Nguy cơ mất an toàn từ cẩu tháp dự án Starup Tower
Hiểm họa lơ lửng!
Cụ thể tại dự án “Starup Tower” tại số 91 Ngọc Đại, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) một trục tháp chốc chốc lại vươn sải tay quét nửa vòng tròn quanh nhà dân.
Theo giấy phép xây dựng dự án mà phóng viên có được, dự án Starup Tower được cấp giấy phép xây dựng số 98 ngày 17/8/2017 cho Công ty cổ phần Kiến trúc đô thị Nam Thăng Long. Đây là công trình Nhà ở chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại nhà trẻ. Chiều sâu công trình là 12,8 mét. Diện tích xây dựng tầng 1 là 1.192m2. Tổng diện tích sàn xây dựng là 36.080m2 phần thân. Chiều cao công trình từ vỉa hè tới mái là 106,25m2, bao gồm 28 tầng + tầng áp mái (không bao gồm tầng kỹ thuật và tầng tum) và 1 tầng hầm.
Theo đó, dự án Starup Tower được khởi công xây dựng vào ngày 25/08/2017 việc cần cẩu trục tháp hoạt động hướng ra phía đường gây nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Anh H.L, người dân thuê trọ tại ngách 63/22 Đại Mỗ chia sẻ: “Cần cẩu trục tháp hoạt động nguy hiểm quá, mấy lần rơi vật liệu xây dựng xuống mái nhà dân nhưng vẫn còn đỡ vì không có ai bị làm sao, khu dân cư này toàn người già và trẻ con nên chẳng may có sự cố gì thì người dân, sẽ không thể xoay sở kịp”.
Tháp cẩu chỉ cách nhà dân khoảng 3 đến 4m, theo người dân thì thi thoảng VLXD vẫn tự do rơi xuống.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, cần cẩu trục tháp của dự án này đang hoạt động quay vào phía khu dân cư. Trên cẩu đang vận chuyển một thùng dùng để đựng vật liệu xây dựng xuống, phạm vi của dây cẩu này đã vượt ra khỏi tường bao của công trình. Một điều đáng chú ý là đây khu dân cư, quanh dự án lại không có bất cứ một biển báo chỉ dẫn nguy hiểm nào để người dân chú ý hơn.
Thông tin từ người dân cho biết, chiếc cẩu tháp thi công của dự án Starup Tower được lắp đặt cách mái nhà của các hộ dân chỉ 3 đến 4m. Nhiều lần vật liệu xây dựng từ tháp cẩu này văng xuống làm hư hỏng thiết bị ngoài trời khiến dân địa phương vô cùng bức xúc. Không chỉ sống trong nỗi lo tháp cẩu rơi xuống người dân nơi đây còn ngày ngày chứng kiến cảnh sụt lún khiến tường nhà một số hộ bị sụt lún. Ông Nguyễn Quang Hiển - Thanh tra xây dựng phường Đại Mỗ cho biết: Lúc mới thi công phần móng của dự án thì cũng có một số hộ dân kiến nghị vì bị sụt móng và nứt tường nhà, khả năng quản lý của phường chỉ có khả năng giải quyết nhưng vấn đề như kiểm tra xem dự án có tuân thủ kết cấu, số tầng theo bản vẽ và trong quá trình thi công có đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo môi trường hay không. Còn việc kiểm tra hoạt động của tháp cẩu thì thuộc đơn vị khác phụ trách.
Hậu quả nhãn tiền!
Đã có nhiều vụ tại nạn nghiêm trọng đã xảy ra liên quan đến hoạt động của các cẩu tháp trên. Ngày 20/8/2018 tại dự án Tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ tại (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) khi đang thi công thì một sợi dây cáp của cẩu trục bị đứt do quá tải, nhiều vật liệu xây dựng từ trên cao rơi xuống khu nhà điều hành và nhà giới thiệu sản phẩm của dự án nằm sát với lề đường. Sự việc khiến 1 người bị thương nặng.
Chân tháp cẩu cũng không cách xa nhà dân là mấy.
Trước nguy cơ mất an toàn do cẩu tháp gây ra, các ngành chức năng và UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều quy định cùng các văn bản như: Quy trình kiểm tra chất lượng các thiết bị thi công tại công trường (trong đó có cẩu tháp), Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND thành phố về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng, vận hành cẩu tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Trong đó nêu rõ, trong quá trình thi công, nhà thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình, quy phạm về lắp dựng, vận hành, bảo trì cẩu tháp; trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động… Chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng, tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện sự cố gây mất an toàn, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn…
Theo quy định của Tp. Hà Nội, các công trình có vùng hoạt động của cẩu tháp vượt ra ngoài phạm vi công trình, có nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của nhân dân, chỉ được hoạt động từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau. Và phải có hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận đa phần các đơn vị thi công vẫn cố tình phớt lờ những quy định về an toàn trong quá trình thi công. Các cần trục vẫn tự do hoạt động vào các khung giờ cao điểm, tự ý vận chuyển vật liệu lên cao, vươn cẩu tháp ra các tuyến đường nơi có dân cư sinh sống.
Để giảm thiểu các sự cố gây mất an toàn do cẩu tháp tại các công trình xây dựng, bảo đảm an toàn cho người dân. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận hành thiết bị cẩu tháp của các nhà thầu có tuân thủ theo đúng quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn. Nhất là những chiếc cẩu tháp hoạt động tại khu vực đô thị, nơi đông dân cư, sát đường phố bảo đảm an toàn lao động. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân, chỉ huy công trường, cán bộ giám sát thi công không tuân thủ các quy định về an toàn trong thi công.
PV