Phát động cuộc thi “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa”
tại khu vực ven biển các nước Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Tất cả các cá nhân, tổ chức đều có thể tham gia cuộc thi, bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận. Yêu cầu ít nhất một thành viên của nhóm là công dân của Asean và có khả năng giao tiếp và trình bày ý tưởng rõ ràng bằng tiếng anh. Thời gian tham dự từ 25/6/2020 - 6/8/2020.
Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng, trong đó có rác thải nhựa
Phát biểu tại buổi lễ, bà Caitlin Wiesen – Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: Là một đất nước với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
“Theo ước tính, mỗi năm con người thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, tuy nhiên, chỉ có 9-10% lượng rác thải được tái chế. Để giải quyết những thách thức này, chúng ta cần thay đổi có hệ thống để có để chấm dứt vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. EPIC sẽ là cuộc thi tìm kiếm các giải pháp hứa hẹn nhất trong khu vực ASEAN. Chúng tôi mong muốn mọi người cùng tham gia cuộc thi để có thể tìm thấy những ý tưởng mới, sáng tạo, mang tính đột phá và tuần hoàn”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Bà Kanni Wignaraja, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, UNDP chia sẻ: Đại dương là lá phổi của trái đất, đồng thời là bể chứa carbon khổng lồ, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng cho khí hậu và là cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng lên, đe dọa sinh kế và cuộc sống người dân ở các vùng đất trũng và đại dương ngày càng bị axit hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học khu vực.
“Mỗi năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục thì ước tính đến năm 2050, đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn. Do đó, việc tìm ra các biện pháp xử lý rác và ý thức của người dân là vô cùng quan trọng để đóng góp cho tiến trình này. Chúng ta cần nâng cao kiến thức, thúc đẩy hành động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN để chấm dứt vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa”, bà Kanni Wignaraja chia sẻ thêm.
Theo Ông Bard Vegar Solhjell – Tổng Giám đốc Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad), vấn đề rác thải đại dương là một trong những thách thức lớn mà con người đang phải đối mặt. Nó gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và cộng đồng, đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo sống hai bên bờ biển, bởi người dân nơi đây dựa vào sinh kế bờ biển để sinh sống. Bên cạnh đó, ở các nền kinh tế còn nghèo có hệ thống xử lý rác thải kém. Do đó, cần có sáng tạo về mặt công nghệ và phương pháp để có thể giải quyết thách thức này.
Hoàng Anh