Phụ nữ Đồng Nai chung tay giảm thải rác thải nhựa
Vấn nạn rác thải nhựa ở Đồng Nai |
1. Vấn nạn rác thải nhựa ở Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội.
Với tiềm năng phát triển kinh tế, dân số đông cũng tạo nên áp lực đối với môi trường, trong đó có rác thải nhựa.Tại Đồng Nai là: mỗi ngày thải ra 3,6 ngàn tấn rác thải các loại (rác thải rắn công nghiệp, chất thải độc hại, rác thải sinh hoạt…), trong đó rác thải nhựa chiếm 6-8%. Trên địa bàn tỉnh có 09 khu xử lý rác thải (KXLRT) được quy hoạch, có 07/9 KXL đang hoạt động thu hút được 17 dự án đầu tư, trong đó 09 dự án đã tiếp nhận và xử lý chất thải
Vấn đề đặt ra là: Hiện nay việc xử lý rác thải nhựa nói chung còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, các khu xử lý rác thải còn ít về số lượng, hạn chế về công suất, vẫn còn tình trạng chôn lấp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa; việc triển khai và áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn (để giảm thiểu phát thải khí metan và thu hồi các-bon, việc xử chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, chất thải hữu cơ cần được tiến hành theo quy trình công nghệ tiên tiến. Song các khu xử lý chất thải cũ hầu hết đều đã được đầu tư và đi vào hoạt động, chưa có công nghệ, công đoạn thu hồi các bon nên việc cải tiến, thay đổi công nghệ sẽ gặp nhiều khó khăn và chi phí cao); lượng chất thải hữu cơ nhiều và rải rác, khó kiểm soát; thói quen tiêu dùng của người dân chưa phù hợp với yêu cầu xử lý chất thải; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư còn thấp, chưa có nhận thức nhiều về vấn đề phát thải khí nhà kính.
2. Đề xuất giải pháp phát huy vai trò của Phụ nữ trong giảm thải rác thải nhựa, góp phần thực hiện hiện mục tiêu Net Zezo.
Tính đến quý 3 năm 2024, số hội viên Phụ nữ của tỉnh Đồng Nai là: 414.989/644.975 người (đạt tỷ lệ 64,34%). Đây là lực lượng tham gia trực triếp vào công tác mua bán - sử dụng - sản xuất - tiêu thụ - thu gom - tái chế và cả xử lý rác thải nhựa, họ còn đóng vai trò là tác nhân thay đổi, nâng cao nhận thức cho các thành viên khác trong gia đình về tiêu thụ và quản lý rác thải.
Xin được đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của phụ nữ tỉnh Đồng Nai trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, như sau:
Trước tiên, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về tác hại của rác thải nhựa, vai trò quan trọng của việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng trên cả hai mặt: nội dung và cách làm. Nội dung phải cập nhật mới, sát với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tái chế rác thải nhựa
Tái chế rác thải nhựa là việc thu hồi nguyên liệu, sản phẩm nhựa đã qua sử dụng để tạo thành những vật dụng hữu ích, tạo ra vật liệu mới, ứng dụng trong sinh hoạt và sản xuất; giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu chất thải rắn, chất ô nhiễm, giúp môi trường sống của trở nên sạch - đẹp hơn và giảm thiểu việc phát thải khí thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuyên truyền để phụ nữ hiểu và tham gia trực tiếp vào công việc tái chế rác thải nhựa, thành việc làm thường xuyên, thói quen trong nhận thức và hành động.
Thứ ba, tổ chức các hoạt động đặc thù của Phụ nữ, xây dựng nhân rộng mô hình
Tích cực tổ chức các hoạt động gắn liền với vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình, xã hội như: Ra quân dọn dẹp, thu gom chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương; trồng cây xanh; phối hợp trong thực hiện và quản lý, duy trì các tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”… Phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa như: Các cấp Hội hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường; thành lập các mô hình thiết thực như: hạn chế sử dụng túi nilon, xách làn đi chợ, biến rác thải nhựa thành tiền, thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình...
Một số mô hình tiêu tiểu, hiệu quả và có tính áp dụng, nhân rộng phải kể đến như:
Mô hình: 5 không, 3 sạch. Tiêu chí “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) được nhiều địa phương lựa chọn ưu tiên thực hiện gắn với tiêu chí nông thôn mới về môi trường, an toàn thực phẩm và giao thông. Mô hình Dân vận khéo “Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn” và chống rác thải nhựa: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tạo men vi sinh IMO từ phế phẩm làm phân bón, thuốc trừ sâu tốt cho môi trường; “Tiết kiệm bán rác thải tái chế hỗ trợ phụ nữ bảo vệ môi trường”; “Phân loại rác thải tại nguồn vì sức khỏe phụ nữ và cộng đồng”; “Ngôi nhà xanh thu gom rác thải nhựa”; “Tủ phế liệu”, “Đổi chất thải nhựa lấy quà tặng”, “Điểm thu gom chất thải thực phẩm dùng làm phân bón bằng phương pháp vi sinh IMO” (Cẩm Mỹ), “Tổ hợp tác trồng bưởi IMO” (Vĩnh Cửu). Mô hình Khu dân cư hạn chế rác thải nhựa, Chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa, Tái chế chai nhựa thành bóng điện năng lượng mặt trời, Sân chơi “Hành trình thứ hai của lốp xe”, “Vườn cây sinh kế”. Mô hình “Ngôi nhà phân loại chất thải tái chế tại nguồn” với tên gọi “Ngôi nhà 3T” (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế); tủ quần áo (áo dài), dày dép, cặp xách, đồ chơi trẻ em… 0 đồng.
Thứ tư, khuyến nghị về cơ chế thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm thay thế nhựa và cơ chế cần thiết cho tỉnh Đồng Nai
Cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng sản phẩm sinh học thay thế nhựa trong sinh hoạt, tiêu dùng, kinh doanh, buôn bán… bằng nguyên liệu bắp, mía, tre, trúc, lau, gỗ, khoai tây... lá chuối, bèo, sen, dong...
Thúc đẩy các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Nghiên cứu các cơ hội tiềm năng chuyển đổi theo mô hình xanh/sinh thái tại các khu công nghiệp có nhóm ngành nghề sạch, ít chất thải và đánh giá tiềm năng lưu trữ, sử dụng nguồn nước mưa tại các khu công nghiệp để tái sử dụng. Nghiên cứu giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh; xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Thống nhất, đồng bộ từ nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng và quản lý, thu gom, xử lý rác thải nhựa để tạo quy trình kép kín, xử lý rác thải tại nguồn đến nhà máy, xí nghiệp hiệu quả.
Quan tâm, đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trang bị phương tiện, công nghệ cho đội ngũ cán bộ cơ sở nhằm đảm bảo sự chính xác trong hoạt động thống kê, kiểm kê phát thải khí nhà kính vàgiám sát giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.