Phúc Thọ, Hà Nội: Xã nông thôn mới mù mịt khói do … đốt rác
SK&MT - Nhiều vấn đề về rác thải đang xảy ra tại xã nông thôn mới Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh. Chính quyền ở đây cho rằng, nguyên nhân đều bắt nguồn từ người dân (?).
Ám ảnh nhà tập kết rác
Chúng tôi về Tam Hiệp, Phúc Thọ vào một ngày trung tuần tháng 4. Tiết trời đã lập hạ và cảm nhận đầu tiên khi về đây là sự ngột ngạt, khó chịu của cái nắng gắt đầu mùa cộng với các loại mùi bốc lên từ các bãi rác; đặc biệt là khói bụi đặc quánh, bao trùm cả một vùng không gian.
Huyện Phúc Thọ “Xanh – Sạch – Đẹp” là đây???
Tiến sâu vào làng truyền thống may mặc ở Tam Hiệp, chúng tôi nhận thấy hầu hết các hộ gia đình trong xã đều sản xuất quần áo gia công. Rõ ràng với công suất làm việc như vậy, lượng rác thải công nghiệp là vô cùng lớn!
Điều đó được chứng minh khi chúng tôi có mặt tại nhà tập kết rác của 3 thôn Mỹ Giàng (Tam Hiệp). Những đống vải thừa chất cao hàng mét, ngổn ngang trong nhà chứa rác, tràn ra cả bờ ruộng, lòng đường thôn, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Điều tương tự cũng xảy ra tại nhà rác thôn Thưởng Hiệp. Tại đây, lượng rác thải sinh hoạt chỉ chiếm số ít, còn đa số là “núi” rác công nghiệp (vải vóc, nilon…). Kinh khủng hơn cả là nhà rác thôn Hòa Thôn, bên cạnh nghề sản xuất may mặc truyền thống thôn này còn có thêm nghề giết mổ nên lượng rác thải từ động vật trộn với vải vóc thừa chất lâu ngày gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các vùng xung quanh. Cả ba bãi tập kết rác đều tồn tại nhiều năm, chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật xử lý nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Để tìm hiểu về tình trạng trên chúng tôi đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Hoàng Văn Kha - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp: “Chúng tôi cũng đang rất đau đầu về cái việc giải quyết rác thải ở địa phương. Nhận thức người dân thì hạn chế tự í đổ tràn lan rác ra ngoài đường. Người dân cũng như các hộ kinh doanh đóng tiền ko đóng thu gom rác rồi tự í đem đi đổ...rồi tự đốt cho cháy, có lần xã phải đem bình cứu hỏa xuống để dập tắt”, ông Kha cho biết.
Được biết mỗi tháng cả toàn xã thu gom là 300 tấn rác, thế nhưng rác cứ chất ứ hàng tháng ở đây thì không thể tránh khỏi nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là các bãi tập kết rác này chỉ cách khu dân sinh vài chục mét mà hàng ngày từ người dân đến chính quyền cũng không hiểu vì sao các đống rác cứ “tự” bốc cháy ngùn ngụt, khói đen, hôi thối trùm khắp làm xóm, làng.
Ám ảnh bãi tập kết rác ở xã Tam Hiệp
Chính quyền làm ngơ, công ty thiếu năng lực?
Theo ông Hoàng Văn Kha nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh một lượng lớn rác tại 3 thôn Mỹ Giàng, Thưởng Hiệp, Hòa Thôn...là do các hộ sản xuất, kinh doanh tự phát không theo quy hoạch. Cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, gây khó khăn trong công tác quản lý môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao nên dẫn đến hiện tượng tập kết và đốt rác không đúng quy định gây ảnh hưởng đến môi trường.
“Việc rác ở khu tập kết bốc cháy là do dân tự châm lửa đốt, chúng tôi đã huy động 8 công an viên thường xuyên phục bắt để xử lý mà không sao bắt được, xã còn phải mua máy chữa cháy hơn 50 triệu để dập tắt mà cũng không ăn thua. Người dân và hộ kinh doanh không chịu đóng tiền thu gom rác nên cứ tự ý chở rác đổ ra bãi xong tự châm lửa đốt.”- ông Kha cho biết.
Nhưng theo PV tìm hiểu UBND xã đã ký hợp đồng xử lý rác thải với công ty Cổ Phần Môi Trường Và Công Trình Đô Thị Sơn Tây (STU) và các hộ gia đình vẫn phải đóng góp tiền thu gom rác theo đúng quy định vậy tại sao lại có thể diễn ra tình trạng người dân tự đem rác đi vứt rồi tự đốt? Tại sao công ty Cổ Phần Môi Trường Và Công Trình Đô Thị Sơn Tây lại không thu gom rác theo hợp đồng mà lại để rác tồn đọng quá nhiều ngày như vậy?
anh Phùng Duy Cường cán bộ phòng TNMT huyện Phúc Thọ cho biết mặc dù tình trạng ùn ứ, cháy âm ỉ gây khói bụi ở các bãi tập kết rác của 3 thôn diễn ra trong thời gian khá lâu như vậy mà phía phòng tài nguyên không hề nhận được một báo cáo nào từ phía xã Tam Hiệp “Trước đây công ty Cổ Phần Môi Trường Và Công Trình Đô Thị Sơn Tây làm công tác thu gom rác rất tốt, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay tôi đánh giá là công ty chểnh mảng cụ thể là việc để ùn ứ rác ở xã Tam Hiệp. Về vấn đề rác bị tồn đọng ở Tam Hiệp thì chưa thấy xã báo cáo” – Anh Cường cho biết
Việc đốt rác trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày nào lửa cũng rừng rực cháy tại các bãi rác của 3 thôn thuộc xã Tam Hiệp. Hơn chục ha ruộng của người dân cũng có nguy cơ mất trắng vì bị khói của núi rác này “bức tử”. Đốt phế thải ngay khu dân sinh sống sẽ gây ra chất dioxin vô cùng nguy hiểm làm tổn thương đường hô hấp và có nguy cơ gây ung thư cao. Nếu như việc đốt rác diễn ra triền miên, liên tục như người dân phản ánh và như chúng tôi quan sát thì sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào?
Câu hỏi đặt ra là một vấn đề lớn như vậy mà chính quyền xã Tam Hiệp lại “làm ngơ” không báo cáo lên UBND huyện Phúc Thọ để có hướng giải quyết triệt để?
Ám ảnh bãi tập kết rác ở xã Tam Hiệp
Mong công ty STU đảm bảo môi trường như cam kết
Để khẳng định điều này là đúng, chúng tôi đã nhiều lần “trực” tại một địa điểm gần bãi rác thôn Mỹ Giàng. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là sau 1 tháng trở lại đây, lượng rác không những không giảm đi mà lượng rác càng ngày càng nhiều lên.Các bãi tập kết rác thì âm ỉ cháy hết ngày này qua ngày khác, tạo ra mùi và khói đen vô cùng khó chịu.
Phải “canh ma phế thải” nhiều lần, chúng tôi mới cảm nhận rõ nỗi khổ cùng cực của người dân xã Tam Hiệp.
Mặc dù tình trạng ùn ứ rác diễn ra thường xuyên như vậy nhưng từ phía công ty và chính quyền địa phương vẫn
Xử lý rác thải là vấn đề lớn, nếu thực hiện không đúng quy trình sẽ tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân, tạo thành những điểm 'nóng', gây mất ổn định an ninh trật tự và đời sống xã hội của địa phương.
Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thu gom rác nhằm khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, giải tỏa những bức xúc trong nhân dân, giúp người dân trên địa bàn sớm ổn định cuộc sống.
Sức khỏe & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin trong bài tiếp theo.
Phúc Lâm – Thùy Linh