Rong biển – “Bể chứa carbon khổng lồ”
Rong biển – “Bể chứa carbon khổng lồ” |
Việt Nam đã xác định được 800 loài rong biển, trong đó có 90 loài có giá trị kinh tế. Hiện nay, ở nước ta có những vùng nuôi trồng rong biển quy mô lớn, nuôi kết hợp với các loại hải sản khác như hàu, ngọc trai, bào ngư...
Rong biển nuôi trồng được khai thác để làm thực phẩm, nguyên liệu cho ngành dược phẩm và mỹ phẩm. Thậm chí, từ rong biển các doanh nghiệp đã sản xuất ra cốc nhựa sinh học.
Các loại rong có thể tách chiết được nhiều hợp chất dùng cho nha khoa hoặc các hợp chất dùng cho công nghiệp thực phẩm. Ví như trong công nghiệp sản xuất sữa, chất chiết xuất từ rong được dùng để tạo độ sánh và hòa quyện trong sữa, bà Nguyễn Thị Sâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Wineco Việt Nam - dẫn chứng.
Thế nên, tại những vùng nuôi hải sản quy mô lớn như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Kiên Giang... ngư dân trồng rong biển có thể thu tiền tỷ mỗi năm, là sinh kế giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Bên cạnh làm thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (Hội Thủy sản Việt Nam), cho hay, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có nghiên cứu chứng minh, cây rong biển có tác dụng hấp thụ CO2 gấp khoảng 2-5 lần so với cây rừng trên cùng một diện tích.
Một số loài rong có tán rộng, như rong bẹ, khả năng hấp thụ CO2 gấp khoảng 20 lần cây rừng. Với 1km2 nuôi trồng rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn khí CO2. Do đó, việc mở rộng diện tích nuôi trồng rong biển sẽ tạo ra các bể chứa carbon khổng lồ cho ngành thuỷ sản.
“Chúng tôi đang đồng hành với doanh nghiệp xây dựng chương trình Blue Ocean-Blue Foods phát triển vùng rong biển của Việt Nam, tạo thành một bể hấp thụ CO2”, ông Đinh Xuân Lập cho hay.
Trong đó, Blue Ocean hướng tới tăng khả năng hấp thụ CO2 từ đại dương; Blue Foods hướng tới giảm khí nhà kính trong sản xuất thực phẩm, kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho ngư dân các vùng ven biển.
Báo cáo của Cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, diện tích trồng rong biển tiềm năng của nước ta có thể đạt trên dưới 1 triệu ha, tương đương 600.000-700.000 tấn rong khô/năm. Đáng chú ý, có giống rong hấp thụ khí CO2 gấp 20 lần so với cây trên bờ; có giống rong sau khi chiết xuất làm mỹ phẩm, dược phẩm thì phần bã làm thức ăn cho chăn nuôi, giúp giảm thiểu tình trạng ợ hơi tạo khí metan của trâu bò.
Theo đó, ngành nông nghiệp xác định rong biển là nguyên liệu xanh, giúp làm sạch biển, bầu khí quyển và có thể đem lại cho người dân nguồn thu nhập tốt khi chi phí đầu tư không nhiều.
Hiện, sản lượng rong biển ở nước ta mới đạt khoảng 150.000 tấn/năm. Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, cho rằng, khi phát triển đến một diện tích nhất định về rong, chúng ta sẽ đồng hành cùng các tổ chức quốc tế để người trồng rong có thể bán được tín chỉ carbon.
“Trên thế giới, việc bán tín chỉ carbon từ các trang trại nuôi trồng rong đã được các nước đề cập tới. Ở nước ta, bán tín chỉ carbon từ rong biển cũng rất khả thi”, ông Luân nói.
Trước các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia, tín chỉ carbon là thị trường cực kỳ tiềm năng, dự kiến đạt 50-100 tỷ USD vào năm 2030. Theo hãng tin PTI, nhu cầu tín chỉ carbon toàn cầu hiện vào khoảng 58 tỷ tín chỉ mỗi năm.
Ở Việt Nam, tín chỉ carbon rừng đã được chuyển nhượng thành công với giá 5 USD/tín chỉ. Tín chỉ carbon lúa cũng được Ngân hàng Thế giới cam kết chi trả 10 USD/tín chỉ. Trong khi đó, một số tổ chức quốc tế còn ngỏ ý mua tín chỉ carbon với giá từ 20-30 USD/tín chỉ.
Theo dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam mới nhất, giai đoạn 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc.
Các vấn đề liên quan đến pháp luật và cơ sở hạ tầng tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện để phục vụ cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới.
Ngành thuỷ sản nếu mở rộng vùng nuôi trồng rong biển theo tiềm năng trên dưới 1 triệu ha sẽ tạo ra nguồn tín chỉ carbon xanh dương khổng lồ. Khi thị trường carbon được vận hành mua bán, bể chứa carbon rong dưới biển sẽ là nguồn tài nguyên mới giúp ngư dân nước ta nâng cao thu nhập.