Những quốc gia xanh nhất
Bảng xếp hạng được thực hiện dựa trên Chỉ số hoạt động môi trường (IPE) do Đại học Yale thiết lập. Chỉ số được tạo từ 11 tiêu chí, mỗi tiêu chí được chia thành một số điểm cần chú ý cụ thể. Tổng cộng có 32 điểm cần chú ý như sức khỏe môi trường, tiếp xúc với các hạt mịn, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường sống của động vật, nông nghiệp và biến đổi khí hậu. Ngoài đa dạng sinh học và cam kết chính trị để bảo vệ môi trường, các tiêu chí được các nhà nghiên cứu sử dụng còn dựa trên chất lượng không khí và nước, cũng như hạn chế phát thải khí CO2.
Theo kết quả của IPE, 10 quốc gia sinh thái nhất trong bảng xếp hạng đều nằm ở châu Âu. Đan Mạch đứng đầu với 82,5 điểm, (tăng 7,3 điểm), vượt Luxembourg, quốc gia đã tăng 11,6 điểm trong 10 năm qua để đạt 82,3 điểm. Pháp đứng ở vị trí thứ 5 với 80 điểm (tăng 5,8 điểm). Đức xếp vị trí thứ 10 với 77,2 điểm (tăng 1,2 điểm), trong khi Bỉ đứng ở vị trí 15 với 73,3 điểm (tăng 2,1 điểm).
Nghiên cứu của đại học Yale cũng chỉ ra rằng việc đánh giá một quốc gia phụ thuộc nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia đó. Các biện pháp bảo vệ môi trường, khí hậu như cải tạo cơ sở hạ tầng khá tốn kém mà không phải quốc gia nào cũng có khả năng chi trả. Do đó, các nước nghèo đều nằm cuối danh sách như Burundi, với 27 điểm (giảm 11,1 điểm), Côte d'Ivoire, với 25,8 điểm (giảm 8,5 điểm), hay Liberia, với 22,6 điểm (giảm 3,7 điểm). Tuy nhiên, bài toán về khí hậu và môi trường chỉ có thể được giải nếu có sự chung sức của tất cả các quốc gia.
ĐỨC LINH