Những món ăn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán nhiều nhất
Bệnh ấu trùng sán lợn hay bệnh lợn gạo là bệnh truyền nhiễm ở mô gây ra bởi ấu trùng sán dây lợn.
Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn, có tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%.
Nguyên nhân mắc bệnh liên quan chủ yếu đến tập quán ăn uống, không đảm bảo ăn chín uống sôi.
Dưới đây là những món ăn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán:
Tiết canh
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, tiết canh về bản chất là máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh.
"Ăn tiết canh từ con vật bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, nặng có thể gây tử vong", ông Thịnh nói.
Do đó, nên bỏ thói quen ăn tiết canh để hạn chế lây nhiễm bệnh từ thịt bẩn. Khi tiếp xúc và chế biến thịt lợn phải sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết, vệ sinh cá nhân và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.
Ốc
Những món ăn về ốc luôn hấp dẫn các tín đồ ăn vặt bởi hương vị đa dạng và hấp dẫn. Tuy nhiên, ốc là loài sống trong môi trường bùn sâu thường chứa rất nhiều các loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể.
Ghê sợ hơn, mỗi con ốc có thể chứa tới từ 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, nếu ăn ốc, bạn phải nấu thật chín. Tuyệt đối không nên ăn ốc chín tái.Đặc biệt, những món ăn từ chúng ở các quán vỉa hè thường không đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến. Do đó, nên hạn chế ăn ốc tại những hàng quán ven đường.
Một mẹo nhỏ là bạn hãy ngâm ốc với nước gạo và ớt để chúng nhả hết bùn và chế biến thật kĩ để ăn được an toàn hơn nhé!
Rau sống
Rau sống là một trong những loại thực phẩm có nguy cơ làm lây nhiễm sán cao nhất, điển hình như các loại rau xà lách, rau mùi... Trong quá trình chăm sóc, việc tưới, bón bằng nước bẩn, phân tươi khiến cho ký trình sinh sôi. Các loại rau này lại thường dùng để ăn sống, không qua chế biến bằng nhiệt độ nên nguy cơ nhiễm sán là rất lớn.
Các loại thịt tái, bít tết
Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ăn thịt bò tái có nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng như sán dải bò (sán xơ mít), sán lá gan... Các ký sinh trùng này có thể gây bệnh tại hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Ngoài ra, thịt sống là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển nếu bảo quản không đúng cách, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa và các hậu quả khác.
Cần áp dụng nguyên tắc "ăn chín uống sôi" và không ăn thịt bò tái.
Để phòng tránh bệnh sán lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:
Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm, phải tuân thủ quy tắc: “ăn chín, uống sôi”, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (do nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành); không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (do có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.
Cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.
Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
Không nuôi lợn thả rông.
L.H (T/h)