Ô nhiễm nặng tại các điểm tập kết lợn ở Lai Châu
SK&MT – Để đáp ứng hoạt động xuất khẩu lợn qua khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ, Lai Châu), trên địa bàn huyện đã xuất hiện hàng chục điểm tập kết, chăm sóc và trung chuyển lợn. Tình trạng trên vừa gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường do xả thải, vừa khiến người dân hoang mang vì một số lượng lợn ốm, chết bị “tuồn” ra thị trường tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ghi nhận ban đầu của PV, hầu hết các điểm tập kết lợn đều tự phát, nằm ven các con sông, suối, trong khu dân cư, chạy theo các tuyến quốc lộ dẫn lên cửa khẩu thuộc địa bàn các xã: Hoang Thèn, Khổng Lào, Lản Nhì Thàng và thị trấn Phong Thổ. Chủ của các điểm tập kết này hầu hết là người người xuôi lên thuê đất của dân địa phương làm.
Với diện tích của các điểm từ 600 m2 đến 3.000 m2, sức chứa từ 300 đến cả nghìn con lợn dẫn đến hậu quả một lượng chất thải lớn bị thải ra môi trường, xuống các con sông suối với mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân địa phương.
Theo Ông Tòng Văn Oanh, một người dân bản Vàng Bó, nhà ở bên cạnh một điểm tập kết lợn cho biết: “Xe lợn về bất kể giờ giấc, nhiều hôm về cả ban đêm, tiếng xe, tiếng lợn kêu ầm ĩ khiến ông không ngủ được. Khi có gió thì mùi hôi thối ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình và các hộ chung quanh.”
Còn theo ông Vàng Văn Bình, một người dân ở bản Thẩm Bú có lán nương đối diện với một điểm tập kết lợn khác, cứ mỗi lần xe lợn về, người ta tắm rửa cho lợn rồi thải hết xuống suối rất nguy hiểm, mùi hôi kinh khủng. Bản thân ông có lần ra lán nương, gặp người của các điểm tập kết mang lợn chết chôn ngay tại ven suối, hoặc vứt thẳng xuống suối khiến ông rất lo lắng về vấn đề môi trường.
Một trong những điểm tập kết lợn có hệ thống xử lý nước thải được cho là "đạt chuẩn".
Nguy cơ mất vệ sinh thú y, lây lan dịch bệnh và mất vệ sinh an toàn thực phẩm cho con người đang hiện hữu từ các điểm tập kết lợn nêu trên. Một số người dân nơi đây cho biết, từng chứng kiến số lợn ốm, yếu, chết tại các điểm tập kết lợn nêu trên được các chủ hàng bán lại cho người dân địa phương sử dụng và bán cho cả tiểu thương làm nghề giết mổ để cung cấp cho thị trường. Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Bùi Văn Sơn thừa nhận từng bắt gặp hai trường hợp chở hai con lợn chết từ các điểm tập kết về xã Nậm Xe để đưa đi tiêu thụ. Ông đã phải gọi lực lượng chức năng đến để xử lý và tiêu hủy.
Nói về vấn đề này, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu Phạm Anh Hùng lo lắng: Việc không kiểm soát được nguồn lợn ốm, yếu, chết được đưa ra thị trường tiêu thụ, cùng với việc xả thải ra môi trường không bảo đảm như hiện nay nếu phát sinh dịch bệnh thì mức độ ảnh hưởng, thiệt hại đến đàn gia súc và người dân sẽ là rất lớn.
Ngang nhiên hoạt động vẫn chưa bị xử lý
Theo kiểm tra của cơ quan thú y, có 9/10 điểm không có giấy phép hoạt động và không bảo đảm vệ sinh thú y. Điều đáng nói, dù hoạt động tự phát, lại có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, nhưng trong suốt một thời gian dài các điểm tập kết này vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị cơ quan nào kiểm tra xử lý.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Thổ Nguyễn Văn Tuyển cho biết: “Liên quan đến các điểm tập kết trên, đơn vị chỉ có chức năng quản lý về vấn đề môi trường và vấn đề quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mặc dù vẫn thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra, nhưng chủ các cơ sở đều là người nơi khác đến thuê đất, thiếu hợp tác. Hơn nữa, do hoạt động của các điểm này không theo giờ giấc nào cho nên việc kiểm tra, quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Muốn xử lý phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác, thành lập đoàn liên ngành mới giải quyết được”.
Cũng theo Ông Tuyển, trên địa bàn huyện hiện có khoảng bảy điểm tập kết lợn. Trong đó có đến bốn điểm đã có hệ thống xử lý chất thải chuẩn bi-ô-ga, các điểm còn lại đang được yêu cầu hoàn thiện. Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan thú y Lai Châu, thực tế có 10 cơ sở tập kết lợn chưa tính các điểm phát sinh mới đây và chỉ có duy nhất một điểm có bể xử lý chất thải nhưng chưa bảo đảm được các điều kiện về vệ sinh thú y. Hầu hết hệ thống thoát nước thải của các điểm chỉ là một con mương tạm xây bằng gạch không có nắp đậy. Chiếc bể chứa “chuẩn” bi-ô-ga cũng chỉ là bể xây tạm bằng gạch được phủ qua loa bằng một tấm bạt, nước thải vẫn tràn ra ngoài, đen ngòm và chảy thẳng xuống suối Nậm So với mùi hôi thối rất khó chịu.
Mặc dù cho rằng một số điểm có hệ thống xử lý chất thải chuẩn bi-ô-ga, song ông Tuyển lại cho biết, việc xây hố bi-ô-ga đơn vị không có chuyên môn để đánh giá là có đạt tiêu chuẩn hay không. Muốn khẳng định việc xả thải có bảo đảm hay không cần phải được giám định hoặc thẩm định bởi cơ quan chuyên môn; còn riêng việc nước thải sau khi tắm lợn cũng không ảnh hưởng, độc hại gì lắm.
Về việc lợn ốm, yếu, chết được các chủ hàng “tuồn” ra ngoài cho người dân và thương lái gây nguy cơ mất vệ sinh thú y, lây lan dịch bệnh và mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mặc dù đã trực tiếp bắt gặp hai trường hợp mua bán vận chuyển lợn chết, dù không đồng tình với việc làm đó, song Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Bùi Văn Sơn cho biết, mới có văn bản chỉ đạo và đang cho anh em đi kiểm tra nhưng chưa thấy báo cáo lại cho nên chưa nắm được cụ thể.
Việc các điểm tập kết lợn không có giấy phép, không theo quy hoạch và ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài là sự thật. Những tiềm ẩn về môi trường, vệ sinh thú y, lây lan dịch bệnh cũng đã được chính người dân sống gần các cơ sở và cơ quan chuyên môn Lai Châu xác nhận. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu trong buổi làm việc với huyện Phong Thổ mới đây cũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc quản lý chặt vấn đề này.
Đã đến lúc cơ quan chức năng các cấp cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn; giải quyết dứt điểm để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc về môi trường, dịch bệnh.
Đ.H