Những dấu hiệu mập mờ trong hồ sơ 'đuổi việc' cô giáo làng (Bài 4)
Bài 4: Hành trình đi tìm bằng chứng ‘phản bác’… 3 lý do đuổi việc
SKMT- Như kỳ trước đã phản ánh, việc cô Thiện có được bộ hồ sơ của người mua lại từ người bán đồng nát. Cô Thiện đã tìm lọc và hoàn thiện bộ hồ sơ và gửi đến Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường điện tử.
Những lý do…cười ra nước mắt
Trong hồ sơ gửi đến Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường điện tử, Cô Đỗ Thị Thiện (nhân vật trong tuyến bài “Những mập mờ trong hồ sơ đuổi việc cô giáo làng”), đã cung cấp thông tin về thời gian công tác, giảng dạy của mình.
Cô giáo Đỗ Thị Thiện.
Theo đó, cô Thiện công tác từ năm 1983 đến năm 1995 thì được kỳ hợp đồng dài hạn với trường. Đến năm 2002 thì cô cùng các giáo viên khác được ký hợp đồng lao động với thời hạn 3 năm đến năm 2005. Tháng 6/2005, cô Thiện sinh con thứ 3 và được nghỉ theo quy định. Sau thời gian nghỉ sinh cô tiếp tục công tác tuy nhiên đến tháng 6/2006, cô Thiện bất ngờ bị nhà trường và Phòng giáo dục không cho giảng dạy.
Ngay sau đó, cô đã làm đơn gửi Trưởng phòng GD&ĐT thị xã (nay là TP Bắc Giang) và hiệu trưởng nhà trường hỏi rõ lý do vì sao mình không được giảng dạy. Tuy nhiên, lên phòng thì phòng bảo về trường hỏi, về trường thì trường lại đẩy cô lên phòng mà không hề có bất kỳ một văn bản, quyết định cụ thể nào về việc buộc cô thôi việc.
Trong lúc chưa biết sự việc cụ thể thế nào sợ quá trình đóng bảo hiểm của mình bị gián đoạn và theo hướng dẫn của hiệu trưởng cô Thiện đành phải làm đơn tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện. Trong đơn có ghi: “Do tôi sinh con thứ 3 đã bị cắt hợp đồng không được tiếp tục tham gia bảo hiểm theo chế độ. Bản thân muốn được tham gia bảo hiểm tự nguyện để có chế độ sau này”.
Tuy nhiên, điều đáng nói, dù không được dạy nhưng cô Thiện vẫn được tham gia đóng 100% bảo hiểm tại trường. Tuy nhiên, trong sổ bảo hiểm lại không thể hiện việc cô Thiện nghỉ mà vẫn ghi đầy đủ các cột như các giáo viên bình thường khác. Đến ngày 28/5/2012, Bảo hiểm xã hội TP. Bắc Giang có Kết luận kiểm tra số 70/KL-BHXH, gửi hiệu trường trường nầm non Bình Minh. Kết luận về việc xử lý đóng bảo hiểm bắt buộc sai quy định đối với trường hợp của bà Đỗ Thị Thiện là giáo viên trường mầm non Bình Minh.
Phía BHXH cho rằng, do bà Thiện vi phạm dân số kế hoạch hoá gia đình, phòng giáo dục không ký tiếp hợp đồng và gửi đóng bảo BHXH từ tháng 10.2006 đến nay là vi phạm luật BHXH. Trong đó nêu rõ cô Thiện không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời làm thủ tục chốt sổ BHXH cho bà Thiện từ tháng 10/2006.
Lúc này, cô Thiện mới biết nguyên nhân mình bị đuổi việc là do vi phạm dân số kế hoạch hoá gia đình, phòng giáo dục không ký tiếp hợp đồng. Tuy nhiên, khi cô Thiện gửi đơn thì Phòng GD&ĐT thành phố cho rằng đã hết thời hiệu khiếu kiện.
Công văn 166, của Phòng GDĐT thành phố Bắc Giang, trả lời về các vấn đề khiếu nại của cô Đỗ Thị Thiện
Cô Thiện nhận được công văn số 166/GD-ĐT của Phòng GD-ĐT TP. Bắc Giang ngày 15/4/2013 trả lời đơn của công dân có đoạn: Phòng giáo dục và đào tạo thành phố không có quyết định nào cho bà Thiện thôi việc mà tại thời điểm đó hợp đồng lao động của bà Thiện ký với Phòng GD-ĐT đã hết hạn và bà Thiện không được nhà trường đề nghị ký tiếp hợp đồng lao động với lý do: chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế; chưa chấp hành tốt chính sách pháp luật của nhà nước; vi phạm pháp lệnh về dân số; vi phạm luật đất đai. Những lý do này đã được nhà trường và UBND xã Xương Giang nhận xét trong quá trình công tác và bản tự đánh giá quá trình công tác của bà ngày 10/4/2006.
“Tôi thực sự mệt mỏi, không hiểu lý do vì sao mà họ đưa ra được 3 lý do để cho tôi nghỉ việc. Không biết các cơ quan chức năng có thanh tra, kiểm tra trực tiếp không. Hay họ chỉ đợi cấp dưới báo cáo lên rồi tự mình phán quyết. Bản thân tôi, nhiều năm ròng, phải đi chứng minh những lý do mà họ đưa ra”, cô Thiện tâm sự.
Đi tìm bằng chứng để khẳng định bản “đánh giá” là… không khách quan
Như đã nói, cô Thiện cũng không hiểu vì lý do gì mình bị buộc thôi việc. Đến thời điểm nhận được công văn kia, cô Thiện mới biết mình bị cho nghỉ với 3 lý do: vi phạm chưa chấp hành tốt chính sách pháp luật của nhà nước, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế và vi phạm pháp lệnh dân số.
Tuy nhiên, lý do vi phạm luật Đất đai đã được bà Thiện chứng minh là không có. Những lỗi vi phạm về Luật Đất đai được thể hiện rõ trong Biên bản số 29/BB-CT-VPHC, ngày 7/8/2007 của UBND xã Xương Giang. Biên bản trên cho rằng ông Hà Quang Tươi (chồng cô Thiện – PV), tự ý chắn cống tiêu thoát nước tại khu vực bờ đập Đồng Gốm, xã Xương Giang gây ngập úng. Cùng ngày UBND xã Xương Giang ra 2 Quyết định xử phạt hành chính cùng có số 29/QĐ-CT-XPVPHC. Nội dung chỉ khác nhau về số tiền, một quyết định ghi mức phạt 50 nghìn đồng có chữ ký đóng dấu, một quyết định ghi mức phạt 100 nghìn đồng. Tiếp theo, ông Tươi, lại tiếp tục có tên trong việc vi phạm xây dựng mới trái phép trên hệ thống thoát nước cạnh trường mầm non (thôn Chùa, xã Xương Giang). Sự việc này được ông Nghĩa, Chủ tịch xã Xương Giang ra Quyết định số 05/QĐ-CT-CCHC, ngày 8/9/2007, thi hành việc cưỡng chế toàn bộ phần xây dựng trái phép như đã nêu.
Hàng loạt xác nhận của các giáo viên, những hộ gia đình và cán bộ cơ sở về việc bà Thiện không vi phạm
Thế nhưng, việc vi phạm này của cô Thiện đã được những hộ dân sinh sống gần đó và đặc biệt là người đã trực tiếp xây dựng vi phạm đều xác nhận rằng gia đình ông Tươi, bà Thiện không phải là người vi phạm.
Điều này được chứng minh bằng văn bản số 100/UBND-ĐC của UBND xã Xương Giang, ngày 29/11/2013 trả lời về những vấn đề của bà Thiện sau những chứng cứ, nhân chứng đưa ra. Sự việc được xác nhận rằng do UBND xã lập Biên bản nhầm địa điểm. Việc xây dựng quán nước thì lập Biên bản không đúng đối tượng. Như vậy, gia đình bà Thiện không hề vi phạm luật Đất đai như đã nêu.
Về mặt chuyên môn nghiệp vụ, cũng như đã nhắc ở bài trước, bản thân cô Thiện được đánh giá rất tốt trong công việc cũng như trình độ. Nhiều năm liền cô được giấy khen, bằng khen ghi nhận thành tích chuyên môn. Thậm chí, ngành Giáo dục cũng vinh danh cô bằng tấm huy chương “vì sự nghiệp”.
Bằng khen giao viên giỏi cấp Tỉnh những năm liên tiếp của cô Thiện
Cô Thiện đặt ra câu hỏi rằng, chẳng phải những tấm bằng khen đó chỉ là những tấm giấy lộn? Hơn nửa đời người cống hiến cho giáo dục địa phương cô lại bị nhận xét là chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế? Liệu nhận xét thiếu chuyên môn có thỏa đáng?
Được biết, hiện tại cô Thiện cũng đã có bằng cử nhân về chuyên nghành của mình.
Còn về việc vi phạm pháp lệnh dân số, hiện tại việc cô Thiện có vi phạm hay không, hình thức xử lý như thế nào vẫn chưa hề có biên bản họp hội đồng, đánh giá ra hình thức kỷ luật. Tất cả chỉ được nói… bằng miệng.
Như vậy, ngày ngày 29/11/2013, UBND xã Xương Giang mới ra Văn bản số 100/UBND-ĐC, trả lời về những vấn đề vi phạm của cô Thiện. Nhưng tại mục 1 của Công văn số 166/GD-ĐT lại căn cứ theo phần nhận xét của UBND xã Xương Giang từ năm 2006, trước khi có cả câu trả lời chính thức, xem bà Thiện có vi phạm hay không.
“Chính quyền địa phương bảo mình vi phạm, họ chứng minh mình vi phạm. Nhưng tôi phải đi chứng minh là chính quyền địa phương họ đã nhầm. Không hiểu sao tôi lại bị như vậy, phải chăng tôi đấu tranh vì ngôi trường mà tôi gắn bó là sai trái? Họ kết luận tôi như vậy, thực sự là quá oan sai”, cô Thiện chia sẻ.
Sức khỏe & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Hà Điệp