nghề nghiệp vấn đề gắn kết doanh nghiệp là yếu tố trọng tâm”. Đồng thời ông Hùng khẳng định, đào tạo để dành cho chính doanh nghiệp nên câu chuyện nhà trường và doanh nghiệp phải là một chứ không tách bạch như hiện nay.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Phạm Hồng Điệp cho biết, hiện vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong KCN, KKT có hai áp lực. Thứ nhất, sự kết hợp doanh nghiệp và nhà trường bản chất không có cơ chế. Trong khi, doanh nghiệp rất cần nhà trường đem học sinh đến thực tập hoặc đào tạo tại doanh nghiệp. Nhưng ở đây, quy định, quy chế được đưa ra vẫn là giáo trình đào tạo theo lý thuyết cũ. Điều này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Điệp cho biết, Khu công nghiệp rất cần học sinh, sinh viên đến học tập thực tế tại các doanh nghiệp.
“Chúng tôi là những người đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư vào trong KCN. Khi tuyển lao động thì 100% phải đào tạo. Ví dụ, các trường đại học, khi học khoa kỹ thuật công nghiệp mà không đưa ra được chương trình đào tạo để các kỹ sư có thể đọc được bản vẽ thì điều này là vô lý”, ông Điệp cho biết.
Thứ hai, nguồn nhân lực cần kỹ năng về sức khỏe nhưng kỹ năng về thể chất rất hạn chế. Tiếp đó, một việc đơn giản nhất là kỹ năng tin học văn phòng như: excel, word và đào tạo các phần mềm trong doanh nghiệp thì nhà trường lại coi nhẹ và coi việc đó học sinh phải học ở ngoài. Như vậy, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là một thực trạng của nguồn nhân lực bây giờ. Ông Điệp nhấn mạnh: “Và lỗi ở đâu thì các nhà quản trị và các cơ quan chức năng phải xoáy vào đó. Chúng tôi làm doanh nghiệp, chúng tôi cần chính sách cởi mở để đưa xuống các doanh nghiệp và các trường đào tạo”.
Khoa Cảnh sát Môi trường tổ chức kiến tập thực tế cho học viên chuyên ngành tại KCN Nam Cầu Kiền.
Tại tọa đàm, những đề xuất về các cơ chế liên quan về sự kết hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo phát triển nguồn nhân lực cũng được đưa ra. Không chỉ tập trung vào những đối tượng lao động trẻ tuổi, nguồn lao động đầu vào, việc tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho đội ngũ quản lý, những người đã có một thời gian, kinh nghiệm làm việc tại KCN cũng cần được chú trọng. Nếu như có thể cung cấp nhiều hơn nữa cơ hội đào tạo ngoại ngữ cho họ, nhất định có thể nâng cao năng lực ngoại ngữ của nguồn nhân lực quản lý tại địa phương, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực quản lý của doanh nghiệp.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ trong quy trình làm việc một cách nhanh chóng và rất mạnh mẽ. Do đó, để vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch vừa duy trì công tác đào tạo nâng cao chất lượng của nhân lực tại các KCN, KKT. Các lợi điểm của đào tạo trực tuyến qua các ứng dụng như Zoom tại doanh nghiệp cụ thể là: Chi phí đào tạo thấp do không mất chi phí triển khai; Thời gian linh hoạt phù hợp với lịch sản xuất và nhân viên và người học không cần tập trung học nguyên ngày; Nhiều giảng viên có thể tham gia giảng dạy khóa học nâng cao tính đa dạng; Các hoạt động tương tác dễ dàng có nhiều thời gian hơn; Ghi hình toàn bộ chương trình giảng dạy và sử dụng lại tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, lao động là lực lượng nòng cốt, là xương sống của mỗi doanh nghiệp, một doanh nghiệp phát triển phải có những lao động có tay nghề cao. Do đó cần hơn nữa sự quan tâm từ các Bộ, cơ quan có liên quan có những giải pháp tháo gỡ khó khăn do sự chênh lệch kỹ năng, kiến thức của người lao động mới chỉ nằm trên lý thuyết với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp tại các KCN, KKT.
Đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại, khi đó các KCN, KKT sẽ là tấm khiên chắn an toàn bảo vệ người lao động trước dịch bệnh, đồng thời tạo ra sức đề kháng cho nền kinh tế nước nhà từ đó có thể hoàn thành tốt “mục tiêu kép” vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
BÍCH NGA