Quảng Nam: Điểm sáng trong bảo tồn đa dạng sinh học
Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của các loài quý hiếm, đặc hữu như sao la, hổ và voi châu Á, voọc chà vá chân xám, khướu Ngọc Linh, mang Trường Sơn, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển…
Hiện tỉnh Quảng Nam có 7 khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, bao gồm một phần Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hoá Mỹ Sơn, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học là Công viên Chăm sóc và Bảo tồn động vật Vinpearl River Safari Nam Hội An.
Trong thời gian qua, Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, là một trong các tỉnh sớm ban hành Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng phía tây (năm 2005); phê duyệt kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Đặc biệt, tỉnh đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế , xúc tiến thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tại huyện Nông Sơn (2018); Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh (2019) và thiết lập hành lang đa dạng sinh học tỉnh (2019).
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực đa dạng sinh học được triển khai, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng cho việc xác định và thành lập các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh.
Bảo tàng đa dạng sinh học Quảng Nam là bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên của cả nước được xây dựng; thu thập hơn 3.700 ảnh và hơn 2.000 tiêu bản về các hệ sinh thái và các loài động thực vật trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Quảng Nam, Đại diện Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) bày tỏ ấn tượng và chúc mừng những kết quả Quảng Nam đã đạt được trong nỗ lực bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Cụ thể, tỉnh đã tăng nhanh chóng độ che phủ rừng, tái phát biện loài sao la bằng bẫy ảnh WWF vào năm 2013 (thông tin làm chấn động thế giới vì tưởng rằng loài này đã tuyệt chủng).
WWF cũng ghi nhận sự xuất hiện trở lại nhiều hơn các loài được xem như đã biến mất như mang lớn, mang Trường Sơn, rùa Trung bộ; sự phục hồi đàn voọc chà vá chân xám với quần thể rất lớn có sự đóng góp của cộng đồng địa phương xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.