Sáp nhập thôn, xóm ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh): Dân chưa thuận - Xã vẫn làm
Trước thực trạng các thôn, xóm có quy mô nhỏ, bộ máy cán bộ cồng kềnh, tốn kém ngân sách, hiệu quả hoạt động thấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, từ năm 2011, tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra chủ trương sáp nhập các thôn, xóm nhằm tinh gọn bộ máy, giảm chi phí ngân sách.
Sau nhiều năm thực hiện, đến nay, Hà Tĩnh đã giảm được hàng nghìn cán bộ thôn, xóm, tiết kiệm ngân sách mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận là chủ trương này đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương, đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để chạy đua với tiêu chí nông thôn mới, nhiều huyện, xã của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có huyện Cẩm Xuyên luôn dẫn đầu phong trào, tích cực chỉ đạo đẩy mạnh công cuộc sáp nhập. Nhưng cũng từ đây, nhiều câu chuyện bi hài, rắc rối xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân. Trường hợp xã Nam Phúc Thăng là một ví dụ điển hình.
Bất chấp quy định “đốt cháy giai đoạn”
Tại xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên đang thực hiện việc sáp nhập thôn 2A và thôn 1A. Điều kiện sáp nhập, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố đối với trường hợp sáp nhập thôn, tổ dân phố đã được quy định rõ tại Khoản 1, Điều 7a Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018, như sau: “Đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% quy mô số hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề; Đối với các thôn, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập; Trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố cần xem xét đến các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa hình và phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương; Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố phải được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố sáp nhập tán thành”.
Nhưng theo đơn phản ánh của tập thể người dân thôn 2A, xã Nam Phúc Thăng gửi đến Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường thì UBND xã thực hiện chủ trương sáp nhập thôn nhưng không họp thôn, không lấy ý kiến dân cư như quy định mà “đốt cháy giai đoạn”, khi chưa được sự đồng thuận của nhân dân về chủ trương sáp nhập hai thôn 2A và 1A của xã. Không chỉ vậy, lãnh đạo xã còn đến từng hộ dân cả ngày lẫn đêm để “ép buộc” người dân ký biên bản chấp thuận sáp nhập, nếu không ký thì sẽ “gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý sau này”.
Người dân thôn 2A và thôn 1A, xã Nam Phúc Thăng làm việc với PV.
Trao đổi với phóng viên (PV), bà Nguyễn Thị Hoan, 63 tuổi, trú tại thôn 2a, bức xúc cho biết: “Có một cán bộ xã tên Thúy, làm ở bộ phận kế toán, cùng một số cán bộ khác của xã xuống trực tiếp gia đình tôi vận động nhưng tôi chưa đồng tình, không ký vào biên bản, chị Thúy đã có lời lẽ đe dọa, sau đó gây khó khăn cho tôi và người thân của tôi đang công tác ở một trường tiểu học trên địa bàn xã”
Còn theo ông Nguyễn Đình Khoản, Trưởng thôn 2a cho biết: “Căn cứ mục II quan điểm, mục tiêu quy định tại Nghị quyết số 13-NQ/ĐU ngày 30/8/2020 của xã Nam Phúc Thăng về việc sáp nhập thôn nêu rõ: “Quan điểm về việc thực hiện sáp nhập thôn phải dân chủ, khách quan và có sự thống nhất cao trong Cấp ủy Chi bộ, đảng viên và nhân dân”. Ông Khoản khẳng định: “Đảng bộ thôn luôn chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng tập thể nhân dân thôn 2a chúng tôi không thể chấp nhận việc làm sơ sài, bỏ qua quy định, xem thường ý kiến của quần chúng nhân dân của UBND xã Nam Phúc Thăng. Hơn nữa, thôn 2A có tổng 160 hộ dân và thôn 1A có 145 hộ, như vậy hai thôn này đã vượt quá chỉ tiêu quy định trong việc sáp nhập”.
Ngoài ra, ông Hoàng Văn Huân, Bí thư thôn 2a cho biết thêm, Tại mục 3.1 kế hoạch số 470/KH-UBND ngày 24/09/2020 về việc lấy ý kiến của cử tri thực hiện đề án sáp nhập và đổi tên thôn năm 2020 được quy định rõ ràng như sau: “Tổ chức các cuộc họp tổ liên gia trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến sáp nhập thôn và triển khai lấy ý kiến từng cử tri đại diện hộ gia đình theo hình thức lấy phiếu trực tiếp. Hoặc tổ chức tuyên truyền lấy phiếu trực tiếp tại các hộ gia đình nơi có điều kiện đặc thù; Tổng hợp kết quả số phiếu phát ra, thu vào nộp về tổ chỉ đạo lấy phiếu theo từng thôn xóm; Sau khi có kết quả lấy phiếu của tất cả các tổ liên gia trên địa bàn thôn, tổ chỉ đạo lấy phiếu tiến hành kiểm phiếu và tổng hợp báo cáo ban chỉ đạo xã”. Nhưng thực tế, xã Nam Phúc Thăng không hề thực hiện thủ tục này.
Xã cho rằng: “Việc sáp nhập không phải lấy ý kiến của dân”?
Để có thông tin khách quan, đa chiều, PV Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Nam Phúc Thăng. Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc sáp nhập thôn xuất phát từ Nghị quyết số 18/BCHTW đảm bảo tinh gọn biên chế và nghị quyết 156/NQ-HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Tất cả đề án sáp nhập không phải lấy ý kiến từ nhân dân, cái này là do chủ trương từ trên và cảm thấy hợp lý thì thực hiện. Thường vụ Đảng ủy sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Hơn nữa, chủ trương sáp nhập không phải xuất phát từ người dân mà do yêu cầu bắt buộc từ trên xuống nên chúng tôi thực hiện. Còn về việc người dân phản đối, tôi cũng nghe qua và đang tìm hiểu”.
Việc sát nhập thôn, xóm là chủ trương, đường lối mà Đảng và Nhà nước đề ra.Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao và quan trọng là thu phục được người dân, trên dưới đồng lòng, không để xảy ra khiếu kiện thì những người đại diện chính quyền, ngoài việc thực hiện các thủ tục theo đúng quy định cũng cần xem xét đến các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa hình và phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương; không nên bất chấp mọi giá để đạt được tiêu chí đề ra, đốt cháy giai đoạn, coi thường, bỏ qua ý kiến của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận, mất đoàn kết trong nhân dân.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Cẩm Xuyên, Ban Chỉ đạo Nông thôn mới, UBND xã Nam Phúc Thăng cần có những giải pháp hợp lý để sáp nhập thôn, xóm một cách “Đúng ý Đảng, hợp lòng dân”, đồng nhất quan điểm, đạt tiêu chí nông thôn mới một cách lành mạnh, khách quan và dân chủ.
Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
ĐẶNG ĐỨC