Siết chặt quản lý và bảo vệ môi trường trong chế biến gỗ: Góc nhìn từ các cơ sở sản xuất gỗ bóc
Theo đó, từ năm 2020, trên địa bàn xã Tân Lợi có trên 1.130ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất là 993ha, còn lại là đất rừng phòng hộ. Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng luôn được chính quyền và người dân địa phương quan tâm thực hiện tốt. Chỉ tiêu trồng rừng hàng năm của xã Tân Lợi luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, trung bình mỗi năm toàn xã trồng được 50ha rừng, tương đương với diện tích khai thác. Từ nguồn nguyên liệu dồi dào ấy, vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã Tân Lợi mọc lên nhiều cơ sở sản xuất gỗ bóc và hoạt động sản xuất này góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, do hình thành tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên nghề sản xuất gỗ bóc đang gặp phải những khó khăn và tiểm ẩn nguy cơ rủi ro. Đặc biệt, ngành gỗ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người như khí thải có hàm lượng chất độc cao, hàm lượng bụi cao, tiếng ồn và dụng cụ an toàn lao động không được áp dụng. Dần dần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, nước và không khí nếu không có giải pháp ngăn chặn gây hậu quả cho môi trường về sau.
Kiểm soát môi trường sản xuất gỗ là việc làm cần thiết hiện nay. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này không chỉ góp phần nâng cáo giá trị kinh tế do ngành gỗ mạng lại mà chất lượng và môi trường sống của người dân cũng được đảm bảo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên việc cấp phép và quản lý các cơ sở chế biến gỗ hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Thực tế vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất gỗ chưa chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không đúng mục đích. Để có thông tin kịp thời và khách quan, phóng viên Sức khỏe và Môi trường điện tử đã có buổi ghi nhận và làm việc trên địa bàn xã Tân Lợi để tìm hiểu rõ hơn về công tác quản lý môi trường và đảm bảo môi trường sống cho người dân tại đây.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn xã hiện có tất cả 18 xưởng gỗ bóc, nhưng tính theo số liệu thống kê từ tháng 4/2021 đến nay, trong đó chỉ có 1 xưởng gỗ là có cam kết bảo vệ môi trường do Ủy ban nhân dân huyện cấp.
UBND xã đã nhiều lần ra quân kiểm tra, nhắc nhở nhưng từ năm 2014 đến nay cũng chỉ lập biên bản được 8 trường hợp, các trường hợp còn lại đều thực hiện tốt cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã Tân Lợi.
Trên địa bàn cũng có nhiều đơn vị tham gia xúc đất, tại thời điểm phóng viên ghi nhận, nhiều hiện trường vừa mới được triển khai xúc đất và vẫn còn nhiều máy xúc nằm trên địa bàn xã.
Ông Đinh Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã cho biết, các đơn vị trên đều xin chính quyền xã xúc đất để lấy nền đất làm nhà và hạ thấp độ cao để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Theo ghi nhận của phóng viên cùng nhiều hình ảnh, UBND xã Tân Lợi cung cấp 3 bộ hồ sơ có đơn xin san gặt mặt bằng và văn bản với 3 hộ gia đình: Hoàng Văn Thành, Phạm Văn Minh, Vi Văn Quyên. Trong đó, đặc biệt chú ý đến hộ gia đình ông Phạm Văn Minh được UBND xã Tân Lợi đồng ý với nội dung: “Gia đình ông Phạm Văn Minh xin cải tạo đất là do thửa đất của gia đình ông Phạm Văn Minh ở đằng sau nhà có độ cao từ 5-6m nguy cơ sạt lở cao, gây ảnh hưởng đến con người và tài sản khi mùa mưa đến. Đất gia đình ông bà Phạm Văn Minh đổ xuống vườn ở phía trước cửa nhà”.
Tuy nhiên, toàn bộ số đất của các hộ dân đã mang đổ ở đâu không rõ. UBND xã Tân Lợi có biết việc này? Và số lượng đất là bao nhiêu khối, đã nộp thuế tài nguyên hay chưa?
Ngoài ra, những xưởng gỗ trên địa bàn mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa có cam kết bảo vệ môi trường nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động gây mất trật tự an ninh, ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân quanh khu vực. Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không sự bỏ mặc và làm ngơ của các cấp chính quyền trước đời sống của người dân trên địa bàn xã ?
Có thể thấy, chế biến gỗ là cần thiết nhưng phải đảm bảo các điều kiện về sản xuất, kinh doanh nhằm đưa hoạt động sản xuất, chế biến gỗ vào nền nếp, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương và đảm bảo môi trường sống cho người dân. Đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước tránh trường hợp gây thất thu thuế, ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không đúng mục đích và cần phải được chấn chỉnh kịp thời.
Sức khỏe và Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Mạnh Hiệp