Những chìa khoá để thế giới chấm dứt đại dịch COVID-19
Khi làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta đang giảm mạnh và các ca nhiễm COVID-19 mới đã giảm hơn 1/3 kể từ đầu tháng 9, cơ hội trở lại bình thường đang trong tầm tay, cho dù không được đảm bảo.
Trước hết, chúng ta phải chấp nhận rằng COVID-19 vẫn tồn tại trong tương lai gần. Chính sách “Zero COVID” không còn hiệu quả, vì ngay cả New Zealand gần đây ban hành lệnh phong toả toàn quốc chỉ vì một ca nhiễm duy nhất, cũng thừa nhận như vậy.
Chúng ta cũng nên thừa nhận hai thực tế: Thứ nhất, không chắc ta sẽ chứng kiến virus đột nhiên trở nên ít gây chết người hơn. Trên thực tế, các đột biến mới có thể tạo ra các biến thể dễ lây lan hơn và độc hại hơn. Thậm chí còn tệ hơn nếu các biến thể như vậy tránh được sự bảo vệ của các loại vaccine hiện có; Thứ hai, mặc dù chúng ta cần tiếp tục cố gắng đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng đại trà, thế giới sẽ không thể sớm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm xuống mức rất thấp.
Tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, đã nói rằng Mỹ nên đặt mục tiêu dưới 10.000 ca mắc mới mỗi ngày. Điều đó thật tuyệt vời, nhưng trên thực tế, các chuyên gia khác cho rằng Mỹ khó có thể duy trì được mức đó khi chỉ có khoảng 57% người dân được tiêm chủng đầy đủ; thiếu ý chí chính trị để áp dụng bắt buộc đeo khẩu trang trở lại, cộng với mùa Đông tới sẽ khiến mọi người ở trong nhà nhiều hơn. Nhưng đây là tin tốt: Bất chấp những thực tế đó, chúng ta có thể biến COVID-19 từ một cuộc khủng hoảng sinh tồn thành vấn đề có thể kiểm soát được bằng các hành động chính:
Tiêm vaccine cho trẻ em
Mặc dù đúng là trẻ em nhiễm virus ít có xu hướng bị bệnh như người lớn, nhưng hàng trăm em nhỏ đã tử vong vì COVID-19. Tại Mỹ, tỉ lệ trẻ em nhiễm virus trong số ca mắc mới là hơn ¼.
Cho đến khi con em của chúng ta được tiêm vaccine làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng, nhiều bậc cha mẹ vẫn đang sống thận trọng như thể chính họ chưa được tiêm chủng.
Thế giới có thể không phải đợi lâu nữa. Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã xem xét vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi. Ngày 7/10, Pfizer đã chính thức đệ trình hồ sơ lên FDA xin cấp phép tiêm chủng vaccine COVID-19 của hãng này cho trẻ 5-11 tuổi. Nếu FDA đánh giá vaccine này là an toàn và hiệu quả, nhóm trẻ em ở độ tuổi trên ở Mỹ có thể được tiêm chủng trước Halloween hoặc đầu tháng 11.
Pfizer cũng cho biết dữ liệu thử nghiệm vaccine COVID-19 dành cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi có thể sẵn sàng vào cuối năm 2021, điều này giúp cho việc cấp phép có thể diễn ra vào đầu năm 2022.
Thuốc điều trị đường uống tại nhà cho bệnh nhân COVID-19
Điều này cũng sắp xảy ra trong một tương lai không xa. Hãng dược Merck vừa công bố kết quả đáng chú ý đối với một loại thuốc viên kháng virus có tên là Molnupiravir mà hãng cho biết có thể giảm khoảng 50% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong với người nhiễm COVID-19.
Thuốc Molnupiravir được uống hai lần một ngày trong 5 ngày, tiện lợi hơn nhiều so với phương pháp điều trị hiện có là kháng thể đơn dòng, vốn cần đến một trung tâm điều trị chuyên biệt để truyền tĩnh mạch hoặc tiêm nhiều mũi.
Tuy nhiên, cần nói rõ thuốc kháng virus sẽ không phải là “cách chữa trị” đối với COVID-19, và rõ ràng việc được tiêm chủng là cách phòng tránh tốt hơn nhiều, có thể ngăn không bị nhiễm virus ngay từ đầu và ngăn nguy cơ bị bệnh nặng.
Nhưng hiện có khoảng 70 triệu người Mỹ đến nay vẫn chọn cách không tiêm chủng. Nếu uống một viên thuốc có nghĩa là những bệnh nhân virus được giảm một nửa nguy cơ phải nằm viện, điều đó có thể giúp giảm bớt căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và cứu được mạng sống.
Cho đến nay, Molnupiravir mới chỉ được thử nghiệm trên những người chưa được tiêm chủng, nhưng nó cũng có khả năng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19 đối với những người được tiêm chủng bị nhiễm virus đột phá.
Lý tưởng nhất là các nhà khoa học cũng sẽ nghiên cứu liệu pháp thuốc uống này để xem liệu nó có hiệu quả trong giúp ngăn chặn một người có nguy cơ cao sẽ mắc và tiến triển bệnh COVID-19 hay không, giống như cơ chế hoạt động của thuốc Tamiflu trong điều trị và ngăn ngừa cúm.
Ngoài Merck, một số công ty dược phẩm khác, bao gồm Roche và Pfizer, cũng có thuốc kháng virus đường uống trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Điều đó có nghĩa là trong vòng vài tháng tới, sự kết hợp giữa tiêm chủng và điều trị sớm có thể khiến COVID-19 chỉ giống như bệnh cúm nhẹ hơn là một bản án tử hình.
Sẵn có các xét nghiệm nhanh, miễn phí
Các phương pháp điều trị kháng virus và truyền kháng thể chỉ có tác dụng ngăn ngừa bệnh nặng khi được thực hiện sớm trong quá trình mắc bệnh. Điều đó có nghĩa là trạng thái nhiễm virus phải được phát hiện càng sớm càng tốt. Hơn nữa, khoảng một nửa trường hợp nhiễm COVID-19 là từ những người không có triệu chứng. Việc kiểm soát COVID-19 yêu cầu phải xác định những người nhiễm như vậy trước khi họ gây ra lây truyền tiếp theo. Điều này cũng phụ thuộc vào quá trình xét nghiệm.
Bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà.
Tại Mỹ, bất chấp sự công nhận rộng rãi về tầm quan trọng của chẩn đoán nhanh và phát hiện sớm, xét nghiệm vẫn là một chiến lược kiểm soát nhiễm virus chưa được sử dụng rộng rãi. Về mặt này, Mỹ đang thua xa các nước khác. Anh đã cung cấp các xét nghiệm miễn phí cho tất cả cư dân để mọi người có thể xét nghiệm hai lần /tuần. Canada đang cung cấp các xét nghiệm nhanh miễn phí cho các doanh nghiệp. Singapore và Nhật Bản cung cấp xét nghiệm qua hệ thống máy bán hàng tự động phổ biến.
Tổng thống Biden đã nói ông có kế hoạch cung cấp 280 triệu bộ xét nghiệm nhanh với giá 7 USD/bộ. Sau đó, Nhà Trắng tuần trước thông báo có kế hoạch tăng gấp bốn lần số lượng các xét nghiệm tại nhà vào tháng 12.
Các chuyên gia y tế cho rằng, Mỹ cần thúc đẩy lớn hoạt động xét nghiệm tại nhà, với mục đích cung cấp đủ để mọi người Mỹ được xét nghiệm ít nhất hai lần/tuần. Với việc bổ sung xét nghiệm miễn phí và dễ tiếp cận, trong vài tháng tới nước Mỹ có thể đạt tới một thời điểm COVID-19 không còn là một vấn đề quan trọng khi nhà chức trách đưa ra các quyết định về việc làm, trường học, hoạt động xã hội và du lịch.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khẳng định đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt nếu con người hợp tác với nhau. vBà Walensky thừa nhận không thể dự đoán thời điểm Covid-19 kết thúc nhưng nhấn mạnh điều đó phụ thuộc vào hành vi của con người. Đã 20 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, số ca nhiễm ở nước này bắt đầu giảm sau khi làn sóng lây lan do biến thể Delta khiến số người nhiễm vọt lên đỉnh điểm hơn 172.000 ca mỗi ngày hồi giữa tháng 9. Một số chuyên gia y tế nhận định đây có thể là đợt dịch lớn cuối cùng nhưng không ai dám chắc khi nào đại dịch kết thúc.
Theo nữ tiến sĩ, với chỉ khoảng 55% dân số đã tiêm đầy đủ vắc xin, Mỹ chưa đạt đủ mức miễn dịch cộng đồng trước biến thể Delta dễ lây nhiễm. "Với biến thể Delta, R-naught hiện là 8 hoặc 9", bà phản ánh. R-naught là chỉ số lây nhiễm cơ bản, biểu thị trung bình số người bị lây virus từ một người đã nhiễm bệnh.
"Điều đó có nghĩa là chúng ta cần rất nhiều sự bảo vệ trong cộng đồng để không bị mắc bệnh", Giám đốc CDC Mỹ lý giải và chỉ ra vấn đề là một số cộng đồng có tỷ lệ tiêm vắc xin cao và được bảo vệ tốt nhưng "không ít địa phương có rất ít sự bảo vệ.
"Virus thì đâu có ngốc – nó sẽ tới đó. Vì vậy, thực sự, vấn đề phụ thuộc vào mức độ chúng ta hợp tác với nhau... làm những điều cần phải làm để bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng". Theo Giám đốc CDC Mỹ, đến nay con người "đang chiến đấu với nhau chứ không phải chiến đấu với kẻ thù chung là virus".
Sự kết thúc của đại dịch không phải là một khái niệm xa vời nữa. Các nhà khoa học cho rằng, ngoại trừ kịch bản bùng nổ một loại biến thể mới tồi tệ hơn nhiều, chúng ta đã vượt qua những ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19. Virus có thể vẫn tồn tại, nhưng nếu chúng ta được trang bị những công cụ phù hợp, nó sẽ không thể chi phối cuộc sống của chúng ta nữa.
Đức Linh