Nhiệt độ bầu ướt và sự an nguy với con người
Nhiệt độ bầu ướt là gì?
Nhiệt độ bầu ướt là sự kết hợp giữa nhiệt độ không khí cực cao và độ ẩm cao - về bản chất, chính là thước đo tình trạng sốc nhiệt đối với con người, về cảm giác oi bức, căng thẳng khi nhiệt độ, độ ẩm tăng cao tác động đến sức khỏe.
Nhiệt độ bầu ướt được đo bằng nhiệt kế được bọc trong vải cotton đã ngâm trong nước. Nếu độ ẩm của không khí xung quanh dưới 100%, một phần nước từ vải sẽ bốc hơi và làm mát nhiệt kế. Nhiệt độ thấp hơn này gọi là nhiệt độ bầu ướt và không thể vượt quá nhiệt độ khô.
Nhưng trong môi trường có độ ẩm cao hơn, lượng nước bốc hơi khỏi vải sẽ ít hơn vì không khí đã bão hòa. Nhiệt kế không thể hạ nhiệt nhiều, do đó nhiệt độ bầu ướt sẽ gần với nhiệt độ khô. Độ ẩm càng cao, nhiệt độ bầu ướt càng cao và ngược lại.
Nhiệt độ bầu ướt và sự an nguy với con người |
Mức nguy hiểm của nhiệt độ bầu ướt
Nhiệt độ bầu ướt hữu ích để hiểu thời tiết nóng ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào vì quá trình bốc hơi tương tự xảy ra khi chúng ta đổ mồ hôi.
Con người vốn là sinh vật hằng nhiệt, sẽ điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể bằng cách đổ mồ hôi. Đổ mồ hôi giúp con người giảm khoảng 80% nhiệt trong cơ thể. Nhưng nếu nhiệt độ bầu ướt cao, chúng ta sẽ khó đổ mồ hôi, khiến nhiệt độ cơ thể tăng dần và quá nhiệt.
Nếu chúng ta không thoát khỏi điều kiện này và tìm cách hạ nhiệt, cơ thể chúng ta sẽ vượt quá giới hạn sống sót và các cơ quan nội tạng bắt đầu suy yếu.
Nhà khoa học về khí hậu Matthew Huber (Mỹ) cho biết nếu nhiệt độ bầu ướt cao quá mức cho phép sẽ giống như ai đó quấn một chiếc áo khoác len quanh bạn vào giữa mùa Hè. Một khi bạn mất khả năng tự làm mát thì sức khỏe của bạn sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng.
Một nghiên cứu lý thuyết được công bố vào năm 2010 ước tính rằng nhiệt độ bầu ướt tối đa mà cơ thể con người chịu được là 35 độ C (tương đương 35 độ C ở độ ẩm 100%; 40 độ C ở độ ẩm 75%; hoặc 46,1 độ C ở độ ẩm 50%) - giới hạn để một người khỏe mạnh có thể sống sót trong vòng 6 giờ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Đại học Penn State (Mỹ) vào năm 2022 đã thực hiện một thử nghiệm thực tế và phát hiện ra rằng ngưỡng thực sự mà cơ thể con người có thể chịu đựng được thấp hơn nhiều - chỉ khoảng 31,5 độ C nhiệt độ bầu ướt - ngay cả với những người trẻ, khỏe mạnh. Ngưỡng giới hạn đối với những người lớn tuổi, những người dễ bị tổn thương do nhiệt thậm chí còn thấp hơn.
Điều này khiến các nhà khoa học khí hậu vô cùng lo ngại về nguy cơ số người phải đối mặt với sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm có khả năng gây chết người trên toàn thế giới sẽ cao hơn rất nhiều so với những dự đoán trước đây.
Biến đổi khí hậu và nhiệt độ bầu ướt
Một câu hỏi quan trọng là nhiệt độ tăng lên do biến đổi khí hậu có tương quan như thế nào với sự gia tăng các cực trị của nhiệt độ bầu ướt?
Matthew Huber cho biết: "Nếu thế giới ấm lên khoảng 1 độ C thì nhiệt độ bầu ướt tối đa có thể xảy ra ở hầu hết các nơi trên thế giới cũng sẽ tăng thêm khoảng 1 độ".
Trong khi đó, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cảnh báo hành tinh đang trên đà nóng lên một cách thảm khốc từ 2,5 độ C đến 2,9 độ C trong giai đoạn từ nay đến năm 2100.
Biến đổi khí hậu cũng có thể khiến nhiệt độ ướt nguy hiểm kéo dài hơn. Một nghiên cứu năm 2020 trên Tạp chí Tiến bộ Khoa học phát hiện ra rằng thay vì chỉ kéo dài trong 1 giờ, nhiệt độ ướt nguy hiểm có thể kéo dài trong 6 giờ hoặc hơn vào năm 2060, có thể giết chết bất kỳ ai không thể tránh nắng.
Những khu vực có nguy cơ cao nhất về nhiệt độ bầu ướt nguy hiểm là các vùng nhiệt đới có độ ẩm cao, đặc biệt là những vùng dọc theo vành đai gió mùa. Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và khu vực Sahel của châu Phi được coi là những khu vực rủi ro chính.
Một số vùng nhỏ trên thế giới đã từng trải qua nhiệt độ bầu ướt chết người. Nhưng những điều kiện khắc nghiệt này chỉ kéo dài 1-2 giờ nên tránh được hậu quả nghiêm trọng.
Chẳng hạn, thành phố Jacobabad ở Pakistan - một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất, với nhiệt độ mùa Hè thường xuyên ở mức trung bình là 37 độ C - đã vượt quá nhiệt độ bầu ướt 35 độ C ít nhất 4 lần.
Một số thành phố khác như La Paz (Mexico); Port Hedland (Australia) và Abu Dhabi (UAE) cũng đã chứng kiến nhiệt độ bầu ướt tối đa vượt quá 32 độ C trong thời gian ngắn.
Thế giới đang chứng kiến các đợt nắng nóng-sóng nhiệt ngày càng trở nên tồi tệ hơn nhiều lần so với bất kỳ hình thái thời tiết khắc nghiệt nào khác do biến đổi khí hậu. Sự kết hợp chết người giữa độ ẩm cao và nhiệt độ cao có nghĩa là một số nơi trên Trái đất sẽ trở nên quá nóng để sinh sống, buộc hàng triệu người phải rời bỏ quê hương của mình di cư tìm nơi ở mới để sống sót./.